Người trẻ lưu giữ văn hóa Việt xưa

Lương Hoài Trọng Tính cùng các thành viên Đại Nam Hội quán đã cất công tìm hiểu, tái dựng tinh túy văn hóa Việt bằng các chương trình biểu diễn.

 

Lương Hoài Trọng Tính: Tôi yêu những nét độc đáo của văn hóa xưa ở miền Nam.

Từ nếp nhà đến ước mơ lưu giữ văn hóa xưa

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Trà Vinh trong một gia đình gia giáo, từ nhỏ, cậu sinh viên ngành Quy hoạch đô thị Lương Hoài Trọng Tính (sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng) đã được ông bà dạy về văn hóa xưa, từ cách mặc áo dài sao cho đẹp, ăn nói, đi đứng sao cho hay và rất nhiều phong tục tập quán giá trị khác. “Ban đầu tôi thấy chán vì những điều đó với một đứa trẻ thật khô khan, đôi lúc áp lực. Nhưng càng lớn lên, tôi càng yêu những nét độc đáo của văn hóa xưa ở miền Nam. Rồi tôi tìm đọc rất nhiều sách về lịch sử, văn hóa miền Nam và Trung Quốc và dần mê kiến thức trong đó”, Trọng Tính chia sẻ.

 Lương Hoài Trọng Tính giới thiệu về áo dài xưa.

Đam mê ngày một lớn dần, khi bước vào ngưỡng cửa đại học, Tính dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu, thu thập tài liệu về cách ăn mặc, sinh hoạt và lối tiêu khiển của người xưa. Đọc sách thôi chưa thỏa, Tính tiết kiệm tiền cho những chuyến du lịch tự túc khắp các tỉnh miền Tây. Trong những chuyến đi như vậy, bên cạnh việc tìm hiểu về văn hóa, nếp sống của người dân nơi đây, Tính còn tìm đến những ông lão, bà lão trong làng và nhờ họ kể lại nếp sống ngày xưa. Ghi chép cẩn thận từng lời kể, Tính đối chiếu với sách vở và lọc ra những thông tin đáng tin cậy nhất cho các bài chia sẻ trên trang fanpage mang tên “Đại Nam Hội quán” do mình tạo ra.

Từ những ngày đầu với lượt xem và thích đếm trên đầu ngón tay, sau gần 3 năm miệt mài chia sẻ, thay đổi cách tiếp cận, đến nay, trang đăng tải hình ảnh, clip và bài viết về văn hóa xưa của Đại Nam Hội quán đã có gần 12.500 lượt yêu thích. Không chỉ chia sẻ trên mạng, Tính và gần 10 thành viên còn lại trong nhóm còn “bỏ tiền túi” tổ chức nhiều dự án, chương trình biểu diễn, giao lưu để tái dựng những nét văn hóa hay. Mới đây, Tính cùng các bạn đã có một chương trình biểu diễn tái dựng lễ cưới xưa tại miền Nam khiến nhiều người thích thú.

Tái hiện lại đám cưới xưa ở miền Nam, một nét văn hóa độc đáo.

Lương Hoài Trọng Tính nhớ lại: “Tôi và các bạn chạy khắp nơi mua cái này, thuê cái kia để làm sao bày biện được bàn thờ, bàn ghế đúng kiểu xưa, quần áo cô dâu, chú rể và ban đờn cũng vậy. Chúng tôi dựng lại một đám cưới với đầy đủ các lễ nghi quan trọng. Ngoài ra, các thành viên còn giới thiệu lý thuyết, khái niệm cơ bản về đám cưới; giải thích sự khác biệt của lễ cưới miền Nam trong từng thời điểm rồi so sánh với thời hiện đại. Xen lẫn phần trình bày là biểu diễn nhạc lễ, đờn ca tài tử. Kết thúc chương trình là phần trình diễn y phục trong lễ cưới ở miền Nam xưa. Nhiều khách đã đợi hết buổi diễn gần 2 tiếng đồng hồ để hỏi chúng tôi về lễ cưới, về văn hóa Việt xưa, trong đó có rất nhiều bạn trẻ đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Sự quan tâm của các bạn như tiếp lửa giúp chúng tôi có thêm nhiều sáng tạo khi kể chuyện văn hóa”.

Các thành viên Đại Nam Hội quán trong chương trình giới thiệu về đám cưới xưa ở miền Nam.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa xưa

Đại Nam Hội quán còn được nhiều bạn trẻ tại TP.HCM yêu mến vì các buổi offline giới thiệu về áo dài truyền thống 5 tà hay nhạc cụ dân tộc. Nhóm có một ban đờn chuyên giới thiệu về các loại nhạc cụ truyền thống cũng như dòng nhạc lễ, đờn ca tài tử một thời khiến nhiều người mê mẩn. Bằng tất cả tâm huyết, khi dàn dựng chương trình, các thành viên trong nhóm luôn biết cách kết hợp hài hòa giữa thông tin và âm nhạc, giao lưu giúp những thứ tưởng chừng khô khan bỗng trở nên hấp dẫn. “Các chương trình nhóm làm đều xoay quanh 2 chủ đề chính là giá trị vật chất và tinh thần của văn hóa xưa, trong đó tập trung vào y phục và lễ nghi, âm nhạc. Mỗi chương trình được chúng tôi phân khúc, cắt tỉa cẩn thận và thường sẽ khai thác một chủ đề nhỏ chứ không lan man quá nhiều điều. Chúng tôi dành thời gian giao lưu và giải đáp những thắc mắc của người xem theo cách phổ thông nhất, mục đích là để mọi người hiểu rõ các khái niệm cơ bản và thấy thú vị trong hành trình tìm lại giá trị văn hóa xưa”, một thành viên trong nhóm cho hay.

