Tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán hội chứng ngừng thở khi ngủ

Đo đa ký giấc ngủ là thủ thuật không xâm lấn, được coi là tiêu chuẩn 'vàng' trong chẩn đoán và điều trị chính xác hội chứng ngừng thở khi ngủ.

 

Hội chứng ngừng thở khi ngủ được coi là sát thủ thầm lặng. Việc chẩn đoán đúng để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp là rất quan trọng.

Ai có nguy cơ ngừng thở khi ngủ?

Theo Ths.Bs Phan Thanh Thủy - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, ngừng thở khi ngủ là hội chứng ngày càng phổ biến và được coi là sát thủ thầm lặng. Hội chứng này chỉ xuất hiện khi ngủ nên các biểu hiện bệnh thường khó phát hiện và hay bị bỏ sót. Rối loạn giấc ngủ như ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ, mất ngủ, ngủ rũ… lâu dần sẽ để lại rất nhiều biến chứng như: mất tập trung, giảm trí nhớ, gây tai nạn giao thông, đau thắt ngực, đột tử trong đêm… Một trong những biến chứng lâu dài của hội chứng ngừng thở khi ngủ là gây ra những rối loạn chuyển hóa, tăng nguy cơ cao huyết áp, bởi khi có hiện tượng ngừng thở và giảm oxy trong máu sẽ gây ra các stress làm tăng các biến cố tim mạch và các bệnh rối loạn chuyển hoá tăng nặng như đái tháo đường kháng insulin…

Bác sĩ Thanh Thủy thăm khám và tư vấn cho người bệnh.“Có những BN mắc hội chứng này mặc dù ban đêm ngủ đủ 8 tiếng, nhưng đến sáng hôm sau vẫn rất buồn ngủ, BN lái xe, dừng đèn đỏ 15-20 giây cũng có thể buồn ngủ, thậm chí ngủ gật. Trên các phượng tiện thông tin đại chúng, đôi khi chúng ta thấy những trường hợp tai nạn giao thông do tài xế đang lái xe mà ngủ gật, gây tai nạn thì rất có thể bác tài ấy mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ”, Bs Phan Thanh Thủy nhấn mạnh.

Bs Thanh Thủy cho biết, trước đây khi chưa có biện pháp đo đa ký giấc ngủ thì ngay cả các bác sĩ hay người bệnh đều chưa có hiểu biết về hội chứng ngừng thở khi ngủ. Bởi biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng này là ngủ ngáy. Trong khi rất nhiều BN lại nghĩ ngủ ngáy là tốt, là khỏe. Nhưng từ năm 2015 đến nay, nhờ kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ, Trung tâm hô hấp, BV Bạch Mai đã chẩn đoán được rất nhiều các trường hợp có ngủ ngáy và buồn ngủ ban ngày. Điều đáng nói, nếu BN mắc hội chứng này dù ban đêm BN ngủ đủ giấc nhưng trên điện não đồ còn phát hiện ra rất nhiều các vi thức. Vì thế, chất lượng và hiệu suất giấc ngủ của BN rất kém, dễ gây căng thẳng thần kinh khi tham gia giao thông.

Ths.Bs Phan Thanh Thủy - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai.

Đo đa ký giấc ngủ là thủ thuật không xâm lấn, được coi là tiêu chuẩn “vàng” trong chẩn đoán và điều trị chính xác hội chứng ngừng thở khi ngủ. Để thực hiện phương pháp này, BN ngủ 1 đêm bình thường tại BV giống như ở nhà tại một phòng đo yên tĩnh, sạch sẽ. Kỹ thuật viên sẽ lắp các điện cực trên não và những kênh hô hấp trên ngực, trên bụng. Sáng hôm sau, BN có thể về nhà chờ kết quả trong vòng 24-48 tiếng, các bác sĩ sẽ gọi điện đến lấy kết quả và tư vấn trực tiếp”, Ths.Bs Phan Thanh Thủy.

Chẩn đoán chính xác để điều trị phù hợp

Đo đa ký giấc ngủ là một thuật ngữ y khoa chỉ một phương pháp đo đạc các hoạt động của cơ thể khi ngủ. Các hoạt động này được ghi nhận thông qua các điện cực não và các điện cực ghi nhận các cử động hô hấp, cử động cơ, nồng độ bão hoà oxy hay nhịp tim trong đêm, sau đó bác sĩ sẽ đọc đa ký giấc ngủ và thông báo kết quả đo cho bệnh nhân trong 1-2 ngày. “Đo đa ký giấc ngủ là biện pháp tiên tiến. Vì đo đa ký có cả các kênh điện não và các kênh chuyển động nên có thể ghi nhận nhiều thông số sinh lý bất thường của BN trong lúc ngủ, đếm số lần ngừng thở, theo dõi tình trạng giảm oxy trong máu của người bệnh. Tùy theo nguyên nhân của hội chứng ngưng thở khi ngủ, các bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp, không chỉ mang lại chất lượng giấc ngủ tốt hơn cho BN mà còn mang lại tinh thần tỉnh táo để lao động, làm việc, học tập vào ban ngày”, bác sĩ Phan Thanh Thủy cho hay.

Nhờ đo đa ký giấc ngủ các bác sĩ đã chẩn đoán được rất nhiều các ca bệnh ngừng thở khi ngủBệnh nhân N.V.H (52 tuổi, ở Hà Nội) có triệu chứng hay buồn ngủ ban ngày và ngáy ban đêm. Gần đây anh có biểu hiện tăng cân, khi ngủ có cảm giác nghẹt thở nên rất mệt mỏi. “Tôi cứ nghĩ ngáy khi ngủ là biểu hiện bình thường. Nhưng gần đây, khi ngủ tôi có cảm giác khó thở, sau đó tỉnh giấc. Sáng ngủ dậy, tôi thấy rất đau đầu, mặc dù tôi đi ngủ từ 11h đêm và thức dậy vào 6h sáng, nhưng ban ngày tôi rất buồn ngủ. Mọi người bảo tôi đến Trung tâm hô hấp, BV Bạch Mai để đo đa ký giấc ngủ vì lo sợ sẽ xảy ra tai nạn khi lái xe trên đường. Sau khi đo, tôi biết mình có hội chứng ngừng thở do tắc nghẽn đường hô hấp, bác sĩ đã khuyên tôi bỏ thuốc lá và đeo máy trợ thở khi ngủ. Từ khi được điều trị, sức khoẻ của tôi cải thiện rõ rệt, tôi ngủ ngon hơn, không còn cảm giác nghẹt thở. Ban ngày, tôi thấy tỉnh táo và làm việc hiệu quả hơn”, anh H chia sẻ.

Những BN thừa cân béo phì, cổ ngắn, hoặc có bất thường về hàm mặt (ví dụ hàm dưới tụt ra sau), đặc biệt những BN có hút thuốc lá, thuốc lào, rượu bia là những người có nguy cơ dễ mắc các hội chứng ngừng thở khi ngủ, cần đến Trung tâm hô hấp để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời.

Liên hệ Hotline Trung tâm Hô hấp - Bệnh viên Bạch Mai để được đăng ký khám, tư vấn và đo đa ký giấc ngủ: 0869587731.

Theo bác sĩ Thanh Thủy, biểu hiện rõ nhất của hội chứng ngừng thở khi ngủ là ngủ ngáy. Mỗi lần xuất hiện cơn ngừng thở kéo dài 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ bão hòa oxy trong máu. Khi nồng độ này giảm thấp, người bệnh có cảm giác khó thở, ngạt thở, vùng dậy để thở, thậm chí có những BN giảm oxy máu quá thấp có thể dẫn đến đột tử trong đêm.

“Nhờ đo đa ký giấc ngủ các bác sĩ đã chẩn đoán được rất nhiều các ca bệnh ngừng thở khi ngủ; và nhờ có hình ảnh trên máy tính ghi lại sau một đêm ngủ của BN, các bác sĩ đã có những bằng chứng để có thể chẩn đoán, điều trị chính xác cũng như dễ dàng giải thích, chỉ rõ các cơn ngừng thở cho BN thấy và chỉ rõ các biến đổi về nồng độ oxy máu, hay sự biến động của nhịp tim là hậu quả của các cơn ngừng thở”, bác sĩ Thủy cho biết./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận