Trải qua 75 năm phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn đồng hành và là người bạn thân thiết của bà con vùng cao Sơn La. Những thông tin mà Đài TNVN truyền tải đã đến với các bản làng vùng cao, giúp bà con nắm bắt thông tin trong và ngoài nước, cách làm ăn, phát triển kinh tế...
Ở tuổi 85, cụ Lò Văn Mộc ở bản Đen, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La không nhớ rõ mình đã gắn bó với chiếc đài nhỏ từ lúc nào. Chỉ biết mỗi lần đi làm vườn, làm nương mà không được nghe những chương trình phát thanh của Đài, được phát từ hệ thống loa phát thanh đặt tại các điểm trung tâm xã, là cụ lại cảm thấy trống vắng lắm.
Cụ Mộc kể: Mỗi khi nghe Đài, biết về những thành tựu của đất nước đổi mới; biết được nhiều nơi có cách làm ăn hay là cụ rất phấn khởi. “Tôi thích nghe tình hình thời sự trong nước. Tôi thích nhất những chương trình ngày Tết, ngày Lễ giúp chúng ta ôn lại những thời khắc lịch sử ngày xưa, những ký ức ngày xưa”, ông Mộc bày tỏ.
Xã Mường Chanh hiện có 6 hệ thống loa đài phát thanh, được đặt tại các vị trí trung tâm, giúp người dân dù ở nhà hay trên nương, làm rẫy cũng có thể nghe được các chương trình phát thanh của Đài. Từ các chương trình phát thanh tiếng Mông, tiếng Dao, tiếng Thái gần gũi, bà con trong xã, trong bản đã dễ dàng tiếp nhận được nhiều thông tin hữu ích, cũng như nâng cao kiến thức để phát triển mô hình kinh tế của gia đình… Qua đó góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã theo tiêu chí mới chỉ còn 2,72%, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm.
Ông Lò Văn Nhất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Chanh chia sẻ: “Chương trình của Đài về số lượng lượt người nghe thì ngày càng nhiều và những thông tin rất là thuận tiện; người dân lúc đi làm thì vẫn làm được việc mà vẫn nghe được các chương trình của Đài phát thanh. Bà con ở đây chủ yếu là dân tộc Thái nên rất mong Đài sẽ tiếp tục phát những chương trình tiếng Thái, tức là thời lượng phát sóng chương trình tiếng Thái nhiều hơn”, ông Nhất nhấn mạnh.
Không ngừng đổi mới và phát triển, với ứng dụng đa phương tiện VOV Media được cập nhật phiên bản thường xuyên giúp khán thính giả, độc giả ở nơi xa không chỉ nghe qua Radio mà bằng điện thoại, máy tính… có thể nghe tất cả các chương trình trên các hệ phát thanh, xem các kênh truyền hình, báo điện tử.
Anh Hà Duy Thành, ở bản Nong Ảng, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La cho biết: “Bây giờ mình tải phần mềm VOV Media về thì mọi thứ thuận lợi hơn rất là nhiều, cầm theo cái điện thoại rồi cắm tai nghe vào là vừa làm nương vừa nghe Đài, có thể chọn được những chương trình mình yêu thích hay là cái gì mình chưa xem thì có thể nghe lại được, nói chung là bây giờ mình cảm thấy tiện hơn rất là nhiều”.
Đổi mới, sáng tạo, điển hình là việc xây dựng mô hình Cơ quan truyền thông đa phương tiện, với 4 loại hình báo chí: Phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo viết, Đài Tiếng nói Việt Nam là gười bạn gần gũi, tin cậy của công chúng, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa./.
Trấn Long/VOV-Tây Bắc