Tử tù Đặng Văn Hiến còn hy vọng được sống?

Trong vụ xung đột dẫn đến án mạng ở Đắk Nông, gia đình nạn nhân làm đơn xin ân xá cho kẻ đã bắn chết người thân của họ. Hậu quả do chính quyền thờ ơ với dân.

 

Đường cùng của đường cùng

Ba năm trước, một tranh chấp đất đã cướp đi 3 sinh mạng đã xảy ra ở Tuy Đức, Đắk Nông. Sáng 23/10/2016, phó giám đốc công ty Long Sơn dẫn hơn 30 nhân viên của công ty này cùng máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy vườn điều, cà phê của gia đình nông dân Đặng Văn Hiến và hai hộ dân khác ở giữa hai xã Quảng Trực và Đắk Ngo. Một số người dân, chủ yếu là Đặng Văn Hiến đã dùng súng tự chế để chống lại lực lượng nhân viên của Công ty Long Sơn. Họ đã bắn 3 người chết và làm 13 người bị thương, rồi trốn vào rừng. Án sơ thẩm đã tuyên tử hình Đặng Văn Hiến. Sau đó, toà phúc thẩm tuyên y án.

Ông Hiến tại phiên tòa phúc thẩm, mặc áo ca rô, đứng ngoài cùng bên trái

Nhắc lại câu chuyện này, bởi cách đây ít ngày tôi có dịp trở lại Tuy Đức, tiếp xúc với một số người, trong đó có 2 nhân vật liên quan đến Tuy Đức, liên quan đến ông Hiến. Một nhà báo và một vị lãnh đạo huyện. Chính nhà báo này là người đã được ông Hiến gọi điện nhờ dẫn ra đầu thú. Anh lắc đầu, rằng: “Tôi không thể cứu ông Hiến thoát khỏi án tử, giờ chỉ mong Chủ tịch nước khai ân... Tôi nhớ cái buổi sáng ông Hiến gọi điện lúc đang trốn trong rừng sâu, tôi đã nói rằng anh hãy ra đầu thú đi để được hưởng lượng khoan hồng… Phiên toà sơ thẩm, rồi phiên toà phúc thẩm, ông ấy nhìn tôi ánh mắt thẫn thờ nhưng không oán trách”. Còn vị lãnh đạo huyện cung cấp thông tin: 3 năm qua huyện Tuy Đức có 76 cán bộ đảng viên bị kỷ luật, trong đó cảnh cáo 23 trường hợp, cách chức 13, khai trừ 6. Hầu hết số này đều liên quan đến rừng, đất rừng.

Ở Tuy Đức hàng chục nghìn ha rừng bị tàn sát, hàng nghìn ha đất được chuyển đổi mục đích sử dụng một cách trơn tru, gọn ghẽ. Không ít cán bộ ở đây có hàng chục, hàng trăm ha đất, sống rất khệnh khạng. Còn dân đen chỉ vì mấy sào đất sản xuất hoa màu lay lắt sống qua ngày thì dính vào lao lý.

Trở lại vụ án ông Đặng Văn Hiến. Ông ta và một số tòng phạm dùng súng tự chế bắn người. Những người bị giết, bị thương đều là lao động, là người làm thuê cho một công ty tư nhân để kiếm miếng cơm qua ngày. Những nông dân ít học, ít hiểu biết pháp luật, khi bị dồn vào đường cùng đã trở thành hung thủ giết người.

Nói là đường cùng bởi, gần 10 năm trước nhiều người trong số họ đã một lần bị xua khỏi nương rẫy của mình để nhường đất cho dự án thu gom đất ở Bình Phước. Nhiều quan chức “ăn đất” ở Bình Phước hồi ấy đã bị “kỷ luật êm ái”. Còn người dân mất đất trôi dạt từ Bù Đăng - Bình Phước đến vùng rừng thâm u giữa xã Quảng Trực và Đắk Ngo của huyện Tuy Đức - tỉnh Đắk Nông thì chẳng ai đoái hoài. Để mưu sinh, họ lại cần mẫn khai đất, dựng nhà, trồng cây. Những khoảnh rừng họ khai phá năm nào, giờ là vườn điều đang cho thu hoạch. Song, vì vườn tược, nhà cửa được xây dựng trên đất rừng, nên họ không được hợp thức một tấc nào để ở hay canh tác. Đất đai ở đây màu mỡ, phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc. Vì thế, đó cũng là miếng mồi béo bở, khiến lắm kẻ rắp tâm chiếm đoạt. Và đỉnh điểm xung đột đã xảy ra, tiếp tục đẩy những người nông dân cùng đường vào đường cùng.

Ngôi nhà và vườn cây, nơi xảy ra giải tỏa và án mạng

 

Chính quyền thờ ơ với dân

Tháng 7/2016, sau khi trực tiếp đi khảo sát ở 2 xã Đắk Ngo và Quảng Trực của huyện Tuy Đức, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu tỉnh Đắk Nông tính toán, xem xét công nhận thực tế diện tích đất bà con đang xâm cư, xâm canh theo hạn điền, phần còn lại có thể cho thuê để bà con canh tác hoặc trồng rừng theo quy hoạch; kiên quyết thu hồi diện tích đất đã giao cho doanh nghiệp nhưng không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả để giao lại cho bà con sản xuất. Đó là những chỉ đạo cụ thể, thiết thực và cấp bách, nhưng tỉnh Đắk Nông và huyện Tuy Đức chưa kịp làm, hoặc chưa muốn làm, thì án mạng đã xảy ra.

Ở đây còn có chuyện chưa từng diễn ra ở bất cứ nơi nào. Đó là vào mùa thu hoạch nông sản, người nông dân vận chuyển sản phẩm ra trung tâm huyện để tiêu thụ thì bị chặn xe, bị bắt, bị tịch thu. Cơ quan chức năng nói lý do là những sản phẩm này do phá rừng mà có, nên phải tịch thu để ngăn chặn phá rừng!?

Điều nữa là, thái độ đối xử thờ ơ của chính quyền đối với những người đã đổ mồ hôi nước mắt gây dựng nên cuộc sống còn khó khăn vất vả của chính họ và gia đình họ. Nếu như sáng ngày 23/10/2016, khi lực lượng lao động của Công ty Long Sơn đưa máy ủi đến cày phá vườn điều, có sự hiện diện của chính quyền, thì sự việc có nghiêm trọng như đã diễn ra không? Chính quyền ở đâu, có bảo vệ cho người dân không? Việc tranh chấp đất ở tiểu khu 1.535 giữa Công ty Long Sơn và các hộ gia đình nơi đây diễn ra đã nhiều năm. Chính quyền xã, huyện và tỉnh đều tường tận, nhưng điều đáng tiếc vẫn xảy ra. Khi mà hậu quả không thể sửa chữa nổi nữa thì tỉnh nói rằng đã yêu cầu giữ nguyên trạng những nơi tranh chấp để làm rõ, nhưng Công ty Long Sơn tự ý phá vườn điều của dân để lấy lại đất mà không thông báo. Trong hơn một nghìn ha đất cho Công ty Long Sơn thuê, có 147 hộ dân đang trồng hơn 400 ha điều, hàng chục ha cao su, cà phê và hồ tiêu. Trong số này, hơn 300 ha điều được trồng từ trước năm 2008, thời điểm Công ty Long Sơn chưa được phê duyệt cho thuê đất làm dự án nông lâm kết hợp.

Biết rõ như thế, nhưng từ năm 2008 đến nay, chính quyền các cấp ở đây hầu như không quan tâm đến quyền lợi của người dân. Mất đất, mất kế sinh nhai, họ đi đâu, về đâu? Điều này Công ty Long Sơn không quan tâm thì còn dễ lí giải. Nhưng những người tham mưu rồi những người cùng đặt bút phê duyệt dự án nông lâm kết hợp này mà cũng chẳng nghĩ đến thì rõ ràng là thiếu trách nhiệm. Phải chăng vì lợi ích đo đếm được ngay tức thì mà họ nhắm mắt làm ngơ.

Còn thực tế thì không ít người dân nơi đây bị hăm dọa đã miễn cưỡng nhận khoản tiền đền bù bèo bọt, rồi nhường đất cho Công ty Long Sơn thực hiện dự án. Họ, hoặc là mặc nhiên trở thành người làm thuê ngay trên chính mảnh đất mình khai phá, hoặc trôi dạt đi nơi khác, rồi vẫn lại phá rừng làm nương rẫy. Số còn lại, trong đó có ông Đặng Văn Hiến, cố bám víu cho đến sáng ngày 23/10/2016, khi bị dồn vào thế không còn gì để mất, đã trở thành những kẻ sát nhân.

Cách trung tâm huyện Tuy Đức 40km, không đi ô tô được, PV VOV mượn xe máy để vào hiện trường

 

Gia đình nạn nhân xin ân xá cho tử tù

Sau khi tòa xét xử phúc thẩm, ông Hiến đã có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm tội tử hình. Trong đơn có đoạn viết: "Tôi biết là mình rất khó biện minh cho hành vi sai phạm và còn bao nhiêu điều tôi muốn viết để giãi bày hết sự tình. Chỉ còn những ngày cuối cùng, dù là chút hy vọng mong manh giữa thời khắc sinh tử, tôi vẫn cầu mong quý cấp sẽ thấu hiểu được bản chất của vụ việc để cho tôi được miễn tội chết vì thực chất tôi cũng là một nạn nhân trong sự vụ này. Tôi xin hứa, nếu được một lần tái sinh trong cuộc đời, tôi sẽ tích cực cải tạo tốt để trở thành một công dân tốt, để con thơ không mất bố, vợ không mất chồng và có điều kiện để báo đáp đặc ân của Nhà nước”.

Đúng như Đặng Văn Hiến viết trong đơn, ông thực chất là một nạn nhân trong vụ xung đột đỉnh điểm đau lòng này. Xin nhắc lại là tỉnh Đắk Nông và huyện Tuy Đức chưa kịp làm theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, hoặc có thể chưa muốn làm. Ngay sau án mạng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông là ông Lê Diễn trả lời báo chí phải thừa nhận là Công ty Long Sơn đã "đứng trên pháp luật". Cái sai của Long Sơn là công ty không có quyền cưỡng chế đất dân đang làm rẫy, dù đó là đất lấn chiếm. Trong khi tỉnh, huyện chỉ đạo ngừng thì công ty không tuân thủ, coi thường pháp luật và chỉ đạo của ngành chức năng.

Cùng với đơn của Đặng Văn Hiến, rất nhiều người dân sống tại khu vực nhà ông Hiến đã ký đơn gửi Chủ tịch nước và các cơ quan Trung ương xin miễn tội chết cho ông Hiến. Đặc biệt, 2 trong số 3 gia đình có người thân bị bắn chết cũng viết đơn xin ân xá cho ông Hiến.

Tử tù Đặng Văn Hiến, còn hy vọng được sống không?

 

Bình luận

    Chưa có bình luận