Đừng khóc một mình. Bài 4: Phòng chống XHTD trẻ em: Nói hay không bằng hành động ngay

Sự thương cảm của xã hội không thể xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân bị XHTD và gia đình của các em. Điều họ cần nhiều hơn là những giải pháp cụ thể.

 

Gần 20 năm hành nghề, luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty luật Fanci ước lượng mình đã đứng ra là đại diện pháp luật cho hơn 100 đứa trẻ là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Thân chủ của anh, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp cận, theo đuổi hơn 100 vụ việc nhưng LS Nguyễn Văn Tú phải đau xót thừa nhận chỉ có khoảng 15 - 20% vụ việc thành công, kẻ thủ ác bị nghiêm trị. Còn lại phần lớn đều đi vào bế tắc. Nhiều vụ, anh cùng các cộng sự đeo đuổi 4 - 5 năm nhưng vẫn rơi vào vô vọng. Nhưng hôm nay là 1 trạng thái khác. Thông tin từ cơ quan điều tra TP. Hà Nội về vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở huyện Ba Vì như một nguồn động viên cho những nỗ lực mà anh và cộng sự trong suốt hơn 1 năm qua.

LS Nguyễn Văn Tú cho hay: “Đối tượng này làm 4 lần với 2 bé. Cháu bị hiếp đến lúc mang thai và phải đi bỏ. Để có thể lôi vụ việc này ra ánh sáng pháp luật gặp rất khó khăn. Chúng tôi cùng Tổ chức CSAGA phối hợp giúp đỡ gia đình nạn nhân. Cơ quan công an của huyện Ba Vì cũng rất là nỗ lực khi giải quyết các vụ việc này. Sau một thời kỳ dài theo dõi, nằm vùng cuối cùng thì đã đủ căn cứ để khởi tố đối tượng. Đề nghị truy tố theo Khoản 2 Điều 142 hiếp dâm người dưới 16 tuổi thì mức hình phạt sẽ phải đối diện với mức hình phạt từ 12 - 20 năm tù”.

Hy vọng về 1 bản án nghiêm minh, kẻ thủ ác phải được trừng trị sẽ phần nào xoa dịu được những nỗi đau, sự tổn thương mà nạn nhân và gia đình các em ghánh chịu, mang lại hy vọng cho rất nhiều những nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, hành trình đi tìm công lý cho những nạn nhân bị xâm hại tình dục, nhất là trẻ em vô cùng gian nan, tỷ lệ thành công của các vụ án xâm hại tình dục phần nào nói lên thực tế này. Chính vì vậy, để bảo vệ những đứa trẻ là nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã đưa ra thông điệp, đó là cần thực hiện 3 cái nhất: “Chúng ta phải thực hiện 3 “nhất” trong bảo vệ trẻ em. Đó là phải phát hiện nhanh nhất, bất cứ ở đâu, nơi nào xảy ra vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em phải có cách tiếp cận ngay từ đầu. Thứ hai, phải xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Thứ ba là can thiệp nhanh nhất, tốt nhất cho trẻ em”.

3 điểm nhất là bộ trưởng vừa nêu, xét cho cùng cũng chính là niềm mong mỏi của các gia đình có con em bị xâm hại tình dục. Đấy cũng là những giải pháp mà dư luận đang mong chờ từ 17 cơ quan có chung sứ mệnh bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Vậy làm sao để phát hiện nhanh nhất?

Chắc chắn, đầu tiên phải từ chính gia đình của các em. Trước hết, khi phát hiện trẻ bị xâm hại, việc đưa trẻ đi giám định hoặc đến cơ quan chức năng trình báo vụ việc hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế khám sức khỏe là hết sức quan trọng. Việc này rất quan trọng. Chỉ khi có kết quả giám định rõ ràng mới xử lý được tội phạm. Thực tế, cũng có nhiều trường hợp tự thỏa thuận bồi thường thiệt hại với nhau nên không cho trẻ đi giám định y khoa, có trường hợp bị hăm dọa, khống chế, dụ dỗ vật chất. Cá biệt có nhiều trường rút đơn khiếu nại, tố cáo, không hợp tác với cơ quan điều tra vì nhiều lý do khác nhau. Theo LS Nguyễn Văn Tú, việc cùng lên tiếng và không thỏa hiệp là “chìa khóa” để đưa được những kẻ phạm tội ra ánh sáng, lấy lại công bằng cho các em.

LS Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh: “Các phụ huynh, người giám hộ cho trẻ em không nên dung túng cho tội phạm. Một hành vi mà chúng ta thỏa hiệp với tội phạm thì đấy chính là tạo môi trường để cho tội phạm tiếp tục tái phạm. Một tội phạm có thể chỉ vi phạm một lần nhưng nếu chúng ta thỏa hiệp thì rất có thể giúp kẻ tội phạm đấy trở thành bệnh hoạn. Hành vi thỏa hiệp với tội phạm là hành vi mà các bậc phụ huynh, người giám hộ trẻ em nên dứt khoát, trong tư tưởng của mình phải kiên quyết đấu tranh với tội phạm ngay”.

Học đường là chốn tôn nghiêm nhưng thời gian qua rất nhiều vụ xâm hại tình dục nơi này đã chỉ ra những kẽ hở, những khoảng trống ghê sợ, nhất là khi những vụ việc xâm hại tình dục trong trường học thường kéo dài với số lượng nạn nhân không ít, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục, hình ảnh người thầy và tác động tiêu cực đến nhiều thế hệ học trò. Vậy làm gì để học sinh dám lên tiếng trước những hành vi sai trái của người thầy, làm gì để ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trong học đường?. Theo nhà hoạt động xã hội Đặng Hoàng Giang, hơn ai hết, ngành GD cần phải thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình trong từng vụ việc, đồng thời đề ra những giải pháp mang tính khả thi thay vì lý giải cách vòng vo hay đưa ra những giải pháp chỉ nặng trên văn bản mà nhẹ ở thực hiện

Hiện nay, nhiều hành vi liên quan đến xâm hại trẻ em như: sờ mó, cố tình đụng chạm các vùng nhạy cảm của trẻ em chưa đủ các yếu tố để cấu thành tội theo Bộ luật Hình sự. Ðây là những "khoảng trống” pháp lý cần sớm được khắc phục để ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Bà Lê Thị Hoa, Vụ Pháp chế, Bộ Tư pháp cho rằng, sau khi phát hiện các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, vụ việc phải được xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất. Đồng thời đề xuất xây dựng một luật chuyên biệt về phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em

“Những cái luật này hoàn toàn có thể điều chỉnh chúng ta sẽ khắc phục những bất cập về mặt thể chế trong vấn đề về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trong những luật chuyên ngành. Như vậy và khi nghiên cứu các luật của nước ngoài thì chúng tôi thấy rằng, với những luật mang tính chuyên ngành sâu thì chúng ta mới có thể điều chỉnh các quy trình cũng như quy định cụ thể các biện pháp hỗ trợ đối với trẻ em, nạn nhân của những hành vi bạo lực, xâm hại tình dục”, bà Hoa phân tích.

Những bản án nghiêm minh dành cho kẻ thủ ác là điều mà cộng đồng mong mỏi. Những tiếng nói mạnh mẽ của các đại biểu tại mỗi kỳ họp Quốc hội cho thấy cũng nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ để bổ sung vào hình phạt đối với kẻ biến thái, thích xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội Quảng Bình lại cho rằng: “Hình thức thiến hóa học ở các nước đã được thực hiện. Tôi cho rằng nếu trong pháp luật mình đưa hình thức xử phạt này vào thì ít nhất là phải giảm 50% vụ việc xâm hại tình dục của trẻ em trong tương lai. Các bộ, ngành liên quan cần phải nghiên cứu để có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ em bị xâm hại. Cần có sự có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ và có thể ghi hình để sử dụng các loại băng này làm chứng cứ trước khi tòa xét xử. Đòi hỏi cần phải quan tâm đến vấn đề tổn thương đến tâm lý, gây ảnh hưởng đến kết quả điều tra”.

Cuối cùng, làm sao phải can thiệp nhanh nhất, tốt nhất cho trẻ em?

Để làm được điều này, yêu cầu tiên quyết đó là củng cố hệ thống dịch vụ và đội ngũ cán bộ hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, bảo vệ trẻ em theo hướng toàn diện, hiệu quả.

Điều bất cập nhất đó chính là đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức vì chưa có tính chính danh. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cán bộ cấp xã hiện nay không quy định chức danh công chức làm công tác trẻ em. Hầu hết cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã là kiêm nhiệm với khối lượng công việc quá tải. Thực trạng cần phải được thay đổi nhanh chóng. Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phải phối hợp sâu hơn với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để chúng ta tính lại việc bố trí cán bộ làm công tác trẻ em hiện nay đã đúng, đã trúng chưa và có phù hợp hay không? Cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã không thể đảm đương được đầy đủ 11 nhiệm vụ nêu trong Luật Trẻ em, chưa kể đầu mối là cơ quan phối hợp và là nòng cốt trong cơ chế phối hợp này. Trong đó, đặc biệt là cơ chế một cửa để chúng ta thu lượm những thông tin về vụ xâm hại trẻ em để giải quyết tại chỗ ở cấp xã có liên thông với đường dây nóng 111 như thế nào. Việc này rất quan trọng và cần thiết, rất mong chúng ta quan tâm”.

Chúng ta không thể vẽ cho trẻ về ngôi nhà cổ tích, về câu chuyện cổ tích quá long lanh giữa một môi trường còn quá nhiều cạm bẫy. Đối với trẻ đã hứa thì phải làm, thương yêu thì phải hành động, bảo vệ trẻ thì phải mạnh mẽ và chắc chắn việc nghiên cứu xây dựng Luật Phòng, chống xâm hại trẻ em cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm trong tương lai gần.

Chúng ta nợ trẻ một thời thơ ấu an toàn. Chúng ta cần chung tay xây dựng môi trường an toàn cho trẻ lớn lên. Đây là tiếng nói của lương tri, đồng thời cũng là mệnh lệnh để mỗi người lớn chúng ta cùng hành động./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận