“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi /Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi…”. Những câu thơ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng như vang vọng đâu đây khi tôi đứng trước tượng đài Tây Tiến trên đồi Nà Bó.
Đặc sắc ngày hội non sông
“Tết Độc lập chú có lên không?”, một tin nhắn điện thoại dường như đã rất quen thuộc mỗi năm của người trưởng bản Nà Bó 1, dưới chân đồi Nà Bó, bao giờ cũng đến với tôi trước khi cả nước rộn lên những chương trình kỷ niệm ngày độc lập.
Mẩu tin nhắn làm thức lại trong tôi câu chuyện đêm bên bếp lửa năm nào: “Tết Độc lập ở Mộc Châu vui lắm, người già kể rằng, từ lâu rồi, từ khoảng cuối những năm 50 thế kỷ trước, vào những ngày này, thị trấn Mộc Châu (Sơn La) treo nhiều cờ đỏ mừng độc lập. Thanh niên ở các núi xuống chơi thị trấn, xem cờ, thổi khèn, múa hát với nhau, nhận nhau là anh em, rủ nhau đi tâm tình suốt đêm, đến sáng thì chia tay, hẹn nhau ngày này năm sau gặp lại. Chính vì vậy mà Tết Độc lập còn có tên gọi là Tết cờ đỏ sao vàng. Khắp nơi trong thị trấn hôm đó đều đỏ rực màu cờ, đẹp lắm. Ngồi dưới lá cờ đó cũng như ngồi dưới bàn thờ ngày Tết cổ truyền ở nhà mình có dán giấy đỏ. Không bảo nhưng ai cũng biết là phải tuyệt đối không được làm điều gì xấu, không để mất bạn bè…”.
Câu chuyện trưởng bản kể bên bếp lửa khi trời về sáng, sau một đêm vui Tết Độc lập năm nào vẫn như cái kéo áo nhẹ mà khó buông của cô gái người Mông gọi bạn tình trong đêm chợ tình Tết Độc lập Mộc Châu, câu chuyện kéo tôi trở lại với ngày hội non sông rực rỡ bóng cờ trên núi.
Đêm 1, rạng 2/9 là lúc diễn ra phiên chợ tình duy nhất trong năm của người Mông tại Mộc Châu, chợ tình Tết Độc lập. Từ xế chiều, khi chén rượu đã vơi, hơi rượu đã nồng, khi ánh mặt trời khuất hẳn phía sau ngọn núi xa, ấy là lúc thanh niên nam nữ rời bàn rượu để đến chợ tình, là lúc âm thanh dặt dìu mê hoặc của điệu khèn giao duyên, tiếng kèn môi gọi bạn tình xoay theo vòng xòe của những cô gái người Thái, người Mông tiến về sân vận động trung tâm thị trấn trong bóng chiều xuống thẫm.
Tết Độc lập, khắp đường phố thị trấn Mộc Châu và trên các con đường về bản phấp phới cờ hoa. Nhiều trò chơi dân gian như đánh cù, ném đàu phao, ném còn… hay những cuộc thi bắn nỏ, kéo co, thi giã bánh dày, thi văn hóa ẩm thực các dân tộc... náo nhiệt luôn thu hút sự quan tâm của người dân và du khách gần xa. Những tiết mục văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống, điệu xòe, tiếng hát hòa trong sắc màu xiêm y rực rỡ.
Ngoài đồng bào các dân tộc ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thì bà con từ các tỉnh khác của Tây Bắc, thậm chí có cả người dân vùng biên giới bên nước bạn Lào cũng về tham dự. Tết Độc lập ở Mộc Châu cũng là dịp để người dân 2 bên biên giới và du khách xa gần có cơ hội tham quan Tượng đài Tây Tiến, nơi đánh dấu những bước chân oai hùng của đoàn quân Tây Tiến năm xưa, thăm lại di tích Bác Hồ, chinh phục đỉnh Pha Luông quanh năm mây phủ, ôn lại những kỷ niệm hào hùng của người dân hai miền biên giới Việt - Lào.
Đi trên đường Tây Tiến
Chuyến độc hành có phần bốc đồng nhưng đầy ắp những kỷ niệm của tôi trên “con ngựa sắt 2 bánh” từ Mộc Châu qua cửa khẩu Loóng Sập sang nước bạn Lào theo cung đường Tây Tiến bắt đầu sau một đêm vui Tết Độc lập rộn ràng cờ hoa như thế.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi...”. Đứng bên đài tưởng niệm Tây Tiến trên đồi Nà Bó, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, những câu thơ của nhà thơ Quang Dũng đẩy bước tôi đi thăm một cung đường huyền thoại, gắn liền với lịch sử oai hùng của Trung đoàn Tây Tiến.
Qua cửa khẩu Loóng Sập, đường Tây Tiến bắt vào mối “lương duyên” với dòng Sông Mã tại thị trấn Sop Bao, tỉnh Hủa Phăn bên nước bạn Lào. Sau những cú cua đổ dốc tưởng như không bao giờ dứt, khi đôi cánh tay đã tê mỏi rã rời bởi độ dốc hun hút của chặng đường hơn 20 cây số từ Pa Háng. Dòng Nậm Ma (tên gọi của Sông Mã theo tiếng Lào) trong xanh, êm ả. Ven hai bờ dòng Nậm Ma là những nếp nhà sàn các bản làng người dân tộc Thái, Mông, Lào… nối nhau trong nắng sáng thật yên bình. Nậm Ma hay Sông Mã dù có đôi đoạn dữ dội thác ghềnh nhưng nó chẳng hề cô độc. Bởi bên cạnh nó, con đường Tây Tiến luôn song hành như một người tri kỷ, cùng ghi những dấu ấn lịch sử của một thời hào hùng, bi tráng.
Chặng đường từ cửa khẩu đến thị trấn Sop Bao rồi theo dọc sông Nậm Ma đến Sop Hao (Mường Hào). Đây là một ngã 3 đường, một đường về cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát, Thanh Hóa), một đường đi Viêng Xay, Sầm Nứa (Sầm Nưa - Lào). Địa danh nơi nhà thơ Quang Dũng đã gửi lại một phần tâm hồn mình, “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”.
Tại thị trấn Viêng Xay, cách Sầm Nưa chưa đến 30 cây số, Nok Ann là một hang động đẹp với chiều dài hơn 600m và một con suối ngầm chảy suốt qua lòng núi với những nhũ đá tí tách nhỏ nước quanh năm tạo ra những âm thanh huyền hoặc. Khách du lịch đến đây không mấy ai biết rằng ngay bên cạnh động Nok Ann trên sườn núi còn một hang đá rộng và bằng phẳng, nơi trước kia đoàn quân Tây Tiến từng sử dụng làm trạm quân y dã chiến khi ở nước bạn Lào.
Muang, cô hướng dẫn viên người Lào ở khu du lịch động Nok Ann biết tôi là người Việt nên hồ hởi đón tôi bằng nụ cười tươi tắn và giới thiệu bằng tiếng Việt khá sõi: “Vì anh là người Việt nên em sẽ dẫn anh thăm hang Bệnh Viện trước, rồi sẽ đi thuyền thăm động Nok Ann sau nhé”.
Hang Bệnh Viện nằm chếch phía trên động Nok Ann, làng Natean, thị trấn Viêng Xay. Đây là một hang rộng với ba tầng hang thông nhau ăn sâu xuống lòng núi. Theo Muang leo lên những bậc thang đá vòng quanh núi, nghe cô giới thiệu: “Hang có tên là hang Bệnh Viện là bởi nơi đây gần 80 năm trước được Bộ đội Việt Nam dùng làm trạm quân y dã chiến, bộ đội Tây Tiến đấy anh ạ”.
Hang Bệnh Viện có tầng đầu là nơi đón tiếp bệnh nhân thăm khám, gian thứ 2 ở thấp hơn là nơi lưu bệnh nhân, gian trong cùng được dùng làm phẫu thuật. Những đồ dùng, thiết bị khám chữa bệnh trong hang Bệnh Viện giờ không còn nữa, chỉ còn lại những bậc thang gỗ nối giữa các tầng hang, đôi chỗ lưu lại vết cháy trên nền đá, nơi từng được dùng làm bếp đun. Chỉ từng ấy thôi cũng đủ để thỏa mãn những tò mò về một địa danh lịch sử.
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi...”. Rời Sầm Nưa trong không khí buổi sớm mai yên bình, tĩnh lặng của thị trấn vùng biên. Chặng đường về cửa khẩu Tén Tằn hơn 50 cây số thong dong với cảnh sắc núi rừng, làng bản không khác gì những bản làng Việt vùng Tây Bắc. Con đường nối từ cửa khẩu Tén Tằn, Mường Lát với Quốc lộ 15 tại ngã ba Quan Hóa rồi xuôi về Mai Châu giờ được rải nhựa phẳng phiu. Những chặng đèo dốc, cua tay áo chỉ như phần tô điểm thêm đường nét cho một vùng không gian xanh thẳm và hùng vỹ của núi rừng Tây Thanh Hóa.
Mường Lát theo tiếng Thái có nghĩa là “nơi nước tràn qua”, bởi mùa mưa ở đây, nước từ các con suối đổ về tràn qua các làng bản gây nên những trận lũ dữ dằn trước khi đổ vào lòng sông Mã. Sương vẫn lấp ở Sài Khao mỗi sớm nhưng đường đến Sài Khao không còn xa như trong thơ Tây Tiến. Những cơn lũ hằng năm qua Mường Láy cũng ít hơn nhiều. Dòng chảy bất tận của Sông Mã được bổ sung thêm theo mỗi chặng đang bồi lên cho vùng đất này một màu xanh thăm thẳm với những rừng tre ngả bóng xuống con đường.
Cách thị trấn Hồi Xuân trên đường Quốc lộ 15, trung tâm huyện Quan Hóa chừng hai cây số, Hang Ma là nơi lưu những dấu tích lịch sử nhuốm màu xa ngái của những người định cư nơi đây từ vài trăm năm trước. Đây cũng là một di tích, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của đoàn quân Tây Tiến. Ngày nay trong hang vẫn còn những mảnh quan tài đẽo từ thân cây úp lại xếp ngổn ngang. Ánh sáng buổi chiều chiếu qua những hốc đá tạo thành một khung cảnh huyền bí. Ngày nay, Hang Ma vẫn được người Thái bản địa quan niệm là mảnh đất của thần linh.
Từ Hồi Xuân, đường Quốc lộ 15 qua Co Lương về bản Lác, Mai Châu đẹp mơ mộng không còn chút vấn vương gì của quá khứ oai hùng gắn với những bước chân Tây Tiến. Cảnh sắc thanh bình với bản làng trù phú, khói lam chiều vương trên những nóc nhà sàn phất phơ theo nhịp gió đưa dần hòa vào không gian, ẩn hiện giữa núi mây mờ ảo. Ai biết đằng sau vẻ đẹp nên thơ, trữ tình ấy, nơi đây còn lưu giữ một thời quá khứ hào hùng, bi tráng của những bước chân Tây Tiến./.