Giữa vùng trung du rộng lớn huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), ngôi nhà nhỏ của hai chị em "dị nhân" Nguyễn Thị Ngọc (70 tuổi) và Nguyễn Thị Môn (59 tuổi) nằm lọt thỏm trên “ốc đảo” um tùm rừng cây lá.
Từ cây đa cổ thụ đầu làng Ngọc Liễn, thuộc xã Liên Hòa, chúng tôi đi men theo con đường đất nhỏ, rồi băng qua cánh đồng mạ non. Hai bên đường, những ngôi mộ cổ nằm rải rác, quanh những mô đất, mọc đầy cỏ hoang dại.
Vượt qua cổng “ốc đảo” trơn trượt, phóng viên bước vào khoảng không mát lạnh của tán lá rừng già. Những gốc cây lâu năm hiện ra trước mắt, thân cành thẳng đứng vụt lên trên khỏi tầm nhìn. Bên dưới đường đi, lớp lá cây dày, đã bị mục nát bởi trận mưa xuân trước đó.
Ngôi nhà 3 gian cũ kỹ, nằm ẩm thấp giữa “ốc đảo”. Tiếng chó sủa inh ỏi, vọng theo tiếng gà cục tác bên khu chuồng bò lợp bằng lá cọ. Xung quanh căn nhà, biết bao nhiêu cơ nào là bồ câu và chim rừng.
“Chúa đảo” Nguyễn Thị Môn lặng lẽ bước ra, chào thân thiện: “Mời các đồng chí vào nhà uống nước!”.
Cả khu vườn rừng rộng 2 hecta của hai chị em “dị nhân” ở Vĩnh Phúc là tài sản của bố mẹ để lại, cho nên hai chị em rất gìn giữ và không khi nào muốn rời xa. Cả cuộc đời họ gắn bó với căn nhà, vườn cây, với từng lối đi tắt trong khu rừng này.
“Mỗi gốc cây trong vườn là người bạn thân thiết của gia đình chúng tôi. Mùa xuân, cây cho hoa thơm, trái ngọt, nuôi sống cả gia đình. Còn bộ rễ cây lọc nước rất tốt, lá cây xanh mát cho không khí trong lành. Cho nên, cây là nguồn sống, là linh hồn của gia đình tôi”, bà Môn hào hứng chia sẻ.
Nhiều người dân xung quanh cho rằng, cây cối rậm rạp và hoang dại, thì cần phải phát tỉa bớt đi. Nhưng bà Môn “không muốn làm cây đau” và muốn sống “như tự nhiên vốn có”.
Xung quanh ngôi nhà nhỏ, có rất nhiều loại cây ăn quả gần trăm tuổi. Những gốc mít, nhãn lồng xù xì, mấy gốc ổi ngã chỏng chơ gần vườn rau tập tàng. Cạnh đó là gốc bồ kết già nua, thân thẳng tắp, lá cây rụng hết.
“Những gốc cây đơn sơ này nuôi sống bố mẹ tôi những năm đói kém hay thời kỳ chiến tranh ác liệt. Bố mẹ mất đi, gia tài để lại cho chúng tôi là những gốc cây kỷ niệm này. Cho nên, mình phải tiếp tục giữ gìn và chăm sóc chúng. Đến khi chúng tôi có mất đi, lại để lại cho con cháu”, bà Môn chia sẻ.
Mắt người phụ nữ mảnh khảnh bỗng buồn xa xăm. Bà Môn nhớ về thời khắc từ lâm trường, quay về làng sinh con và sống tại “ốc đảo” này. Mọi thứ đối với người đàn bà đơn thân, không có chồng mà “bụng mang dạ chửa” thật khó khăn, khổ cực.
Người đời thì đay nghiến, người thân cũng trách móc, chỉ mỗi người mẹ ruột và rừng cây này bao bọc, che chở cho người đàn bà chửa hoang.
“Vẫn cây mít, cây ổi mà các cụ ngày xưa để lại, giờ chúng vẫn giúp tôi mua lúa gạo, ngô khoai và thực phẩm nuôi thằng Giang ăn học nên người. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ chặt cây để bán, vì nếu như vậy, tôi đã tự chặt đi nguồn sống, chặt đi linh hồn của khu rừng này”, bà Môn thủ thỉ nói.
Ông cụ thân sinh của hai chị em vốn là một thầy lang nổi tiếng thời Pháp thuộc, quê gốc ở Thanh Hóa. Vì tài năng và có lòng cứu người, nên ông cụ được người dân khắp nơi mời đến tận nhà chữa bệnh. Mỗi lần như thế, ông đưa cả gia đình đi cùng, có khi chuyến đi kéo dài hàng tháng trời.
Phiêu bạt mãi, ông cụ đến Ngọc Liễn và nhận ra mảnh đất này thuận lợi cho việc trồng những cây thuốc quý, nên quyết định cho cả gia đình dựng nhà và sinh sống trên “ốc đảo” này.
Ngồi trong căn nhà của hai chị em “dị nhân” Vĩnh Phúc, chúng tôi nhìn thấy bức di ảnh của hai cụ thân sinh, đặt cẩn thận trên bàn thờ gia tiên. Phía bên trên là bức ảnh Bác Hồ, cạnh đó là ảnh chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Một điều thú vị và trong nhà có rất nhiều sách vở và tài liệu học tập. Phía trên bức tường vôi có treo bức bản đồ Việt Nam, cạnh đó là mô hình quả địa cầu lớn màu xanh nước biển.
Bà Môn cho biết, trên kệ giá là sách dạy học của chị gái, còn trên tủ kia là sách học tập của cậu con trai. Đồ đạc trong nhà tuy bừa bộn, nhưng chỗ để sách vở lại được sắp xếp ngay ngắn và sạch sẽ.
Cách đây hơn chục năm, bà Nguyễn Thị Ngọc là giáo viên dạy học ở trường làng. Nhưng vì không thích sống bon chen, bà Ngọc xin nghỉ hưu non và trở về sống cùng người em gái nơi chôn rau cắt rốn.
Vốn có kiến thức về y học được truyền lại của ông cụ thân sinh, bà Ngọc thường nghiên cứu sách thuốc. Bà cũng đi khắp nơi, thu thập cây thảo dược chữa bệnh, mang về trồng hết trong vườn nhà. Đến lúc cảm thấy mọi thứ cần thiết cho cuộc sống tạm đủ, bà ở ẩn luôn trên “ốc đảo”.
Kể cho chúng tôi nghe về cậu con trai tên Trường Giang, bà Môn khoe là con trai làm nghề giáo, đang dạy học ở TP.HCM.
“Đợt vừa rồi, vì dịch bệnh virus corona, nên được nghỉ dài ngày, cu cậu vừa mới về thăm nhà. Em nó ngoan và thương mẹ và bá lắm!”, bà Môn nói với chúng tôi.
Sau khi học xong lớp cao đẳng ngoại ngữ ở tỉnh, Trường Giang vào miền Nam làm việc. Tính đến nay cũng được vài năm rồi. Đi dạy tiếng Anh cho trẻ em, Giang rất yêu nghề giáo.
“Thằng con nhà tôi học tính tự lập từ nhỏ, cho nên từ lúc tốt nghiệp cấp 3 đến nay, em nó toàn tự thân vận động. Tự đi thi vào cao đẳng, học xong thì tự đi xin việc. Tôi hầu như không phải lo lắng gì nhiều.
Cha mẹ tôi ngày xưa vẫn thường dặn dò là hướng cho con theo nghề giáo. Phải cho con cái chữ, cho kiến thức, khi ra đời sẽ biết tự lập và có ích cho xã hội. Cho con cái trí còn đáng giá hơn nhiều so với cho tiền bạc, các cậu ạ!”, bà Môn bộc bạch.
Bà Môn chỉ có mỗi người con trai. Ngày xưa khi đi công nhân lâm trường ở tỉnh, bà quyết định không lập gia đình, mà chỉ “đi xin mụn con”. Đến gần kì sinh nở, bà xin nghỉ việc, khăn gói về quê nhà để sinh, rồi sống ẩn dật, chăm lo vườn tược, sống bầu bạn với thiên nhiên.
“Ngày trước, chửa hoang rồi sinh con ở làng, người ta cũng dị nghị và nói ra nói vào nhiều. Nhưng tôi để ngoài tai, chỉ lo chăm sóc và dạy dỗ cho con nên người.
Cuộc đời tôi là một bể khổ. Khổ cực và gian nan lắm, đến bây giờ, khi ngồi nói chuyện với các bạn, tôi mới có chút thảnh thơi”, bà Môn thổn thức.
Thấy chị em bà Môn sống biệt lập trong khu rừng um tùm, nhiều người gọi họ là “người rừng”. Đây có lẽ là cách người ta miệt thị, chê bai lối sống hoang dã, kém văn minh dành cho hai chị em.
Tuy nhiên, cuộc sống của hai bà rất khoa học và hài hòa với tự nhiên. Hai bà thường xuyên đi tập thể dục, thức ăn hoàn toàn tự nuôi trồng được, không sử dụng hoá chất.
“Người ta kêu chúng tôi là người rừng, nhưng họ không hiểu gì về cuộc sống thực sự. Chúng tôi sống khoa học, nắm bắt đầy đủ thông tin từ bên ngoài. Sống giữa “ốc đảo xanh” này, khiến gia đình tôi cảm thấy thoải mái.
Cũng có người góp ý với tôi là phải xây nhà có mái tôn, lát gạch hoa và sắm sửa tiện nghi. Đó mới là cuộc sống sung sướng, hạnh phúc. Tôi thì không nghĩ vậy, tôi thích sống dưới một ngôi nhà nhỏ, dưới tán cây rừng xum xuê, làm bầu bạn với cỏ cây, hoa lá, chim muông”.
Trong nhà chị em bà Môn, chúng tôi thấy có đầy đủ các tiện nghi của cuộc sống hiện đại như tivi, đài radio, nồi nấu cơm điện.
Mặc dù buổi tối, xung quanh khu vườn vắng lặng như tờ, nhưng trong ngôi nhà cũ, ánh điện vẫn sáng trưng, chiếc đài radio vẫn phát thông tin thời sự từ tâm dịch Covid-19 ở xã Sơn Lôi.
“Tối nào cả nhà cũng xem thời sự, thời tiết và những chương trình về kiến thức xã hội. Có khi vừa nấu cơm, chúng tôi cũng thường nghe đài FM. Điện thoại có đấy, nhưng cũng chẳng mấy khi dùng”, bà Môn cho biết.
Chưa để cho phóng viên hỏi thêm, bà Môn lại tiếp lời: “Người ta gọi chị em tôi là người rừng cũng chẳng sao, tôi thấy cũng bình thường. Nhưng sự thực là chúng tôi đâu phải người rừng, mà là những người thích sống giữa rừng cây. Một rừng cây cổ kính, nơi chúng tôi gắn bó cả cuộc đời”.
Rót mời phóng viên một cốc nước là thuốc nam ngoài vườn, bà Ngọc chỉ cho chúng tôi về cách làm sạch chất độc hại trong cơ thể bằng thức uống và điều hòa khí huyết, kết hợp bấm huyệt. Đó là những kiến thức y học uyên thâm mà bà dày công tích lũy được.
Dẫn đến góc vườn đằng xa, bà Ngọc cho chúng tôi biết, đây là khu dược liệu chữa bệnh, được trồng từ thời hai cụ thân sinh còn sống.
