Là đơn vị tiên phong trong phẫu thuật thay khớp thái dương hàm nhân tạo cả 2 bên cho bệnh nhân, khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã làm chủ kỹ thuật, giúp phục hồi thẩm mỹ và nhiều chức năng cho người bệnh.
Phục hồi chức năng ăn nhai, nói và thẩm mỹ
Nhìn bệnh nhân L.V.C, 26 tuổi, ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa tươi tỉnh, vừa tự tin đi lại trong phòng bệnh vừa soi gương ngắm nhìn khuôn mặt mình sau phẫu thuật 9 ngày, khiến người thân thấy vui lây.
Là người đầu tiên đưa kỹ thuật này vào Việt Nam và trực tiếp phẫu thuật cho C, PGS.TS Lê Văn Sơn, nguyên Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, BV Răng hàm mặt T.Ư cho biết, bệnh nhân (BN) L.V.C bị thiểu sản xương hàm dưới 2 bên, khiến cằm lùi sâu vào phía sau (xương hàm dưới teo lại nên những BN này thường có bộ mặt hình chim). Nguyên nhân có thể do bị ngã từ bé, gãy chỏm lồi cầu xương hàm dưới. Do không được điều trị đúng và tập luyện phục hồi chức năng, dẫn đến khớp thái dương hàm (TDH) mất tác dụng và bị dính nên BN gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Trước đó, năm 2010 và 2013, BN này đã phẫu thuật tạo hình khớp xương hàm 2 bên ở BV 108 nhưng không cải thiện được nhiều, BN vẫn không đạt được chức năng nhai cũng như cải thiện về mặt thẩm mỹ. “Khi cầu lồi và ổ chảo dính lại với nhau, khớp xương hàm dưới không vận động được, sẽ rối loạn toàn bộ phần ăn nhai, đặc biệt khả năng nói sẽ mất dần do không thể há miệng. Việc BN phẫu thuật với hy vọng tạo ra khớp giả nhưng chỉ được một thời gian lại dính lại. Với trường hợp gãy chỏm cầu lồi xương hàm dưới rất khó dùng vật liệu để cố định mà phải cắt sâu phần dưới và tái tạo hàm mới bằng khớp TDH nhân tạo mới có thể đảm bảo các chức năng ăn nhai”, PGS Sơn phân tích.
Các bác sĩ khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện thay khớp thái dương hàm 2 bên cho bệnh nhân vào ngày 13/11
“Nhìn khuôn mặt và chức năng ăn nhai của con trai được cải thiện hơn trước rất nhiều, chúng tôi rất vui mừng, chỉ biết cảm ơn đội ngũ y bác sĩ nơi đây”, ông L.V.H, bố của BN xúc động nói thêm: “Hy vọng sau này con tìm kiếm được hạnh phúc và tiếp tục một tương lai tốt đẹp”.
PGS.TS Lê Văn Sơn cho biết, trước đây, do 2 hàm dính chặt vào nhau, nên mỗi bữa BN phải dùng tay cố nhét mới được một chút thức ăn. Vì vậy 2 hàm răng bị gãy và tổn thương nhiều. Sau khi tập há miệng và ăn uống tốt trở lại, BN sẽ được phục hồi bằng răng giả giúp ăn nhai và thẩm mỹ.
Thay khớp TDH được chỉ định cho trường hợp nào?
Thay khớp TDH nhân tạo cả 2 bên là một kỹ thuật khó được thực hiện đầu tiên ở BV ĐH Y Hà Nội. Khớp TDH là một trong những khớp động phức tạp nhất của cơ thể; diện khớp gồm ổ chảo xương thái dương, đĩa khớp và lồi cầu xương hàm dưới. Xung quanh ổ khớp có các dây chằng và hệ thống cơ nhai bám vào. Hai khớp TDH độc lập với nhau về giải phẫu nhưng hoạt động phối hợp với nhau để thực hiện chức năng ăn nhai. Vì vậy, khi bị tổn thương hay mất một hoặc hai bên khớp TDH người bệnh sẽ khó nhai hoặc khó há miệng, và việc phẫu thuật tái tạo những trường hợp này rất phức tạp.
Mặt khác, quanh vùng TDH cũng là nơi tập trung các cấu trúc giải phẫu quan trọng như: các mạch máu lớn, dây thần kinh, tuyến nước bọt mang tai…. Do đó việc phẫu thuật cũng có nguy cơ xảy ra tai biến cao. Tuy nhiên, các bác sĩ Khoa Răng hàm mặt, BV ĐH Y Hà Nội đã thực hiện thành công ca phẫu thuật đầu tiên bằng vật liệu nhân tạo (bên trái) vào tháng 11/2015 cho BN nam D.V.A khi ấy 57 tuổi ở Bình Phước. Trước đó khoảng 10 năm, BN thấy sưng má trái, đi khám ở BV Ung bướu Sài Gòn, bác sĩ kết luận bị u nang xương hàm dưới, phải mổ. Nhưng cứ sau 1 - 2 năm cái u lại tái phát, anh D.V.A phải mổ đi mổ lại 5 lần. May mắn, anh A được bạn bè mách ra khám ở BV ĐH Y Hà Nội thì được áp dụng kỹ thuật tiên tiến này. Qua điện thoại, tôi thấy giọng anh rõ ràng, tròn vành rõ tiếng và rất phấn chấn khi các chức năng ăn nhai được cải thiện rõ rệt. Anh A cho biết: “Trước khi được tái tạo khớp TDH bên trái, việc ăn nhai của tôi gặp nhiều khó khăn do há miệng bị lệch và sai khớp cắn. Bất tiện nhất là mỗi khi đi ăn uống cùng bạn bè tôi phải cắt nhỏ thức ăn rồi thả vào bát nước húp. Đến nay, sức khỏe của tôi tốt hơn nhiều và đi ăn cùng bạn bè thoải mái”.
Theo PGS Lê Văn Sơn, chỉ định phẫu thuật thay khớp TDH rất đa dạng như dính khớp TDH, thiếu lồi cầu sau cắt bỏ u hay bẩm sinh, các bệnh lý khớp TDH không hồi phục, gãy lồi cầu không có chỉ định bảo tồn. Hiện, chúng ta đã làm chủ được kỹ thuật thay khớp TDH, giúp BN có thể phục hồi chức năng gần như người bình thường. Tuy nhiên, PGS Sơn còn nhiều điều trăn trở khi tại nước ta kỹ thuật này chưa được BHYT chi trả nên còn hạn chế cho người thụ hưởng. “Với BN trẻ tuổi bị dính khớp TDH nếu không được tái tạo và phục hồi chức năng thì tương lai sẽ ra sao khi khả năng giao tiếp bị hạn chế. Vì vậy, tôi mong rằng, trong thời gian tới, phẫu thuật thay khớp TDH sẽ được BHYT chi trả một phần giống như việc BHYT chi trả cho phẫu thuật thay khớp gối và khớp háng”, PGS.TS Lê Văn Sơn đề xuất./.
“Giá trung bình vật liệu khớp TDH nhân tạo của các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Anh… khoảng 40.000 USD/hàm, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 7.000 USD/hàm. Khi người bệnh phát hiện có dấu hiệu bất thường về ăn nhai, đau khớp TDH nên đi khám ở chuyên khoa răng hàm mặt để điều trị đúng và kịp thời”, PGS.TS Lê Văn Sơn |