Thông báo về tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các đơn vị đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm và sản xuất.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm đảm bảo đúng yêu cầu đề ra về tiến độ, chất lượng, an toàn… Song song với hướng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước, Bộ Y tế cũng đang triển khai đàm phán với các đối tác nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian trong cuộc nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine. Chúng tôi vừa qua đã có cuộc họp cuối cùng với các đơn vị sản xuất vaccine, theo đó có những tạo điều kiện cho các đơn vị này”.
Tại Việt Nam hiện nay có 4 đơn vị nghiên cứu và phát triển vaccine Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN. Trong đó, vaccine do NANOGEN phát triển đã trải qua tất cả các thử nghiệm về độ an toàn và test thử thách – là test rất khó mà Việt Nam chưa từng thực hiện. Tuy nhiên, do dịch bệnh khiến Việt Nam không thể phối hợp với các nước. Do vậy, Hội đồng Y đức và Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế quyết định đánh giá lại và giao cho Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ- đơn vị có an toàn sinh học cấp 3 để test thử thách vaccine trên chuột hamster, với kết quả thu về khả quan.
“NANOGEN đã sản xuất 5.000 liều vaccine và đã được Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm (Bộ Y tế) cấp phép cho thử nghiệm. Sau khi Hội đồng Y đức và Bộ Y tế tiến hành họp đánh giá và cho phép tiến hành thử nghiệm vaccine trên người, theo đó, kêu gọi tình nguyện viên tham gia từ ngày 10/12”, ông Long thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giai đoạn thử nghiệm này dự kiến giao cho Học viện Quân y tiến hành và tập trung thử tính an toàn, còn tính miễn dịch vẫn chưa đủ cỡ mẫu lớn để đánh giá. Giai đoạn 3, vaccine sẽ được thử nghiệm trên diện rộng.
“Chúng tôi đang trao đổi tích cực với 3 nước Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia để phối hợp, tiến hành thử vaccine. Tại Việt Nam không có dịch lây nhiễm trong cộng đồng nên chỉ có thể thử vaccine trên một nhóm. Ngày 10/12, chúng tôi sẽ chính thức tuyển chọn người tình nguyện tham gia thử vaccine. Sau đó sẽ gối đầu giai đoạn 2 và tiến hành giai đoạn 3, để đẩy nhanh tiến độ trong thử nghiệm vaccine, nhưng vẫn đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về mặt chuyên môn và chỉ rút ngắn về mặt hành chính”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Trong khi đó, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) - là một trong những đơn vị có truyền thống sản xuất vaccine, đã phối hợp với các nước, đặc biệt là với Ấn Độ, Mỹ và Serbia trong nghiên cứu đa trung tâm, để sản xuất vaccine trên trứng gà có phôi. Đến nay, IVAC đã hoàn thành giai đoạn 1 và sản xuất được 200.000 liều vaccine. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đa trung tâm, kết hợp với các nước trên thế giới, do vậy khi thử vaccine phải thử đồng bộ tại tất cả các điểm. Theo đó, tiến độ thử nghiệm vaccine sẽ bắt đầu từ tháng 2/2021.
Với vaccine của VABIOTECH, sử dụng phương pháp giống của Nga. Bộ Y tế đang rà lại toàn bộ quy trình và đánh giá lại để cho phép tiến hành những test thử thách ở trong nước. Theo tiến độ, vaccine sẽ được thử giai đoạn 1-2 ở trên người vào ngày 1/3/2021.
Với POLYVAC, Bộ Y tế cũng đã giao đơn vị này phối hợp với các nước trong thử nghiệm vaccine.
“Mặc dù đã rất cố gắng và đã rút ngắn thời gian có thể, chúng ta nếu thử vaccine giai đoạn 1-2-3 thuận lợi, thì cũng phải đến Quý II năm 2022 mới cung ứng rộng rãi trên thị trường. Không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng sẽ mất khoảng một năm cho vaccine. Do vậy, chúng tôi kiến nghị vẫn phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh./.
Theo VOV.VN