Lương Hoài Trọng Tính cùng thành viên Đại Nam Hội quán trong một buổi chia sẻ về văn hóa xưa với bạn trẻ tại TPHCM.

Thời gian gần đây, Đại Nam Hội quán đã chủ động phối hợp với nhiều đơn vị giáo dục thiết kế hoạt động giới thiệu văn hóa xưa đến giới trẻ tại TP.HCM. Mới đây, nhóm đã phối hợp với Nhà của thời thơ ấu (đơn vị trực thuộc ALU Academy) tổ chức chương trình kết nối bạn trẻ mang tên “Kể chuyện xưa nghe chơi” và được đông đảo bạn trẻ đón nhận. Điều khiến nhóm trở nên đặc biệt là trong tất cả các chương trình chia sẻ, từ cách ăn mặc, trò chuyện đến các tiết mục trình diễn đều đậm chất xưa, khiến người xem bị lôi cuốn bởi những điều quá mới mẻ, thậm chí xa lạ trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Đồng Lê Quỳnh Hương, người sáng lập Nhà của thời thơ ấu cho biết, chị cùng các cộng sự bất ngờ với cách chia sẻ văn hóa và truyền cảm hứng của các thành viên trong Đại Nam Hội quán ngay từ lần đầu làm việc chung. Ấn tượng nhất là trưởng nhóm Lương Hoài Trọng Tính, một bạn trẻ làm về văn hóa với tất cả sự đam mê: “Tôi đã đến rất nhiều nơi làm về văn hóa xưa như áo dài hay nhạc cụ cổ Việt Nam, nhưng chỉ đến khi gặp Đại Nam Hội quán, tôi mới thấy thú vị. Tính nói với tôi đây là nghề tay trái, làm vì yêu và xem đó là cuộc chơi nhưng mọi thứ Tính làm đều rất công phu, cầu kỳ”.

Mong muốn giới trẻ mê văn hóa xưa

Hiện tại, mặc dù mỗi thành viên một công việc riêng nhưng Đại Nam Hội quán đang dần hoàn tất kế hoạch cho một chương trình chia sẻ lớn nhất để khép lại năm 2019. Vào cuối tháng 12 tới, nhóm sẽ dựng lại không gian ấm cúng, tươi vui của Tết xưa ở miền Nam nhằm giúp bạn trẻ sống tại thành phố hiểu đúng, hiểu đủ về nét văn hóa giàu truyền thống này. Công tác chuẩn bị đạo cụ, lên kịch bản đang được tập trung cao độ. Trong đó, nhóm tập trung giới thiệu về nét đẹp, ý nghĩa của tết miền Nam, sự khác biệt với Tết xưa tại miền Trung và miền Bắc, những quan niệm sai lầm về văn hóa Tết xưa...

Lương Hoài Trọng Tính (áo dài đỏ) cùng các thành viên trong Đại Nam Hội quán trong một buổi giới thiệu về nhạc lễ Nam bộ

Tự trang trải chi phí và chỉ thu về khoản vé khá thấp cho các chương trình biểu diễn công khai, các thành viên Đại Nam Hội quán phải “thắt lưng buộc bụng” với mong muốn có thêm nhiều hoạt động hay hướng đến cộng đồng. Mỗi người một công việc, nhưng chỉ cần có dự án mới là các thành viên sẽ tạm gác việc riêng để dành trọn tâm huyết cho cái mà các bạn gọi là đam mê. “Chỉ cần người xem vui và “thấm” những điều nhóm chia sẻ thì sự dày công dàn dựng cũng xứng đáng”, Tính và các bạn chia sẻ.

Vượt qua những khó khăn ban đầu như: không ai biết đến, thậm chí nhiều người còn hoài nghi về thông tin mà nhóm chia sẻ, đến nay, Đại Nam Hội quán đang tạo được lòng tin trong đông đảo bạn trẻ, những người quan tâm đến văn hóa Việt xưa. Điều nhóm mong muốn nhất bây giờ là sớm kết nối được với các trường học để giới thiệu văn hóa xưa đến đông đảo học sinh, sinh viên. Nhóm cũng mong muốn tìm được những người đồng hành cùng chí hướng nhằm phát triển hơn nữa những ấp ủ liên quan đến văn hóa Việt. Sẽ tiếp tục là những buổi trò chuyện mộc mạc với rất nhiều thông tin, những bài chia sẻ được viết ra bằng trọn vẹn tâm huyết của người trẻ yêu văn hóa nước nhà hay những clip ngắn gợi cho ai đó ký ức đẹp về truyền thống của dân tộc. Bởi như các thành viên trong nhóm tâm sự rằng, cái gì đẹp, giá trị thì cần được nâng niu, gìn giữ dù biết sẽ chẳng dễ dàng. “Ngày xưa, trước khi lập trang trên facebook, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình cần làm gì đó để giữ gìn nếp nhà, giữ gìn những điều mình yêu thích. Nhưng càng làm tôi càng hiểu về giá trị của văn hóa xưa trong đời sống ngày nay và tự thấy bản thân có nghĩa vụ bảo vệ và góp phần đưa văn hóa xưa về đúng tầm của nó./.
 

“Tôi sợ nhất là việc các bạn trẻ bị sốc văn hóa ngay tại nơi mình sinh ra và lớn lên. Không cần ủy mị, sến súa, không hàn lâm bằng cách trình bày gần gũi nhất, chúng tôi mong có thể lưu giữ những điều tốt đẹp của văn hóa Việt bao đời”.

Lương Hoài Trọng Tính.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận