Chuyện về bà Bí thư Đảng ủy xã

Không những giỏi việc nước đảm việc nhà, bà Vân Thị Việt (sinh năm 1941) còn là Bí thư Đảng ủy xã suốt 15 năm với nhiều thành tích đáng nể.

 

Vinh dự được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Về thôn Tử Dương, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, Hà Nội chúng tôi hỏi thăm đường vào nhà bà Vân Thị Việt, từ đầu làng ai cũng biết. Anh Mai Tiến Tâm, trưởng thôn bảo: “Gia đình bà Vân Thị Việt rất mẫu mực, là tấm gương tiêu biểu để bà con làng xã học hỏi”.

Có lẽ ít người biết rằng bà Vân Thị Việt là một phụ nữ rất nghị lực và bản lĩnh, vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. 20 tuổi đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, bà Việt làm bí thư Đảng ủy xã khi 28 tuổi và đảm trách liên tục 15 năm, liên tục đạt chiến sĩ thi đua toàn quốc và vinh dự được gặp Bác Hồ 2 lần, và 1 lần được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Gia đình bà Vân Thị Việt trong ngày Hội người cao tuổi...

Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn và cách nói chuyện dí dỏm, minh mẫn, ít ai nghĩ bà Việt đã ở tuổi 80. Bà nhớ như in thời tuổi trẻ tích cực tham gia công tác đoàn ra sao, công tác thanh niên sôi nổi như thế nào từ chức phân đoàn trưởng, rồi Bí thư chi đoàn, đến Bí thư xã đoàn…

Bà kể, ngày ấy phong trào đoàn thanh niên ở xã Cao Thành lên cao lắm. “Chúng tôi luôn nêu cao khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến”. Chính vì có nhiều thành tích trong công tác đoàn, vào tháng 5/1960, bà Việt là một trong 20 thanh niên được cử đi gặp Bác Hồ.

“Chúng tôi nhận lệnh 3h sáng tập trung ở cửa đình, rồi đi bộ đến sân vận động xã Hòa Xá (cách đó 12km). Khi đi, mỗi người mang theo một cái gậy, một nắm cơm hoặc củ khoai. Đến nơi trời nóng như đổ lửa, nghe lãnh đạo phổ biến “các đồng chí đến đây được gặp Bác Hồ” chúng tôi vỗ tay reo mừng sung sướng. Sau đấy ít phút, chúng tôi thấy 3 chiếc ô tô màu đen tiến vào sân bãi và Bác Hồ bước luôn lên kỳ đài phát biểu. Tôi nhớ lúc ấy nắng lên khoảng 2 con sào, bác Khoan (ngày ấy làm Bí thư Huyện ủy) cầm ô che cho Bác Hồ nhưng Bác ra hiệu không cần và nói: “Năm nay đại hạn. Bác rất buồn vì trời ít mưa, không có nước, bà con không cấy hái được thì đời sống nhân dân sẽ rất khổ. Do vậy, chúng ta phải làm thủy lợi, đào mương xẻ máng, đào giếng để lấy nước, thay trời làm mưa. Việc này chỉ có thanh niên làm được. Giờ Bác giao cho thanh niên 2 huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, các cháu có làm được không?”. Nghe vậy, tất cả đồng thanh “chúng cháu làm được ạ”. Thế rồi Bác bước xuống và đi luôn”, bà Việt bồi hồi kể lại.

... và vui chơi cùng gia đình trong ngày nghỉ cuối tuần.

Sau khi nhận nhiệm vụ của Bác, thanh niên xã Cao Thành về họp bàn và quyết tâm triển khai luôn. Mở đầu là việc huy động sức người, sức của để tập trung đào mương La Khê, phục vụ sản xuất nông nghiệp, tưới tiêu ruộng đồng và hoa màu.

Nhìn con mương La Khê dòng nước lững lờ uốn lượn, cây cối in bóng mát kè đẹp hai bờ, bà Việt bảo: Ngày ấy nhiều cánh đồng bỏ không, ruộng đồng nứt nẻ, không thể cày bừa. Đường sá lầy lội, kênh mương hôi thối chứ chưa hình thành con mương như bây giờ. “Chúng tôi phải đào rộng 5-6m, dài 30km từ La Khê (Hà Đông) vào tới xã Cao Thành, bởi ngày ấy chỉ có Hà Đông mới có thể bơm nước tưới tiêu cho cả huyện Thanh Oai và Ứng Hòa. Thanh niên phải đào cả ngày lẫn đêm với tinh thần “làm thủy lợi vất vả vài năm để cho con cháu hưởng sung sướng muôn đời”. Chỉ sau 3 tháng từ khi nhận mệnh lệnh của Bác, con mương La Khê kết nối từ trạm bơm của Hà Đông dẫn nước tưới cho các huyện của Hà Tây (cũ). Nhờ đó ruộng đồng tốt tươi, năng suất tăng nhanh chóng, từ 70-80kg thóc/sào, tăng lên 120-150kg/sao. Năm 1961, khi mới 20 tuổi, tôi được kết nạp Đảng ngay tại xã”, bà Việt nói, mắt ánh lên niềm vui sướng.

Tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc 1962, bà Việt lại một lần nữa vinh dự được gặp Bác Hồ. “Khi Bác Hồ bước vào hội trường ĐH Thương mại (Hà Nội), tất cả mọi người đứng lên chào. Bác vẫy tay cho chúng tôi ngồi xuống. Thấy các chú bộ đội mặc quân phục, bác cho phép các chú cởi áo khoác ra cho đỡ nóng… và nói: “Đất nước đang chiến tranh, tất cả phong trào thi đua ái quốc cần vươn lên để lấy thành tích đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Lực lượng trẻ là nòng cốt, hăng hái đi lên, tất cả mọi hoạt động cho tiền tuyến và toàn dân… Ghi nhận nghị quyết của đại hội, chúng tôi về báo cáo tuyên truyền cho các xã”, bà Việt nhớ lại.

Tất cả cho tiền tuyến

Từ chỗ ruộng đồng bỏ hoang, khô nứt không cày bừa được đến khi có đủ sản lượng gạo chi viện cho tiền tuyến. Bà Việt cùng anh em tiếp tục làm nhiều mương máng, đắp đê sông Hồng, đắp đê địa phương, rồi phổ biến kinh nghiệm làm thủy lợi cho các xã, và không ngừng học hỏi kinh nghiệm làm ruộng màu từ các nơi. Suốt 5 năm liền (1960-1965) làm công tác thủy lợi, bà Việt đạt nhiều thành tích đáng nể. Đến năm 28 tuổi, bà được làm Bí thư Đảng ủy xã, và liên tục 15 năm đảm nhiệm chức vụ này.

Cũng nhờ tinh thần ham học hỏi, bà Việt được đi khắp nơi để học tập mô hình tăng gia sản xuất và đem giống lúa mới cho địa phương. “Chúng tôi cố gắng đi tham quan mô hình lúa ở Thái Bình, Phú Xuyên… như “Cày nỏ, giỏ phân, xếp và phơi khô từng luống cày, rồi thả bèo hoa dâu, xây dựng HTX…, năng suất đi lên ầm ầm”, bà Việt cho biết thêm: “Lúc làm công tác Đoàn và Đảng tôi thấy mình như một linh hồn của tập thể bởi khi tôi phát động phong trào xây dựng quê hương, phổ biến kinh nghiệm thì được nhân dân nghe, tin tưởng và rất tán thành”.

Nhớ lại lần được gặp Bác Hồ năm 1962 và bác Võ Nguyên Giáp năm 1970, cả 2 lần bà Vân Thị Việt đều nhận nhiệm vụ: “Là phụ nữ 3 đảm đang, các chị phải cố gắng hơn nữa để động viên tất cả toàn Đảng toàn Dân tham gia chiến dịch “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Còn các chị là vợ bộ đội thì vất vả lắm, cố gắng làm sao “tiền tuyến gọi hậu phương có ngay”.

Tuy nhiên, nhiệm vụ “quân không thiếu một người” đòi hỏi phải khéo léo và hết sức khó khăn. “Ngày ấy tôi kiên trì đến từng nhà vận động, thậm chí chó cắn rách quần nhưng vẫn không nản. Tôi nói: Đất nước mình đang chiến tranh, ở chiến trường anh em đã hy sinh đổ xương máu. Mình không đi bộ đội thì làm sao giải phóng đất nước được. Chính vì lẽ đó, xã tôi đã vận động được 554 người, có nhà chỉ có một con trai cũng sẵn sàng đi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, những lúc nhận tin báo tử, chúng tôi thấy buồn và có nhiều nỗi niềm khó nói lắm”, bà Việt xúc động nói.

Mối tình đặc biệt

Khi hỏi về mối tình của bà khi hồi trẻ nổi tiếng xinh đẹp và năng nổ với công tác đoàn, bà bảo: Chuyện tình của chúng tôi đặc biệt lắm. “Ngày tôi 14 tuổi, bố mẹ gọi tôi ra và chỉ vào ông Nguyễn Đăng Lộc (khi ấy 18 tuổi là người cùng xóm) và bảo “hôm nay bố mẹ gả con cho anh Lộc”. Nghe vậy tôi chạy mất. Không ngờ sau đấy ít ngày, ông ngoại tôi mất nên 2 bên gia đình chờ 5 năm sau mới tổ chức đám cưới cho chúng tôi”, bà Việt bộc bạch.

Bà Việt cùng ông Lộc thường đọc báo cho nhau nghe.

Vậy mà, cưới được một tuần, ông Lộc phải lên đường nhập ngũ. “Ngày ấy, ông Lộc nhận lệnh học lớp sĩ quan cầu phà do Liên Xô giúp đỡ. Ông ấy học gấp rút để chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị ác liệt. Do học khẩn trương cả ngày lẫn đêm (từ 1960-1963) nên chẳng có thời gian nghỉ về thăm gia đình. Cũng may ngày ấy tuổi trẻ, tôi làm Bí thư Chi đoàn sôi nổi nên chả có thời gian buồn. Sau bế mạc lớp sĩ quan, ông Lộc được về thăm gia đình 2 ngày, sau đợt đấy tôi có thai con trai đầu lòng là Nguyễn Đăng Mạnh - hiện làm Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108”, bà Việt chia sẻ.

Dù ngày ấy đóng quân ở Quân đoàn 308 ngay Xuân Mai, Hà Nội nhưng cứ công tác biền biệt, mỗi lần mở đầu một chiến dịch mới, ông Lộc được về phép 1-2 ngày và điều may mắn sau lần ấy bà lại có thêm một người con. Có lẽ, ông đi chiến trường bao nhiêu năm cũng là thời gian bà Việt miệt mài với công tác hậu phương: Từ công tác thanh niên, chi bộ, đến chính quyền, Đảng bộ…

“Trong lúc kháng chiến ác liệt mình chỉ luôn tâm niệm “đảm việc nước, giỏi việc nhà” để chồng yên tâm công tác. Ngày ấy chuyện anh tiền tuyến, em hậu phương cũng là lẽ thường, bởi trong lúc kháng chiến ác liệt, mình chỉ biết cố gắng để tin vào ngày mai chiến thắng, sẽ được hòa bình ấm no hạnh phúc”, bà Vân Thị Việt bày tỏ.

Tôi hỏi: ông Lộc đi bộ đội từ 1959 đến 12/1985 mới xuất ngũ trở về, lúc nào bà thấy nhớ chồng và buồn tủi nhất? Bà nói: buồn nhất khi nhận được tin ông bị thương nặng (vào năm 1971 và 1972) về Ninh Bình điều trị, nhưng tôi không thể sắp xếp vào thăm được vì vừa bận chăm con nhỏ, vừa công tác đảng bộ xã.

