Tây Bắc - khu vực miền núi còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giao thông đi lại cách trở, trình độ dân trí không đồng đều. Đặc biệt, ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt... Ngoài ra, địa bàn Tây Bắc cũng là điểm nóng về tội phạm ma túy, tình trạng di dịch cư tự do. Các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước tìm mọi cách để kích động người dân, tuyên truyền sai lệch về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...
Chính bởi vậy, hoạt động báo chí tại địa bàn được xem như kênh thông tin định hướng và truyền tải đầy đủ, toàn diện những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phản ảnh chân thực hơi thở cuộc sống của đồng bào các dân tộc đến độc giả thông qua các loại hình báo chí đa phương tiện.
Những chuyến công tác dài ngày tại vùng sâu, vùng xa, biên giới cùng đủ thứ đồ nghề tác nghiệp mang theo và chỉ có thể rong ruổi trên những chiếc xe máy cơ động đã trở thành một phần trong công việc của các phóng viên miền núi. Họ phải tự trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng, nghiệp vụ để thích ứng với điều kiện tác nghiệp khắc nghiệt ở vùng cao, cũng như đáp ứng yêu cầu của báo chí hiện đại.
Có những chuyến công tác, phóng viên phải bỏ xe ngoài đường lớn, đi bộ băng rừng, lội suối cả ngày mới đến được địa điểm cần tác nghiệp. Có những đợt rét đậm, nhiệt độ xuống dưới 00C, để phản ánh những thiệt hại do băng tuyết và rét đậm gây ra, các phóng viên đã không quản ngại đến tận các thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa đưa tin; hay những ngày mưa lũ phóng viên phải gồng mình đối diện hiểm nguy, dầm mình trong mưa lũ, vượt qua những đoạn đường trơn dốc, suối lũ dữ dằn để tác nghiệp được những hình ảnh chân thực nhất, song vẫn đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho bản thân.
Với lớp lớp khó khăn ở vùng cao ấy, nên để có những tác phẩm hay, phóng viên vùng cao khi tác nghiệp ngoài bản lĩnh, còn cần tinh thần trách nhiệm song hành./.