Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ không phải là bệnh, mà là một dạng rối loạn. Mà đã “rối” thì mình phải “gỡ rối”. Với suy nghĩ ấy, thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng phương pháp can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ hiệu quả.
Những đứa trẻ thiếu may mắn
Chị V.T.Th ở quận Thanh Trì, Hà Nội có con 5 tuổi bị rối loạn phổ tự kỷ (RLTK). Chị buồn bã chia sẻ: “Gia đình tôi thấy cháu 18 tháng không nói và có biểu hiện đi vòng tròn nhón gót chân. Con chơi lủi thủi một mình và thích chơi chai lọ hay đồ màu sắc. Tôi cho cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám lưỡi, bác sĩ nói cho con đi lớp và dạy con học nói thêm 4 tháng sau đó khám lại. Thế nhưng sau đó con vẫn không nói mà còn càng thêm hành vi. Khi test lại thì bác sĩ kết luận có dấu hiệu chậm phát triển. Vì con đầu của tôi cũng mắc hội chứng phổ tự kỷ nên dù bác sĩ nói 2 tuổi mới kết luận chắc chắn được nhưng tôi biết con mình đã mắc hội chứng này”.
Sau đó, chị Th cho con học can thiệp hai năm với 3 cô giáo dạy, nhưng con vẫn không có ngôn ngữ, chơi một mình, tự cười suốt ngày, tay hay cấu, miệng cắn bạn. “Khi ấy, tôi chán nản, muốn buông tay nhưng may mắn biết đến cô Hiền. Đến giờ con đã học cô được gần 1 năm. Chỉ sau 1 tuần học, con đã thay đổi, có hứng thú bật âm. Một thời gian ngắn sau, con đã nói được từ đơn và từ ghép đôi. Bây giờ con nói được khi có nhu cầu, câu ngắn. Con đã biết bắt chước và không cười tự do. Con không còn cấu bạn, cắn bạn, ánh mắt con dịu hơn, thích ăn thức ăn, thích soi gương, làm đẹp. Con biết chơi giả bộ cùng em một số trò chơi đơn giản như nấu cơm, gọi điện thoại… và không đi vòng tròn nhón chân nữa. Phương pháp dạy của cô Hiền rất mới, dễ hiểu và hiệu quả. Cô đánh giá từng bé và áp dụng giờ học ngắn mà hiệu quả. Con tiếp thu nhanh”, chị Th vui mừng.
Chị L ở quận Đống Đa, Hà Nội cho hay, bé thứ hai nhà chị được 18 tháng tuổi nhưng không nói. Chị đưa con đi khám ở Vinmec, bác sĩ kết luận con bị tự kỷ. Con đi nhón gót, hầu như không ngủ. Con yếu, không leo trèo, không tự đi cầu thang được, ăn cháo xay nhuyễn, kén ăn, răng vàng, không nhai, không tương tác mắt. Đến lớp, cô đặt đâu thì con ngồi đấy. Ở trường mầm non, con được can thiệp theo giờ liên tục hơn 1 năm nhưng tiến triển rất chậm.
“Tôi lo lắng, tìm hiểu và được bạn bè giới thiệu tới cô Hiền. Con học cô Hiền từ tháng 3/2019, lúc đó con 3,5 tuổi. Sau thời gian can thiệp, con đi thẳng chân, không nhón gót, thích leo trèo chạy nhảy, thích được đi chơi. Con rất thích ăn và ăn được nhiều loại đồ ăn. Sau 1 tháng học, sức khoẻ con cải thiện rõ. Con ngủ tốt. Khoảng 3 tháng từ khi học cô Hiền thì con bật âm, rồi nói từ. Con nói theo nhiều, tự nói khi có nhu cầu. Tương tác mắt tốt hơn. Thích soi gương, tự chọn quần áo đẹp mặc. Con thích chơi cùng các bạn, thích chơi chỗ đông người. Tôi thấy phương pháp của cô Hiền rất hợp với con”, chị L vui mừng cho biết.
Gỡ rối cho trẻ phổ tự kỷ
Tới lớp học dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ của thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, tôi bị thu hút bởi lòng yêu thương, kiên trì với trẻ và sự nhạy cảm với từng biểu hiện nhỏ nhất từ trẻ của chị.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền cho biết, phương pháp can thiệp trẻ rối loạn phổ tự kỷ của chị xây dựng trên nguyên tắc: "Dừng - Lùi - Hút". Đầu tiên, phải phá lớp vỏ bên ngoài của trẻ. Nếu dùng phương pháp mạnh như quát to, chạm vào người trẻ, xoay người trẻ, giật đồ chơi của trẻ, ép trẻ nói, ép trẻ ăn... sẽ làm lớp vỏ ấy càng dày hơn. Gặp trẻ tự kỷ buổi đầu tiên mà lao tới vồ vập, vội vàng nói to, gấp gáp dạy, quát trẻ nếu trẻ không hợp tác... sẽ làm tình trạng của trẻ càng tệ.
Theo thạc sĩ Hiền, mấy giây đầu tiên khi gặp trẻ rất quan trọng, đó là dấu ấn ban đầu, sẽ lưu lại sâu trong trẻ. “Tôi sẽ chủ động chào trẻ bằng tên gọi của trẻ, giới thiệu sơ qua về mình, như: Cô chào BM, cô là cô Hiền, hôm nay cô đến chơi với con”. Lúc đó, mình phải đứng ở cửa, chứ chưa vào nhà, hoặc vào nhà nhưng chỉ ngồi ở góc ghế, mép ghế... chứ không phải vị trí trung tâm. Điều này gửi thông điệp tới trẻ rằng: Cô là người mới, là khách, là người không quan trọng, không có tiếng nói, là phái yếu... và chắc chắn, cô không làm hại con. Cách chọn vị trí ngồi, vị trí đứng, không vồ vập trẻ, chào trẻ thân thiện chính là "Dừng". Việc điều chỉnh ánh mắt rất quan trọng. Đưa ánh mắt dõi theo trẻ, thể hiện suy nghĩ: “Cô có một mình, cô cô đơn, con hãy kéo cô ra, cho cô chơi cùng với". Cách dùng ánh mắt để nói lên suy nghĩ của mình, rằng mình không tự tin, mình rụt rè là "Lùi".
Trẻ tự kỷ tự tạo ra 1 lớp vỏ bọc vô hình bao trùm lấy trẻ, ngăn cách trẻ với thế giới xung quanh. Lớp vỏ ấy càng ngày càng dày, vậy nên người lớn dạy trẻ, trẻ dường như không nghe, không tương tác vì ngăn cách bởi lớp vỏ ấy. Vì thế, đầu tiên phải phá bỏ lớp vỏ bọc đó của trẻ. |
Theo thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, chị đã vận dụng Phân tâm học - một học thuyết về tâm lý học, có sự linh hoạt điều chỉnh qua kinh nghiệm tiếp xúc với trẻ tự kỷ. Chị Hiền cho biết, cách này chinh phục tất cả các trẻ tự kỷ mà chị gặp. Đa phần sẽ phá vỡ lớp vỏ ngay buổi đầu tiên, số ít thì sau 2 - 3 buổi. Biểu hiện của lớp vỏ bị phá vỡ là trẻ nhìn mình (thi thoảng hoặc lâu hơn), trẻ đi lại gần, có trẻ cầm ngón tay mình kéo vào khu đồ chơi của trẻ) - nghĩa là trẻ chấp nhận mình, mình đã phá vỡ 1 chỗ nhỏ ở lớp vỏ để vào trong. Khi vào trong rồi, mình dạy trẻ sẽ dễ dàng hơn.
Sau đó bắt đầu mình "Hút" trẻ, lái trẻ theo ý mình. Và bắt đầu lên chương trình "gỡ rối". Với mỗi trẻ, chị có chương trình gỡ rối riêng tùy theo mức độ khó khăn của trẻ. Trong 1 buổi dạy sẽ có chị Hiền là giáo viên can thiệp chính, 1 phụ huynh, 1 giáo viên phụ và trẻ - tất cả đều theo sự chỉ đạo của chị Hiền, từ vị trí ngồi, độ lớn của giọng nói, màu sắc trang phục... để tạo môi trường kéo trẻ tự kỷ ra khỏi vỏ bọc. “Có phụ huynh tham gia lớp học để họ hiểu phương pháp, đồng thời tiếp tục đào tạo các thành viên khác trong nhà làm theo để thống nhất phương pháp dạy trẻ khi không có giáo viên”, thạc sĩ Hiền cho hay.
Với giáo viên phụ được thay đổi liên tục tùy theo ý đồ giáo dục của Hiền, dùng để tương tác bộ 3, giúp trẻ hoà nhập trong nhóm nhỏ 3 - 4 người. Sau một thời gian phải đổi người mới để trẻ hòa nhập nhiều người khác nhau. Từ đó, trẻ sẽ hoà nhập môi trường trong lớp với các bạn. Giáo viên dạy phụ sẽ khắc phục chứng nhại lời khi trẻ có ngôn ngữ.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền cho hay, học liệu dạy là vật thật, như: rau, củ, quả, cát, sỏi... Xúc giác của trẻ tự kỷ đa phần nhạy cảm, biểu hiện như trẻ hay đi nhón chân, nheo mắt. Vật thật sẽ giúp trẻ phát triển xúc giác, vị giác, kiến thức thật và lưu trữ trong trí nhớ trẻ lâu hơn. Âm nhạc giúp trẻ kiểm soát la hét, giấc ngủ. Mỗi tháng sẽ có 2 - 3 buổi học bên ngoài ở công viên, khu vui chơi.
Dạy trẻ tự kỷ, ngoài kiên trì còn phải có kinh nghiệm, kỹ năng và sự nhạy cảm của người dạy. Những biểu hiện rất nhỏ của trẻ như cử động mắt, đầu ngón tay, trương lực cơ... phải nhận ra để điều chỉnh phương pháp dạy kịp thời. “Mỗi ngày đi dạy, tôi đều quay video lại, về nhà tôi quan sát, ghi chép, hôm sau lại hỏi phụ huynh về trẻ lúc ở nhà, cứ thế, mỗi trẻ là một công trình nghiên cứu theo chiều dọc, kỳ công lắm”, thạc sĩ Hiền chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền cho biết, với trẻ tự kỷ dạng nhẹ thì chỉ 3 - 4 tháng là ổn. Còn trẻ nặng thì thời gian dạy phải kéo dài từ 8 tháng đến 1,5 năm. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ không khỏi hẳn được. Điều mình cần là trẻ sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp được, tự phục vụ cá nhân, ăn uống dễ dàng, hoà nhập cùng các bạn (mức cơ bản), tiếp tục học ở các lớp lớn hơn mà không cần giáo viên can thiệp, cá nhân hỗ trợ nữa.
“Trẻ tự kỷ nên được can thiệp càng sớm càng tốt. Nếu phát hiện sớm, can thiệp trước 3 tuổi thì tiến độ nhanh hơn”, thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền đưa ra lời khuyên./.