Người nuôi giấc mơ nâng tầm nông sản Việt

Lê Duy Toàn - Giám đốc Duy Anh Foods đã sáng chế ra những dòng sản phẩm từ nông sản khiến nhiều người thích thú.

 

Trên con đường hiện thực hóa giấc mơ trở thành người chung tay nâng tầm nông sản Việt, Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) đã sáng chế ra những dòng sản phẩm từ nông sản khiến nhiều người thích thú.

Từ nỗi buồn “giải cứu nông sản”

Kể về mối duyên với bún dưa hấu, bánh tráng thanh long, anh Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) - thở dài khi bắt đầu câu chuyện. Anh cho hay, những ngày sau Tết nguyên đán, cứ đi mấy trăm mét anh lại thấy người ta đổ đống dưa hấu và để tấm bảng “giải cứu cho nông dân”. Những trái dưa tươi xanh, căng mọng được bán với giá chỉ vài ngàn đồng.

Mới đầu, anh Toàn mua mấy trăm ký về làm quà tân niên cho nhân viên. Nhìn ánh mắt đượm buồn của người bán, suốt ngày hôm ấy, trong đầu người giám đốc trẻ này xuất hiện hàng loạt câu hỏi: “Tại sao mình không làm gì với dưa hấu hay thanh long, những loại nông sản ngon, lành tính đang bị mất giá thê thảm ngoài kia? Tại sao không thử mang đến trải nghiệm mới cho người tiêu dùng? Bà con mình cực khổ gieo trồng, bán giá vậy sao sống nổi?”.

Hôm sau, mấy trăm ký dưa hấu “giải cứu” được nhập kho, trở thành nguyên liệu cho dòng sản phẩm mới. “Làm bún dưa hấu không đơn giản vì thịt dưa mềm, nhiều nước nhưng có quá nhiều hạt. Hạt dính là bún hư. Nhiều ngày liền tôi và anh em trong công ty ăn bún dưa hấu thay cơm để tìm ra công thức phù hợp nhất”, anh Toàn chia sẻ.

“Tôi muốn cho thị trường thế giới thấy rằng hàng hóa Việt Nam rất nhiều sản phẩm tốt, sáng tạo, an toàn và mức giá vừa phải. Thay vì xuất khẩu thô với mức giá thấp, chỉ cần khéo léo phối hợp chúng ta có thể vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa nâng tầm nông sản Việt”.

Anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Duy Anh Foods.

Bún dưa hấu đã khó cân tỷ lệ, mày mò công thức, bánh tráng thanh long còn vất vả hơn vì loại quả này nhiều hạt, phải xử lý thật khéo nếu không thành phẩm sẽ mất ngon. “Thử, thất bại, rồi lại thử, sau hơn một tuần chúng tôi đã an tâm với màu sắc và chất lượng của hai dòng sản phẩm mới. Đáng mừng là bún dưa hấu cùng bánh tráng thanh long được thị trường khá yêu thích. Chỉ sau khoảng hai tuần ra mắt, hơn 50 tấn bún dưa hấu, bánh tráng thanh long đã được tiêu thụ. Tôi mừng vì có thêm hướng sản xuất mới, thêm giải pháp đồng hành với bà con nông dân”, Giám đốc Duy Anh Foods vui vẻ nói.

Hơn 3 năm qua, anh Lê Duy Toàn đã miệt mài nghiên cứu nhiều công thức mới cho các sản phẩm bún, mỳ, bánh tráng. Anh bảo, gắn bó với từng hạt gạo rồi ngắm nghía cọng bún, sợi mỳ mỗi ngày thấy thương lắm nhưng muốn phát triển, muốn khẳng định vị thế sản phẩm thì phải đổi mới chính mình. Vậy là giám đốc trẻ người gốc Củ Chi quyết định “khoác áo mới” cho sản phẩm truyền thống quê mình. Ban đầu là cải bó xôi, sau dần đến củ dền, cà rốt, bí đỏ, rau chùm ngây, mè đen, trà xanh, củ nghệ, lá dứa… được hòa mình vào bột gạo tạo nên các loại bún, mỳ, bánh tráng đã ngon còn đẹp.

Anh Lê Duy Toàn cùng các sản phẩm được chế biến từ nông sản.

Lúc bắt tay hiện thực hóa ý tưởng, anh Toàn chỉ nghĩ thử nghiệm dăm ba loại cho vui, không ngờ càng làm càng mê. Đến nay, bộ sưu tập bún - mỳ - bánh tráng rau củ của anh đã ngấp nghé con số 20. Món dễ thì vài tuần, món khó có khi thử đi thử lại hơn nửa năm mới ra công thức. Phải loại bỏ hàng ngàn ký bún, mỳ chưa ưng ý cho đến khi “vừa mắt, ưng miệng”. Đã nhiều lúc muốn bỏ cuộc trong hành trình trải nghiệm nhưng nghĩ đến lý do bắt đầu, anh Toàn lại động viên cộng sự cùng nhau đi tiếp. Anh trải lòng: “Tôi thích sản phẩm nguồn gốc tự nhiên nên luôn ưu tiên tỷ lệ rau củ trong từng công thức. Mà ngộ lắm, nghĩ ra cái gì phải triển khai ngay tôi mới chịu. Có khi sáng nghĩ ra, chiều tôi làm thử công thức luôn. Ngày thử mấy lần, máy chạy liên tục, hư thì bỏ, đến khi được mới thôi. Cái khó vẫn là làm sao sử dụng tối đa nguồn rau củ nhập về vì thường mua 100 ký chỉ dùng được mấy chục ký, còn lại hư hỏng, héo khô, tiếc lắm. Đi qua các nước mới thấy, giá như ở mình nông nghiệp được đầu tư bài bản hơn, sản phẩm của người nông dân sẽ có giá trị cao chứ không phải trồng tràn lan rồi “giải cứu” với giá rẻ như cho”.

Tin vào tương lai

Sau bao nỗ lực, “quả ngọt” cuối cùng đã đậu. Không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước, mỗi năm, hàng ngàn tấn sản phẩm bún - mỳ - bánh tráng rau củ quả của giám đốc Lê Duy Toàn còn được xuất khẩu sang 42 quốc gia trên thế giới. Tại những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Toàn thường xuyên nhận được lời khen về độ ngon và tính thẩm mỹ của từng sản phẩm được đầu tư công phu.

“Có những nhà hàng còn làm món cuốn với mỳ rau củ của công ty và đánh giá rất cao, nghe vậy tôi vui lắm. Có thêm động lực, tôi lại tiếp tục nghĩ thêm sản phẩm mới để chinh phục những thử thách mà nghề mang lại.

Du học nước ngoài rồi chọn trở về lập nghiệp tại Củ Chi, Toàn chủ động vận dụng kiến thức mình tích lũy được khi có dịp ghé thăm nhiều quốc gia tiên tiến để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống quê hương. Từ một công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ, sau 10 năm, Duy Anh Foods phát triển đến khó tin. Vậy mà khi nghe ai đó khen giỏi, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, Toàn chỉ cười hiền, nói rằng chắc trời thương. Và dù có mặc sơ mi, quần Tây, dù đi khắp đó đây, Toàn cũng chỉ nhận mình là anh nông dân Củ Chi đi nuôi dưỡng giấc mơ nâng tầm nông sản Việt.

Các sản phẩm được chế biến từ nông sản của Duy Anh Foods đã được xuất khẩu sang 42 quốc gia trên thế giới.

Là người trẻ, Toàn tự mở nhiều lối đi riêng, tự thử thách chính mình dù biết sẽ phải bước qua nhiều trở ngại. Như cách Toàn đưa sản phẩm ra thị trường, thay vì nằm chễm chệ trong các khu trưng bày cao cấp, siêu thị quy mô, Toàn chọn cách đưa hàng đến các tỉnh, thành, các khu chợ, thậm chí là cửa hàng bách hóa. Kênh bán hàng trực tuyến và các thị trường xuất khẩu được mạnh mẽ triển khai, kết nối. Anh lý giải: “Mình làm nông sản mà không tính toán kỹ thì người chịu thiệt là khách hàng. Vì càng vào cửa hàng cao cấp, cộng dồn các khoản phí, giá thành chắc chắn sẽ tăng cao. Tôi muốn khách của mình có được sản phẩm ngon với giá tốt nhất nên chịu cực chút cũng không sao”.

Anh Lê Duy Toàn ấp ủ nhiều kế hoạch sát cánh cùng nông sản Việt.

Sáng tạo nhiều dòng sản phẩm đã mang lại doanh thu ngày càng cao cho công ty, thế nhưng chưa bao giờ anh Toàn “ngủ quên trên chiến thắng”. Mỗi tháng, anh bắt mình phải tự làm mới những sản phẩm hiện có hoặc điều chỉnh mọi thứ dựa trên quá trình “lắng nghe” phản hồi từ khách hàng. Không chỉ được đánh giá cao về chất lượng và màu sắc, quy cách đóng gói, thiết kế bao bì của các sản phẩm do Toàn cùng ê-kíp tạo ra cũng khiến nhiều người thích thú. Thay vì đóng gói đơn giản như nhiều sản phẩm trên thị trường, Toàn chọn những thiết kế bắt mắt, dễ thương và màu sắc tươi sáng để tạo ấn tượng với khách hàng. Nhờ vậy mà ngày càng nhiều cửa hàng hiện đại chọn bày bán sản phẩm của công ty Toàn.

Nghe hỏi về chuyện tương lai, Toàn cười và nói, cứ nỗ lực hết sức và “tự làm khó” mình trong từng dòng sản phẩm mới thôi chứ không mục tiêu gì to tát. Nam giám đốc 32 tuổi đang mày mò nhiều công thức mới kết hợp nông sản có vị thuốc nhằm giúp bún, mỳ, bánh tráng trở thành món ngon hữu ích, nâng cao sức khỏe cho người sử dụng. Việt Nam mình có nhiều nông sản ngon, giá trị dinh dưỡng cao, cả các vị thuốc quý trong tự nhiên, nếu kết hợp hài hòa sẽ là hướng đổi mới sản phẩm rất tốt.

“Tôi đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch cho tương lai. Tôi không vội vàng mà chọn làm từng bước một để sát cánh cùng nông sản Việt, biến nó thành sản phẩm phù hợp với điều kiện sống hiện đại ngày nay. Như vậy mới tăng được tính cạnh tranh. Khi tập trung nghiên cứu, điều tôi nghĩ đến nhiều nhất là làm sao bà con nông dân phải thu về số tiền tương xứng và làm sao nông sản Việt được nhiều nước đánh giá cao thông qua cách làm sáng tạo. Cứ nghĩ đến điều tốt đẹp, tôi tin rồi ai cũng sẽ thực hiện được ước mơ của mình”, anh Lê Duy Toàn chia sẻ./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận