Tuy mới đưa vào hoạt động gần 2 năm, nhưng nhà Dưỡng lão tình thương Thanh Bình, tại ấp Trường Xuân A, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã thể hiện được ý nghĩa nhân văn sâu sắc; giúp cho nhiều cụ cao tuổi neo đơn, không người phụng dưỡng có cuộc sống vui, sống khỏe tuổi già.
Bà Dương Nguyệt Anh 79 tuổi, ở phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, không có chồng con, trước đây phải đi bán từng vé số lẻ để nuôi thân. Từ ngày vào ở nhà Dưỡng lão tình thương Thanh Bình, cuộc sống rất an nhàn, khỏi phải vất vả đi bán vé số như trước đây nữa. Bà Dương Nguyệt Anh chia sẻ: “Vô đây tôi thấy vui, yên tâm, thoải mái lắm. Tôi còn được ăn uống đầy đủ hơn ở nhà. Tôi thích vô ở đây hoài”.
Nhà Dưỡng lão tình thương Thanh Bình do Giáo Phận Mỹ Tho đầu tư xây dựng và hoàn thành, đưa vào hoạt động từ tháng 11/2018. Nơi đây có 12 phòng, đang phục vụ nuôi dưỡng cho 16 cụ cao tuổi từ các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp. Cụ lớn nhất là 84 tuổi, người thấp nhất là 55 tuổi, đa số là các trường hợp cô đơn, không nơi nương tựa, trong đó có 3 cụ trên 80 tuổi bị bệnh tật phải nằm tại chỗ.
Dù các cụ, các bác có hoàn cảnh khác nhau, nhưng vào ở nhà Dưỡng lão tình thương Thanh Bình đều có chung tình thương yêu, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, xem đây là mái nhà chung. Các cụ vào ở nơi đây đều được miễn phí hoàn toàn; mỗi ngày, đều được ăn uống, sinh hoạt đầy đủ tiện nghi, với mức chi khoảng 40.000 đồng/người. Nguồn kinh phí này do Giáo Phận Mỹ Tho cung cấp.
Điểm nổi bật của nhà Dưỡng lão tình thương Thanh Bình là xây dựng trên diện tích đất vườn khá rộng rãi, khang trang, sạch đẹp như một khu nghỉ dưỡng. Khi bệnh đau, các cụ, các bác được các nhân viên phục vụ chăm sóc ân cần, các trường hợp bệnh nặng được đưa đến bệnh viện điều trị. Cô Trần Thị Lê Xuân, 55 tuổi, quê ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cũng có hoàn cảnh neo đơn đã tình nguyện đến ở và phục vụ tại nhà Dưỡng lão tình thương Thanh Bình.
Cô Xuân cho biết, bản thân có cùng cảnh ngộ nên thấu hiểu tâm tư, tình cảm của các cụ và xem họ như người thân trong gia đình. “Tôi có nguyện vọng muốn giúp các bà, các cụ nên khi được làm việc ở đây tôi thấy rất vui. Vào đây sống cùng chị em, có quý sơ thấy cũng vui, vì nhà tôi chỉ có mỗi mình”, cô Xuân chia sẻ.
Ở thời điểm này, nhà Dưỡng lão tình thương Thanh Bình có 3 cán bộ, nhân viên phục vụ. Công việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tuy có khó khăn, nhất là các cụ, các bác thường xuyên mắc bệnh; nhưng bằng tình thương yêu, sự cảm thông, chia sẻ đã góp phần đưa hoạt động nơi đây ổn định. Bà Nguyễn Thị Phấn, Phó Giám đốc Nhà dưỡng lão tình thương Thanh Bình tâm sự: “Tập thể ở đây sống rất vui vẻ. Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi chăm sóc những người bệnh tật. Và nhận thấy họ cũng cảm nhận được tình thương của mình dành cho họ. Người già họ dễ mặc cảm lắm, nên cán bộ và nhân viên trong này càng phải tế nhị hơn”.
Nhà Dưỡng lão tình thương Thanh Bình nằm trong hẻm sâu của vùng nông thôn, dù điều kiện vật chất, kinh phí hoạt động còn hạn hẹp nhưng sẵn sàng giang tay chào đón các cụ, các bác có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện chương trình “toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi” do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động. Hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi nơi đây, đã thắp lên ngọn lửa yêu thương, nồng ấm tình người./.
Nhật Trường/VOV-ĐBCSL