Hai mô hình không chỉ giúp Hạ Long trở thành “Thành phố xanh” mà còn góp phần tạo nguồn kinh phí làm từ thiện.
Phân loại rác mọi lúc, mọi nơi
Đã thành thói quen, mỗi ngày bà Đoàn Thị Yên, Khu 1, phường Hà Trung, TP. Hạ Long đều dành thời gian thu gom rác thải ngay tại nhà để đem phân loại tại điểm tập kết. Công việc này bà Yên đã thực hiện đều đặn gần 2 năm nay. Không chỉ bà Yên mà rất nhiều gia đình khác trong khu phố cũng rất hăng hái tham gia hoạt động này.
Không cần kêu gọi, nhắc nhở, cứ đúng 20h giờ mỗi tối thứ 5 hằng tuần, từng nhóm chị em lại xách bao, túi rác tập trung đông đủ tại nhà tổ trưởng khu phố. Tại đây, mọi người cùng nhau phân loại rác, làm gạch sinh thái và những vật dụng tái chế phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Mỗi người đóng góp một ít, gom chung lại với nhau rồi phân thành từng loại rác tái sử dụng hoặc đem cân, bán và số tiền thu được dùng để gây dựng quỹ từ thiện. Mỗi người một chân một tay hướng dẫn nhau làm những vật dụng tái chế, giúp đỡ nhau phân loại từ những vật dụng bỏ đi. Riêng rác vô cơ như: vỏ chai nhựa, giấy vụn, lon nước ngọt… chị em tích lũy lại để bán phế liệu, số tiền thu được sẽ công bố cho chị em cùng biết và ghi vào sổ quỹ hội. Đó là khoảng thời gian khu phố trở nên sôi động, náo nhiệt hơn lúc nào hết bởi tiếng cười nói, trò chuyện rôm rả của các cô, các chị. Dù ít dù nhiều nhưng ai cũng cảm thấy hào hứng, phấn khởi khi đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp ích cho cộng đồng.
Không chỉ phân loại rác tại nhà, mọi người luôn có ý thức thu gom rác thải vứt bừa bãi trên đường ở mọi lúc, mọi nơi: đi đường, đi đón con/cháu, đi tập thể dục buổi sáng,… Những hội viên hằng ngày phải đi làm cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để cùng tham gia hoạt động này. Các hội viên còn đến từng nhà để vận động mọi người cùng có ý thức thu gom rác. Ban đầu chỉ có vài người ủng hộ mô hình này, nhưng với sự nỗ lực, tích cực tuyên truyền vận động, đến nay, không chỉ hội viên mà mọi người cũng đều tích cực tham gia. Cứ có rác tái chế thì mọi người lại để dành rồi đem sang nhà tổ trưởng cùng nhau phân loại. Bà Đoàn Thị Yên cho biết: “Chị em đi tập thể dục về, thấy trên đường còn vương túi nilon, áo mưa, chúng tôi nhặt giặt sạch, phơi khô để dồn vào đem đến 1 điểm để cùng nhau đóng gạch sinh thái. Ngoài ra, chúng tôi làm những cái mũ, túi, hoặc những lẵng hoa nho nhỏ để phục vụ đời sống hằng ngày mà đỡ lãng phí. Hầu hết chị em rất phấn khởi”.
Hình ảnh các cô, các bác đi đường thu gom rác đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân nơi đây. Từ khi triển khai mô hình này, đường phố sạch đẹp hơn, người dân trong khu phố ai cũng vui mừng. Việc thu gom rác thải vừa làm sạch đẹp khu phố, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường vừa có thể tận dụng làm những vật dụng tái chế tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, công việc này cũng giúp các bà, các chị em trong khu phố gắn bó, đồng thuận, đoàn kết hơn.
Sản xuất phân hữu cơ từ rác nông nghiệp
Gia đình bà Đinh Thị Luyến, phường Hà Phong, TP. Hạ Long lại có một cách làm khác từ việc tận dụng rác thải. Do gia đình sản xuất nông nghiệp từ nhiều năm nay nên số lượng rác thu được bà Luyến gom lại để làm phân bón. Hằng ngày, các chị em trong khu phố cũng thu gom rác tại nhà rồi cuối tuần mang sang nhà cho bà Luyến để làm phân hữu cơ.
Do đặc thù phường Hà Phong người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên Hội Phụ nữ phường đã hướng dẫn chị em triển khai kỹ thuật làm phân hữu cơ từ rác nhà bếp và rác nông nghiệp. Sau 2 năm thực hiện, sản phẩm thu được là 24 tấn phân hữu cơ để bón cho cây trồng, giảm chi phí trồng trọt lên đến 12 triệu đồng. Được sự hướng dẫn trực tiếp qua các lớp tập huấn của Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hà Phong, tất cả các nguồn rác thải sau khi thu hoạch từ những tàn dư thực vật tại ruộng, phân động vật, gia súc gia cầm đều được thu gom vào thành đống, đem ủ cùng men sinh học, khoảng 60 - 70 ngày sau phân hoai mục, mang ra bón cho cây.
Bà Luyến cho biết, gia đình được chọn thí điểm sử dụng phân hữu cơ (ủ từ rác nhà bếp và rác nông nghiệp), sau gần 6 tháng thử nghiệm trên 2 thửa ruộng cà chua và dưa chuột thì dễ dàng nhận thấy đất tơi xốp, thời gian cho thu hoạch và sản lượng nông sản đều tăng, giảm được chi phí mua phân hóa học. Bà Luyến cho biết: “Hằng năm tôi dùng phân hóa học thì chi phí rất cao, mỗi sào khoảng 1 - 2 triệu đồng tiền mua phân vô cơ. Sử dụng phân hữu cơ vừa kéo dài thời gian thu hoạch, giảm được chi phí mà tăng thu nhập. Trước kia không phân loại thì tất cả các loại rác chị em cho hết ra khu đổ rác vừa chật vừa mất công tiêu hủy, chôn lấp”.
Lan tỏa mô hình “Biến rác thành tiền” đến cộng đồng
Sau 2 năm triển khai, hoạt động “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” và “Biến rác thành tiền” tại TP. Hạ Long đã thu hút được hơn 5 nghìn hội viên phụ nữ tham gia. Mô hình bước đầu được thực hiện khá hiệu quả với số tiền thu được trên 200 triệu đồng. Số tiền này được sử dụng để hỗ trợ, tặng quà cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách trên địa bàn. Những hành động ấy tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn giúp ích cho xã hội, qua đó còn giúp chị em thay đổi nhận thức, hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ gia đình. Đặc biệt, mô hình này không tốn kém thời gian, dễ làm, lại có tiền tích lũy và tạo được cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp.
Hưởng ứng “Phong trào chống rác thải nhựa”, nhiều cơ sở Hội đã sáng tạo, vận động hội viên phụ nữ tận dụng thu gom hộp nhựa, chai nhựa, lốp ô tô để thực hiện đường tranh, tuyến đường hoa tại các khu phố. Một số chi hội còn có sáng kiến sử dụng các loại rác thải nhựa, túi nilon đã qua sử dụng để làm “gạch sinh thái”, thí điểm xây dựng ghế ngồi và bồn hoa tại nhà văn hóa cộng đồng, khu dân cư và trường học; tạo ra nhiều vật dụng tái chế phục vụ sinh hoạt đời sống hàng ngày như túi xách, lẵng hoa, đồ chơi cho trẻ em.
Mới triển khai từ đầu năm 2018, nhưng mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” đã có sức lan tỏa lớn thu hút đông đảo người tham gia. Sắp tới, những hoạt động này sẽ được Hội liên hiệp phụ nữ lan tỏa đến cả vùng dân tộc, miền núi để giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.
Mỗi năm, nhất là vào mùa du lịch, TP. Hạ Long có hàng nghìn tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Những hoạt động ý nghĩa từ mô hình phân loại rác thải của phụ nữ Hạ Long là những hành động đẹp vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên, giảm chi phí xử lý rác thải, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường thành phố du lịch xanh. Tuy nhiên, để lan rộng và duy trì lâu dài việc làm này cần có sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là ý thức tự giác của mỗi người./.
“Chúng tôi muốn mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” và “Biến rác thành tiền” sẽ trở thành phong trào và có thể lan rộng được tinh thần toàn dân bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ, đồng thời giúp xây dựng TP. Hạ Long ngày càng xanh, sạch, đẹp”.
Bà Phạm Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hạ Long.
|