Biến chứng khó lường từ bệnh gút

Khi bệnh chuyển sang mãn tính, nếu không tuân thủ việc điều trị, gút tái đi tái lại sẽ tàn phá cơ thể, gây tổn thương các cơ quan như: tim, gan, thận, khớp.

 

Bệnh gút (gout) không chỉ ảnh hưởng đến chức năng vận động mà còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe nếu không được chữa trị đúng.

Bệnh mạn tính nguy hiểm

Nếu như trước đây, bệnh gút thường xảy ra ở nam giới tuổi trung niên trở lên, thì những năm trở lại đây bệnh này càng có xu hướng trẻ hóa do thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Theo TS.BS Vũ Thị Thanh Hoa, khoa Nội Cơ, Xương, Khớp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gút là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa nhân purin (chất đạm) làm tăng nồng độ axit uric trong máu, dẫn đến lắng đọng tinh thể muối urat tại các khớp, gây triệu chứng lâm sàng như sưng tấy, nóng, đỏ, đau. Hậu quả gây ra viêm khớp, thường là các khớp nhỏ ở đầu gối, mắt cá chân, bàn chân và nhất là ở đầu ngón chân cái. Khi bị cơn gút cấp, bắt buộc bệnh nhân (BN) phải gặp bác sĩ chuyên khoa về cơ xương khớp để được tư vấn về tình trạng bệnh của mình, từ đó kiểm soát được bệnh. Nếu không, từ cơn cấp, bệnh rất dễ trở thành mãn tính.

Hậu quả của gút gây ra viêm khớp, thường là các khớp nhỏ ở đầu gối, mắt cá chân, bàn chân và nhất là ở đầu ngón chân cái.

“Hiện nay, phần lớn BN khi đến BV108 thì đã có nhiều biến chứng nguy hiểm. Mà nguyên nhân là do đa phần BN tự mua thuốc về dùng hoặc điều trị bằng thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, trong những thuốc này thường có thêm một thuốc giảm đau chống viêm steroid (có tên gọi là corticoid). Chính việc người bệnh lạm dụng coticoid, đặc biệt trong giai đoạn gút cấp rất phổ biến, dẫn đến một loạt các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, gây tăng axit uric, tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, teo cơ dưới da… Khi bệnh chuyển sang mãn tính, nếu không tuân thủ việc điều trị, gút tái đi tái lại sẽ tàn phá cơ thể rất kinh khủng. Nó sẽ gây tổn thương các cơ quan như: tim, gan, thận, khớp. Vì thế, những BN này thường có biểu hiện biến chứng của bệnh như sỏi thận, suy thận mạn tính, dính và biến dạng khớp gây tàn tật, phá hủy xương hoặc biến chứng của việc lạm dụng thuốc corticoid như hội chứng Cushing (như mặt tròn, da mỏng, vỡ mạch, có nhiều nốt thâm dưới da, tăng huyết áp, đái tháo đường…)”, TS.BS Thanh Hoa cho hay.

Lạm dụng corticoid và điều trị gút không đúng sẽ gây biến chứng lở loét, hoại tử và gây tổn thương tim, gan, thận, khớp...

Theo TS.BS Vũ Thị Thanh Hoa, BN mãn tính bị tái phát nhiều lần thường xuất hiện các hạt gút (hạt to-phi) ở các vùng tì đè như khớp, bàn chân, ngón chân, khuỷu tay… Chỉ cần một va chạm nhỏ, khiến hạt gút bị rò rỉ vỡ ra, làm vết thương khó liền thì nguy cơ nhiễm trùng tại vị trí đó và lan ra toàn thân là khó tránh khỏi. “Vì các vết loét thường nằm ở các vùng thấp, vùng có hạt to-phi môi trường axít, trên nền cơ địa các BN gút thường suy giảm miễn dịch nên rất khó liền, càng làm tăng yếu tố bệnh nặng, nó tạo nên “vòng xoắn bệnh lý” khó phá vỡ. Đã có BN phải cưa chân để cứu mạng”, bác sĩ Hoa cảnh báo.

Ăn uống, vận động đúng để kiểm soát bệnh

Ông N.V.L (60 tuổi ở Hà Nội), bị gút đã 20 năm, ngón tay, đầu gối đều sưng vù. Đặc biệt, 2 bàn chân của ông lở loét, biến dạng. Ông đã dùng rất nhiều loại thuốc, từ bột tán, thuốc nam, thuốc bắc… nhưng bệnh mỗi ngày một nặng. Mỗi lần cơn đau ập đến khiến ông đau đớn, đi lại khó khăn ông lại phụ thuộc vào corticoid… Ông vào BV108 điều trị 2 tháng, mới giải quyết được phần không bị nhiễm trùng.

TS.BS Vũ Thị Thanh Hoa thăm khám cho bệnh nhân gút tại BV108.

“Những BN có biến chứng vỡ hạt gút và chịu ảnh hưởng của việc lạm dụng corticoid đến đây chỉ với 1 ao ước “làm thế nào cho những vết loét liền lại” - một ao ước mà đến bác sĩ cũng phải ao ước, bởi khi vùng loét không còn các tổ chức mạch máu để nuôi dưỡng thìlàm sao mà lành được. Những BN may mắn không bị cưa chân và nhiễm trùng toàn thân cũng là nỗ lực của bác sĩ”, TS.BS Thanh Hoa chia sẻ.

Dù mỗi lần khám sức khỏe định kỳ, anh B.V.N (40 tuổi, ở Hà Nội) đều được bác sĩ cảnh báo tình trạng dư thừa cholesterol và axit uric. Nhưng do công việc thường xuyên phải tiếp khách và bia rượu nên anh không tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh như lời khuyên của bác sĩ. Cách đây 1 tuần, anh thấy triệu chứng sưng, nóng đỏ các khớp chân, gan bàn chân và cấp độ đau tăng dần, phải đi tập tễnh. Đến khi đau nhức quá, không thể chịu nổi, các bạn anh bảo anh bị gút, ra hiệu thuốc mua vài liều về uống là khỏi. Nhưng vợ anh bắt phải đi khám, làm xét nghiệm để biết tình trạng bệnh.

“Từ bé tới giờ tôi chưa bao giờ bị đau như này. Mỗi lần chạm vào bàn tay, bàn chân, các khớp có cảm giác như hàng ngàn mũi kim đâm vào mà không làm thế nào để gãi và xoa cho dịu bớt. Tôi thấy khiếp sợ khi cơn đau kéo lên căng hết não mà càng về đêm càng kéo dài. Cũng may, sau 2 ngày nhập viện, tôi được tiêm, truyền thì tình trạng cải thiện rõ rệt. Khi vào BV108, chứng kiến những BN khác đau đớn, sưng tấy, biến dạng và hoại tử, tôi mới thấm thía và nghĩ rằng, chỉ có ai đã trải qua cơn đau như thế mới biết sợ”, anh N chia sẻ.

BN gút không nên ăn: Các loại thịt đỏ, nội tạng, thủy hải sản; Bia, rượu, đồ uống nhiều đường; Tránh ăn thức ăn lên men như nem chua, dưa hành củ kiệu,… để giảm nguy cơ kết tinh urát ở thận; Hạn chế các loại thực phẩm giàu tinh bột chưa qua tinh chế như cơm, bánh mì, bánh quy… BN nên chọn nguồn thực phẩm giàu protein từ thực vật như trứng, các loại đậu và các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, lúa mạch…; Ăn nhiều trái cây tươi, đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, quýt…; Tăng cường bổ sung rau xanh vào chế độ ăn uống hằng ngày, đặc biệt là súp lơ xanh, cần tây…; Uống nước khoảng 40ml/kg/ngày.

TS.BS Hoa cho biết, sau đợt viêm cấp đầu tiên này, nếu BN điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt thì bệnh sẽ ổn và không tái phát. “Sau cơn gút cấp này sẽ phụ thuộc vào BN chứ không phải bác sĩ. Vì gút cấp, đôi khi BN không cần dùng thuốc cũng có thể hết đau nếu ngừng uống rượu bia; người bệnh cần uống nhiều nước để thải bớt lượng axid uric trong cơ thể; tuân thủ chế độ ăn uống phù hợp và tập luyện điều độ như bơi lội, đạp xe chứ không nên có các động tác vận động đối lực quá mạnh”, TS Hoa lưu ý./.

Lưu Hường

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận