Sông Mẹ, sông Cha và bản trường ca nước - lửa ở Tây Nguyên

'Quê hương ai cũng có một dòng sông bên nhà'… Nhưng dòng sông là đôi tình lữ, thì chỉ có ở Tây Nguyên.

 

Sông Cha - Krông Nô, Sông Mẹ - Krông Ana chảy xuyên qua những vùng đá cháy từ núi lửa. Cả hai hợp dòng rồi tiếp tục đuổi hướng mặt trời, dựng dục nên biết bao sản vật phong phú, tỏa rạng những sắc màu văn hóa và đang tiếp tục được xây dựng để trở thành một mạch nguồn của kinh tế.

Dịu dàng sông mẹ

Nhà ông Hoàng Văn Vẽ ở ngay đầu cầu Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Chỉ đi qua khu vườn cà phê vài trăm mét vuông là xuống đến bến sông Krông Ana. Dưới bến lúc nào cũng ngâm sẵn một chiếc vó lớn, dùng để nhốt toàn bộ cá tôm hai bố con ông đánh bắt được từ buổi sớm. Phần cá đặc sản đã bán hết, trong vó chỉ còn lại chép, lóc và rô đồng, còn nào con nấy tròn lẳn, trông thật ngon mắt.

Đã hơn 20 năm làm nghề chài lưới, ông Vẽ thuộc làu từng mét sông, từng loài tôm cá ở hai dòng sông, Krông Ana và Krông Nô.

Đồng lúa bên sông Krong Ana (Đắk Lắk), phía xa là núi lửa Chư Bluk (Đắk Nông), bên dòng Krông Nô.

Theo ông Vẽ, thủy sản ở đây bây giờ ít đi về số lượng do có nhiều người đánh bắt, nhưng chủng loại vẫn rất đa dạng. Bên cạnh cá lăng còn có cá sọc dưa, cá mõm trâu, cá anh vũ, loài nào cũng vài trăm nghìn đồng mỗi kilogam. Một số loài cá du nhập cũng đã xuất hiện, đang quen dần với môi trường hoang dã, hứa hẹn trở thành đặc sản mới. “Chẳng hạn như cá bống tượng, trước đây hầu như không có, nhưng nay khá nhiều. Có con nặng dăm bảy ký. Ngay cả cá tầm, thỉnh thoảng chúng tôi cũng đánh bắt được. Có lẽ những giống này phát tán từ các trại nuôi trong vùng” - ông Vẽ phỏng đoán.

Dẫn khách xuống bến, chiếc thuyền vỏ nhôm nổ máy vang vọng đôi bờ. Ông Vẽ bảo: “Để tôi dẫn các chú đi cho biết sông mẹ”.

Và chỉ sau chưa đến 1 phút rời bến, chúng tôi đã ngợp bởi trời mây sóng nước bao la. Phía tả ngạn sông đã được đắp đê bao, chủ động tiêu thoát, đảm bảo nông dân chủ động 1 mùa khoai, 2 mùa lúa. Phía hữu ngạn thế đất cao hơn nên đa dạng các loại hoa màu, mà nổi bật nhất mùa cận Tết là dưa hấu và khoai lang. Bên mé sông, vẫn còn những cây dâu tằm cổ thụ, dấu tích của nghề trồng dâu nuôi tằm, thịnh hành ở đây thời còn bao cấp.

Có lẽ do Krông Ana là sông mẹ, nên từ dòng nước đến sản vật đôi bờ và khí chất người địa phương, chỗ nào cũng thấy dịu hiền. Cả củ khoai lang trồng ở đây cũng thon thả, mịn màng và ngọt ngào hơn nhiều nơi khác.

Gặp gỡ sông cha  

Gần 40 phút nổ máy, thuyền tới ngã ba sông, nơi Krông Ana hợp dòng với Krông Nô. Thế sông nước, cù lao ở đây đan cài như như những vòng tay ôm xiết. Phía trên bờ cao, núi lửa Chư Bluk ngẩn ngơ dõi nhìn. Dòng dung nham khổng lồ, sôi bọt của nó đã từng cố chặn dòng Krông Nô trên suốt hơn 6km, nhưng không cản được thế nước cường tráng.

Suốt 6km dòng Krông Nô vượt qua để hợp dòng với Krông Ana, bể dung nham sụt xuống một bậc sâu, tạo thành cánh đồng bằng phẳng, rộng hơn 400ha. Nhiều năm phù sa bồi lắng, nay đã trở thành nơi màu mỡ nhất của xã Buôn Choah, tạo thành mảng xanh ngoạn mục, áp vào vùng đá bọt xám đen vây quanh Chư Bluk, tĩnh lặng đến mênh mông.

