Rất nhiều sản phẩm của người thợ đúc đồng Phường Đúc khi xưa đã trở thành di sản, hòa trong kho tàng di sản văn hóa Huế như: Vạc đồng ở Đại Nội (1659-1684), Chuông chùa Thiên Mụ (1710), Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu (1835-1837), Cửu Vị Thần Công đặt trước Ngọ Môn (1803-1804), Chuông chùa Diệu Đế (1846) và rất nhiều các vật dụng thờ cúng bằng đồng từ “trong cung ra ngoài nội”. Phường Đúc trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, với những biến cố của kinh thành Huế và thăng trầm lịch sử, những người thợ đúc đồng vẫn truyền đời giữ lửa nghề cho đến hôm nay.
Đặc biệt trong số những sản phẩm kiệt tác từ đôi bàn tay nghệ nhân Phường Đúc. Cửu Đỉnh được những người thợ bắt đầu đúc vào năm 1835, đến tháng 3 năm 1837 mới hoàn thành và được vua Minh Mạng cho đặt trước sân Thế Miếu trong Hoàng thành (Đại Nội - Huế). Bộ đỉnh gồm 9 chiếc: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Theo các tài liệu lịch sử, trên mỗi đỉnh, vua Minh Mạng đã cho chạm khắc 17 họa tiết và 1 bức họa thư thể hiện cảnh vật, núi sông, trời biển và sản vật của đất nước. Cửu đỉnh được coi như một bộ “Địa dư chí lược” của Việt Nam đầu thế kỷ 19 ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với tổng cộng 162 họa tiết đúc chạm nổi tinh xảo.
Đáng lưu ý nhất trong Cửu Đỉnh, trên Cao đỉnh (2.601kg và cao 2,5m) có các họa tiết chạm khắc hình ảnh biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và ô thuyền (thuyền tuần tiễu trên biển thời vua Gia Long).
Ngày nay, những sản phẩm của các nghệ nhân Phường Đúc vẫn tiếp nối một hành trình lịch sử, văn hóa làng nghề, dân tộc.