“Rất nhiều loại thuốc Nam, chữa nhiều loại bệnh khác nhau được gia đình ươm trồng ở đây. Các đơn thuốc được kê theo kinh nghiệm nhiều năm của ông cụ nhà tôi. Đối với tôi, đó là cả một kho tài mà bố mẹ để lại”, bà Ngọc chia sẻ.
Sau đó, bà Ngọc giảng cho chúng tôi về thuật bấm huyệt để chữa bệnh. Thời gian gần đây, ngoài bốc thuốc, bà Ngọc còn nghiên cứu thêm về kinh mạch và khí huyết con người.
Mang ra một cây gậy tự chế ra, bà Ngọc gõ nhẹ vào bắp chân tay, lưng, đùi và nhiều vị trí khác. Mỗi chỗ gõ mạnh nhẹ khác nhau, rồi bà giải thích hiệu quả của việc tác động vào từng vùng huyệt đạo.
“Con người hiện đại bận rộn, nên ít có thời gian vận động, tập thể dục thể thao. Do đó, khí huyết kém lưu thông, gây ra nhiều căn bệnh hô hấp, xương khớp. Tôi chế ra dụng cụ này và sáng tạo thêm những động tác vận động căn bản, để giúp mọi người phòng trừ bệnh tật”.
“Từ đó cho thấy, con người chúng ta cần có cuộc sống cân bằng về vật chất và tinh thần, về lao động trí óc và chân tay. Có như vậy mới đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình được,” bà Ngọc chia sẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Môn cho biết, sống trong “ốc đảo” biệt lập, nhưng bà cũng thi thoảng ra ngoài mua đồ ăn thực uống. Những lúc như vậy, nhiều người nghĩ rằng bà “đầu óc có vấn đề”, nên có ý định lừa dối, không tốt.
“Mấy lần tôi đi mua đồ ở quán, rõ ràng đã trả tiền rồi, mà họ cứ bảo tôi chưa trả. Người ta bắt bẻ và bắt tôi trả hai lần. Tôi cũng không muốn tranh cãi, nhưng nghĩ mình khi nào cũng nói thật, làm thật. Chẳng có lẽ, thật thà quá, người ta lại cho là không bình thường”.
Bởi vậy, bà Môn thi thoảng mới đi ra chợ mua thực phẩm, hầu hết mọi thứ đều tự sản xuất, tự tiêu dùng. Gia đình bà sống khép kín với xã hội bên ngoài, nhưng lại hòa đồng với thế giới tự nhiên xung quanh.
“Đất đai phì nhiêu thì cây cối tốt tươi, còn nếu nắng hạn thì cây héo úa. Cho nên, cây cối quanh tôi “sống” rất thật, chúng không bao giờ “nói dối” mình đâu. Mình quen sống theo đúng như suy nghĩ trong đầu. Tức là có thế nào, thì nói như vậy. Nếu nói khác đi với thực tế, tôi thấy không đúng với lương tâm mình”, bà Ngọc nói.
Hai bà chia sẻ rằng, lối sống công nghiệp hiện nay đang dần giết chết những giá trị truyền thống trong gia đình người Việt.
Đối với hai chị em, cuộc sống vô tư, không lo nghĩ, và đảm bảo sức khỏe chính là cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy nhất. Và họ đã tìm thấy được tất cả những điều ấy khi sinh sống trên “ốc đảo xanh” của mình.
Nhiều người cho rằng, cuộc sống của hai chị em “dị nhân” ở Vĩnh Phúc là cực khổ, nghèo khó. Nhưng ít ai biết rằng hai con người đặc biệt này lại có đời sống tinh thần giàu có. Họ sống giàu tình thương yêu đối với thế giới xung quanh.
Giữa xã hội xô bồ, họ chọn lối sống ẩn dật, hòa mình vào thiên nhiên, không vướng bận với thị phi của cuộc đời. Họ sống thật lòng, sống đúng với chính mình.
Minh Tuấn - Hữu Danh/VTC.VN