Hang động núi lửa mà Chư Bluk tạo thành.

 Kể từ nơi hội hợp, các buôn - bon hai bờ của người Ê-đê, Mnông, Lào, đặt cho sông nhiều tên gọi khác nhau, như Đắk Krông, Sêrêpôk hay Sê Rêpôk. Nhưng dù tên nào, sông cũng gắn với một chuyện tình.

Ông Y Dĩnh Niê, người đầu tiên kinh doanh homestay ở Buôn Kốp, xã Drây Sáp, huyện Krông Ana kể rằng, xưa ở một buôn trên thượng nguồn, có một đôi tình lữ là nàng A Tây và chàng A Yong. Tình yêu của họ bị cách trở do nhà cô gái quá nghèo, không có chiêng ché, trâu, bò để “bắt” chàng trai về làm chồng. Đau khổ, tuyệt vọng, hai người đã gieo mình xuống sông quyên sinh. Cô gái hóa thành dòng Krông Ana, chàng trai hóa thành dòng Krông Nô. Còn dòng sông Sêrêpốk chính là sự hòa quyện vĩnh hằng của mối tình thủy chung, son sắt. Với người dân địa phương, Sêrêpốk là sông thiêng, hằng năm bà con đều tổ chức Lễ cúng bến nước (còn gọi là Tết Giọt nước, Tết Bến nước) sau khi thu hoạch vụ mùa.

Bản trường ca nước - lửa

Chảy xuyên qua không gian và thời gian, Krông Ana, Krông Nô, Sêrêppốk đã nuôi dưỡng và tạo nên một nền văn hóa không trùng lặp với bất kỳ đâu; tạo nên một vùng địa chất, thổ nhưỡng đặc biệt, dung dưỡng những vùng hồ tiêu, cà phê màu mỡ nhất thế giới, cùng biết bao bí ẩn đang chờ được khám phá.

Cánh đồng rộng hàng nghìn ha ở xã Buôn Choah, huyện Krông Nô là một “cánh đồng lửa” đã tắt dưới chân núi Chư Bluk, bên dòng sông Krông Nô, giáp ranh 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông. Theo tính toán của các nhà khoa học, cách đây 370 nghìn năm, núi lửa Chư Bluk đã phun trào dữ dội. Mênh mông bọt đá ở khu vực này cho thấy, đây từng là một cánh đồng dung nham sôi sục, rộng hàng ngàn héc-ta.

Và với nông dân, điều bí ẩn là trên cánh đồng chỉ là đá và đá, không một nắm đất, vậy mà những vạt ngô, rẫy đậu ở đây vẫn lên xanh, cho những vụ mùa bội thu. Thậm chí những đợt tiểu hạn làm nhiều đồng đất Tây Nguyên trở nên khô khát, nhưng vùng đá cháy Chư Bluk vẫn dung dưỡng được cây trồng đến ngày thu hoạch.

Với ngư phủ  Hoàng Văn Vẽ, thì điều lạ lùng ấy là cùng một dòng sông mà có những đoạn nước ấm lạnh khác nhau, để cho loài cá tầm nhập về từ nước Nga lạnh giá, cũng bắt đầu tìm được không gian sinh tồn hoang dã, khiến cho nghề đánh cá không còn thuần túy là mưu sinh.

Với ông Y Dĩnh Niê, điều lạ lùng ấy là nhà sàn Ê-đê cũng có thể trở thành homestay hút khách, và những đứa trẻ tiểu học cũng giúp người lớn có thêm thu nhập. Việc đưa đón khách du lịch giúp ông vỡ vạc ra biết bao điều: “Nói chung làm du lịch cộng đồng cũng không vất vả. Khách thích sự sạch sẽ, giản dị, chân thành. Tụi nhỏ đi học cũng bập bẹ nói tiếng Anh với khách nước ngoài được nên thấy cũng thuận lợi”.

Với khách du lịch, thiên nhiên, con người bên dòng Krông Na, Krông Nô, Sêrêpôk là một bảo tàng của những điều bí ẩn. Dưới hạ nguồn, họ muốn được khám phá khu bảo tồn quốc gia lớn nhất Việt Nam, khám phá nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng đã từng vang danh khắp 3 nước Đông Dương.

Trên thượng nguồn Sêrêpốk nơi vừa hợp dòng Krông Ana, Krông Nô, cụm thác Đray Nur, Đray Sáp và Gia Long là nơi làm nảy sinh bao suy tưởng về địa chất. Phần lớn du khách vẫn chưa hiểu được tại sao một phần của cụm thác, nước trong đục theo mùa, còn nửa kia lại vĩnh viễn trong xanh. Họ cũng khó có thể hiểu được tại sao khắp cụm thác, thấy vương vãi, ngổn ngang những kết cấu đá bazan lạ kỳ.

Bí ẩn về địa chất ở đây còn thu hút nhiều nhà địa chất của thế giới và bước đầu đã khám phá ra hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, với những dấu tích của người tiền sử đã được tìm thấy. Đây là phát hiện quan trọng trong giới khoa học và được bổ sung vào hồ sơ công nhận "Công viên địa chất toàn cầu" gửi UNESCO.

Chờ những mảng ghép đầu tư

Ông Dương Văn Lực, nguyên Chủ tịch UBND xã Buôn Choah nói rằng, đá ở đây được dân chơi cây cảnh gọi là “đá sống”, do có nhiều lỗ bọt, thấm và giữ nước, nên vừa chịu được hạn, vừa chống được úng. Ngoài ngô, đậu, cây hồ tiêu, cây nhãn ở đây cũng sinh trưởng rất tốt, cho sản phẩm có hương vị đậm đà. Ông Lực cho rằng, nếu được đầu tư thỏa đáng, đây sẽ là vùng nông nghiệp rất độc đáo, phù hợp để phát triển du lịch canh nông.

Cùng với cánh đồng đá bọt buôn Choah và núi lửa Chư Bluk, Đắk Nông có nhiều vùng địa chất độc đáo liền kề, tổng diện tích hơn 4.700km, với những quần thể thác, rừng tự nhiên, hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, đang được xây dựng thành công viên địa chất. Tỉnh cũng đã tổ chức giới thiệu, kết nối các công ty du lịch, lữ hành lớn về những sản phẩm du lịch tại khu vực đặc biệt này.

Giữa cao nguyên 500 mét trên mực nước biển mà có cảm giác như giữa sông nước miền Tây Nam bộ, với cánh đồng thơm mát mùi rơm lúa, chập chùng theo dòng sông đỏ nặng phù sa.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh sẽ phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, cũng như quảng bá, kết nối tour, tuyến du lịch gắn với Công viên địa chất để đưa Đắk Nông trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Dù nhiều kế hoạch và có công viên địa chất đầy tiềm năng, nhưng khó chối bỏ một thực tế rằng, Đắk Nông khó phát triển du lịch. Lý do chính là đường dẫn cánh đồng cháy Buôn Choah và núi lửa Chư Bluk - trái tim của công viên, đang là những con đường cụt. Theo anh Nguyễn Khắc Tới ở xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, để tham quan Chư Bluk, tuyến gần nhất cũng cách TP. Buôn Ma Thuột gần 60km, cách quốc lộ 14 gần 40km, trong đó có 25km băng đồi và cắt rừng. Sau đó, vì bị sông Sêrêpốk cách trở, mọi người lại phải quay ngược ra, vô cùng bất tiện. Trong khi đó, ngay phía phía bên kia sông là thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), cách QL14 20km và cách TP. Buôn Ma hơn 30km.

“Chúng tôi cũng đang đề xuất UBND tỉnh phê duyệt dự án đường và cầu bắc sang huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông để khai thác tiềm năng khu vực núi lửa. Nếu được như vậy thì các huyện sẽ tạo thành mối liên hoàn, từ đây du lịch - dịch vụ sẽ phát triển vượt bậc".

Ông Nguyễn Minh Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana.

Theo ông Nguyễn Minh Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana, tiềm năng du lịch của địa phương là rất lớn, vì thuộc vòng cung kết nối các thắng cảnh ở Đắk Lắk, Đắk Nông. Nhưng cũng giống phía Đắk Nông, đường vào đây vẫn là đường cụt. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư vào địa phương, nhưng đã dừng triển khai.

Sơn thủy hữu tình, sản vật phong phú, địa chất đặc thù, Đắk Lắk và Đắk Nông thực sự có trong tay những thế mạnh lớn để làm kinh tế du lịch, để những yếu tố huyền sử, văn hóa được chuyển hóa thành giá trị kinh tế. Và có lẽ, cũng như dòng sông Cha Krông Nô, sông Mẹ Krông Ana đã cố gắng vượt qua bao chướng ngại, hòa chung một dòng, sinh sôi hạnh phúc, Đắk Lắk và Đắk Nông cũng cần cố gắng để có một sự tác hợp trong đầu tư, cho vùng núi lửa độc đáo, kỳ bí được hòa vào sông nước trữ tình, tạo nên địa chỉ lớn về du lịch nông nghiệp - sinh thái - cộng đồng./.

Dương Tuấn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận