51 hộ dân người Nùng An ở đây vẫn giữ được nghề làm hương sạch, thủ công lâu đời. Họ vẫn chẻ mai bằng tay, vót nhỏ, tròn đều, mặc dù việc này có thể thay bằng máy. Hương Phia Thắp hoàn toàn không dùng hóa chất, bà con vào rừng hái lá cây bầu hắt mọc tự nhiên bên những vách đá, đem về phơi khô, tán nhỏ và dùng làm chất keo kết dính tự nhiên giữa các loại bột với que hương. Chân hương được làm từ tre mạy mười có dóng dài hoặc cây mai, vừa thẳng, vừa dẻo lại dễ bắt lửa. Gỗ thông mục được nghiền nát thành bột để tạo màu…
Trưởng thôn Hoàng Văn Lập cho biết: Hương ở đây thơm tự nhiên, dễ cháy và bảo quản được lâu dài. Quan trọng nhất là khâu chuẩn bị bột làm hương, trộn nguyên liệu, làm sao để khi đốt có mùi thơm, tàn đẹp. Nguyên liệu làm bột hương là từ vỏ cây nghiến đỏ, mùn cưa, cây mạy khảo... Hoàng Ngọc Kim, ông chủ của "Homestay mr Kim" trong bản chia sẻ: Không được dùng quá nhiều chất kết dính; cây hương sau khi được nhúng keo thì đem lăn qua lớp bột mùn cưa trộn trầm vừa đủ 4 lần, và phải nhanh tay lắc để bột vừa bám dính, vừa bảo đảm độ tròn đều của cây hương; Không sấy bằng lò, mà đem hương ra phơi tự nhiên.
Tất cả các khoảng sân, bờ tường, góc ruộng đều được tận dụng để phơi hương. Hương thành phẩm được cắm vào lòng các ống tròn làm bằng bê tông đem phơi. Thường thì chỉ cần phơi 1 ngày là khô, nếu trời nắng. Sau khi phơi khô, chân hương thành phẩm được nhuộm màu đỏ, bó thành từng bó 20 cây. Mọi người đều có thể tham gia sản xuất và mang hương đi bán vào những ngày chợ phiên hoặc phục vụ du khách tham quan.