“Ngày ấy chúng tôi phải phấn đấu nhiều lắm. Chỉ cần nhận được dòng chữ “Em cứ an tâm, cố gắng công tác, anh bị thương nhẹ thôi nhưng đã có đồng đội lo cho. Còn anh ở trong này cũng cố gắng phấn đấu thi đua cùng em để đánh thắng giặc Mỹ. Khi ấy anh về sẽ chăm sóc em và gia đình” là tuyệt đối tin tưởng và yên tâm công tác”, bà Việt chia sẻ.

Gần 30 năm xa cách, khó khăn nhất với bà Việt là ở nhà một mình nuôi 4 đứa con ăn học. Anh Nguyễn Đăng Mạnh người con cả chia sẻ: “Hồi 5 tuổi, tôi được đi học sớm hơn các bạn 1 lớp. Sáng tôi đi học, chiều đi chợ bán rau. Khi đó tôi chưa nhận biết hết đồng tiền. Thấy mẹ dặn 5 xu một mớ rau, nhưng ai mua 2 mớ trả 1 hào tôi không bán. Lớn lên, tôi thấy mẹ vất vả, có lúc ẵm cả em đi họp hành. Có lúc về đến nhà 1-2 giờ sáng, khi ấy phải thắp đèn bão kê giữa vườn để đập đất, xay lúa và tưới rau… Nhưng chính mẹ là người giúp cho các con có nghị lực, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vừa học vừa giúp đỡ công việc trong gia đình để mẹ an tâm công tác”.

Thỉnh thoảng bà dắt cháu đi dạo dọc bờ mương La Khê.

Bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy xã Cao Thành đã đánh giá về một cán bộ lão thành xã Cao Thành với gần 60 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng và 30 tham gia công tác tại địa phương với nhiều vị trí công tác khác nhau: “Từ 1969-1984, đồng chí Vân Thị Việt đảm nhiệm Bí thư Đảng ủy xã. Đây là khoảng thời gian miền Bắc đang ở nền kinh tế tập thể bao cấp rất khó khăn, thiếu thốn vất vả, đồng thời còn chi viện cho miền Nam để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Một mình bà còn nuôi dạy 4 con học hành chu đáo và đều đã thành công trong sự nghiệp vừa phụng dưỡng bố mẹ chồng, và tạo điều kiện cho người chồng đánh giặc nơi chiến trường.

Với cương vị Bí thư Đảng ủy, bà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc, thường xuyên chăm lo và làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Bên cạnh đó, bà thường xuyên gần gũi, lắng nghe các ý kiến tâm tư, dư luận trong cán bộ đảng viên để kịp thời có định hướng, xử lý và cũng góp phần chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân tại địa phương… Có thể nói, bà Vân Thị Việt là cán bộ nhiệt tình, tâm huyết, sâu sát và là một tấm gương sáng để lớp cán bộ kế cận chúng tôi noi theo”.

Gần 60 năm tuổi Đảng, nghĩ lại chặng đường làm công tác Bí thư Đảng ủy xã Cao Thành, bà Vân Thị Việt vẫn tự hào khi nhìn dòng mương La Khê nước lững lờ trôi trong tiết Xuân ấm áp, bà chia sẻ: “Đây là bước ngoặt cuộc đời, là kỷ niệm lịch sử của chúng tôi. Giờ tôi chỉ tiếc, khi về già, vết thương của ông Lộc thỉnh thoảng tái phát, nhất là khi trái nắng trở trời”./.

Bà Vân Thị Việt, 59 năm tuổi Đảng đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3; 3 năm chiến sĩ thi đua toàn quốc; 10 năm liền là phụ nữ 3 đảm đang; 10 năm liền là chiến sĩ quyết thắng và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen.

Hương Giang

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận