Lính cứu hoả phi trường Tân Sơn Nhất kể chuyện cứu tàu bay

Môi trường tác chiến khắc nghiệt tạo cho Đội chữa cháy khẩn nguy tại Sân bay Tân Sơn Nhất sự bản lĩnh, chuyên nghiệp trong ứng biến với mọi tình huống.

 

Nhiệm vụ đặc thù, môi trường tác chiến khắc nghiệt đã tạo cho những cán bộ chiến sĩ ở Đội chữa cháy khẩn nguy tại Sân bay Tân Sơn Nhất sự bản lĩnh, chuyên nghiệp trong ứng biến với mọi tình huống của sự cố hàng không.

Công việc vất vả và đầy áp lực

Chúng tôi có dịp tác nghiệp tại cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất một ngày cuối tháng 9/2020, may mắn hơn là được chứng kiến thực tế kíp trực tại đây xử lý tình huống một tàu bay khởi hành từ TP. Vinh đến sân bay Cam Ranh, nhưng bị sự cố phải chuyển hướng đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Khi nhận được tin báo sự cố, chỉ trong vài giây, toàn bộ kíp trực đã có mặt trên xe chuyên dụng tiến ra vị trí sẵn sàng đón tàu bay. Những ánh mắt dõi theo về phía bãi đáp chờ lệnh của Đài không lưu. Áp lực và căng thẳng chỉ vơi đi khi điện đàm thông báo máy bay chỉ bị sự cố nhẹ và đáp xuống đường băng an toàn.

1.	Anh Huỳnh Hoàng Lâm (bên trái) cùng đồng nghiệp xử lý tình huống  tàu bay báo tin gặp sự cố.

Anh Nguyễn Hoàng Thiện, lính cứu hoả, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chia sẻ: Khác các đội chữa cháy địa phương, mỗi tháng có thể xử lý hàng chục vụ cháy nổ, sự cố công trình, còn tại sân bay các sự cố cháy nổ ít nhưng cường độ sẵn sàng lại rất cao, mật độ thông tin tàu bay báo cáo sự cố cũng khá nhiều… Để đảm bảo an toàn cho tàu bay và hành khách, thì bất kể tình huống nào, thời tiết khó khăn ra sao, quy mô lớn hay nhỏ, các kíp trực đều luôn phải có mặt ở các vị trí đón tàu bay.

Anh Thiện kể lại, cách đây không lâu, tàu bay của Eva Airline khi chuẩn bị cất cánh từ đường băng góc 25 trái, còn kíp trực đang tập thể lực thì một tiếng nổ lớn phát ra từ đường băng. Kíp trực đã tức tốc có mặt khu vực tàu bay đang bốc khói mù mịt. Và anh là người tiếp cận tàu bay để đánh giá tình huống. Đó cũng là một trong số vụ việc để lại trong anh trong suốt 12 năm gắn bó với công việc này. “Khi đó tôi được phân công làm trinh sát, mặc đồ Amiang, tôi trực tiếp tiếp cận khu vực bốc khói, xác định máy bay bị nổ lốp, những phần lốp bị vỡ ra bắn lên làm rách cánh tà của tàu bay, rất may mắn là không có cháy nổ”, anh Thiện nhớ lại.

Đội Cứu hoả khẩn nguy tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Lính cứu hỏa khẩn nguy ở sân bay, vì đặc thù nên ít được nhiều người biết tới. Một công việc vất vả và đầy áp lực, mỗi lần trực tiếp tham gia xử lý sự cố của những người lính cứu hoả nơi đây là những khoảnh khắc đáng nhớ. Khi phải đấu trí, đấu lực với thời gian và trong từng tình huống, mỗi người lính cứu hỏa của Đội chữa cháy khẩn nguy Tân Sơn Nhất đều không cho phép mình sai sót trong từng thao tác.

Anh Huỳnh Hoàng Lâm, Đội phó phụ trách Đội chữa cháy khẩn nguy, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, người có thâm niên 20 năm gắn bó với công việc chữa cháy cứu nạn chia sẻ: “Khác với đội chữa cháy bên ngoài, những đội địa phương khi nhận báo cháy và di chuyển có thể gặp tình huống giao thông, kẹt xe. Nhưng riêng ở trong này, tối đa chỉ 2p30s phải có mặt nếu ở điểm xa nhất của sân bay. Chúng tôi phải luôn đáp ứng được tiêu chuẩn này, bỡi đây là đội chữa cháy đặc thù”.

Sự hy sinh thầm lặng

Ngoài việc trực chiến các tình huống khẩn nguy, kèm theo đó các thành viên của đội, còn phải trực dịch vụ hằng ngày, như: thử động cơ, trực nạp dầu, xử lý dầu tràn và nhiều công việc khác.

Anh Nguyễn Hoàng Thiện chia sẻ chuyện tác nghiệp.

Sau mỗi ca trực khẩn nguy an toàn bay, họ cùng san sẻ những khó khăn của nhau, bởi phần lớn thời gian đều phải dành hết cho công việc. 60 người - quân số không phải nhiều nhưng phải đảm nhiệm rất nhiều công việc đặc biệt, xuyên suốt với cường độ cao nên hầu hết anh em đều thường xuyên có mặt ở đội. Những khoảnh khắc sinh hoạt tập thể, vui chơi thể thao luôn giúp từng thành viên thêm gắn bó và yêu nghề hơn. Anh Mai Tấn Đạt, lính cứu hoả tại đây bộc bạch: “Sau những tình huống khẩn nguy, anh em cũng có tạo ra những trò chơi, thể thao vui vẻ, lành mạnh để quên đi mệt nhọc. Làm việc với nhau nhiều năm, thời gian ở nơi làm việc nhiều hơn ở nhà nên anh em có nhiều kỷ niệm, coi nhau như người thân trong gia đình. Mỗi khi có người nào đó về hưu, khi chia tay thấy rất vương vấn. Nói đúng là thật sự là anh em tụi tôi gần gũi nhau, thời làm việc nhiều hơn thời gian ở nhà”.

Với người lính cứu hỏa ở sân bay, đây là nhiệm vụ hiểm nguy nhưng cũng là một công việc đầy tính nhân đạo, nhân văn và cao cả. Sự hy sinh thầm lặng ấy góp sức cho sự an toàn của mỗi chuyến bay và giúp họ luôn tỏa sáng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận