Sau một tuần kể từ ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên tại tâm dịch Hải Dương, đến chiều 3/2 dịch đã lây lan ra 10 tỉnh, thành phố trên cả nước với 329 ca, gây lo ngại về sự lây nhiễm trong cộng đồng của đợt dịch mới này.
Truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch
Sau khi nhận được thông tin từ phía Nhật Bản về việc phát hiện một phụ nữ Hải Dương dương tính với SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh vào Osaka, ngày 27/1 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và Bộ Y tế đã lập tức kích hoạt, cử ngay các đoàn công tác tinh nhuệ có kinh nghiệm chống dịch của Bộ Y tế gồm lãnh đạo và chuyên gia chống dịch gồm Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế, Bệnh viện Bạch Mai và Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương… tới Hải Dương hỗ trợ địa phương triển khai điều tra, giám sát dịch tễ và các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về “thần tốc chống dịch”.
Sau 55 ngày bình yên khi Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, thế nhưng đợt bùng phát dịch đợt này, tốc độ lây lan nhanh chóng, chỉ sau 1 ngày đã lên đến con số 82 ca dương tính ghi nhận ở Chí Linh (Hải Dương) và Vân Đồn (Quảng Ninh) và ngay sau đó tiếp tục phát hiện các ca lây nhiễm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Do thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nên việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phải cao hơn một cấp. Hải Dương phải tự đặt trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây, Bộ Y tế sẽ chi viện tối đa, tuy nhiên Hải Dương phải tập trung cao độ, làm sao để trong 10 ngày phải khoanh vùng triệt để”.
Do ca bệnh ở Hải Dương có liên quan tới ca nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới theo thông tin của phía Nhật Bản, nên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cần đặc biệt cẩn trọng, đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng phòng, chống dịch. Đối với Quảng Ninh, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần thực hiện truy viết diện rộng, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và thường xuyên báo cáo tình hình, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Về công tác điều trị, Bộ Y tế đã điều động BV Bệnh nhiệt đới Trung ương giúp tỉnh Hải Dương thiết lập ngay hệ thống điều trị tại địa phương để thực hiện điều trị tại chỗ, chỉ trường hợp nặng mới chuyển tới BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, theo thông báo từ Nhật Bản, đây là biến chủng đột biến ở Anh đã lây lan ra hơn 80 nước trên thế giới, phải hết sức cảnh giác, đặc biệt đề phòng với tốc độ lây lan ra cộng đồng của biến chủng mới này khi Tết cổ truyền đang cận kề, tình trạng đi lại và nhập cảnh trái phép từ các nước về Việt Nam không hoàn toàn kiểm soát hết được.
“Việc Nam đã đạt được nhiều thành quả trong phòng chống dịch Covid-19, nhưng thực tế những ngày qua đã nhắc nhở chúng ta bất kể 1 phút lơ là cũng khiến cho chúng ta phải trả giá không nhỏ. Cùng với lực lượng chống dịch thì chính người dân là mỗi lá chắn trên mặt trận đó bằng chính ý thức của mỗi người vì chính mình và xã hội”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
|
Theo Thứ trưởng Sơn, có thể nói chưa bao giờ chúng ta triển khai phát hiện truy vết thần tốc, khoanh vùng để dập dịch quyết liệt như đợt này khi mở rộng truy vết từ F0 đến F4. Với số lượng lớn hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm những ca nhiễm và nghi nhiễm, để chạy đua với thời gian không để phí một giây phút nào, để quét hết được những ca nghi ngờ trong cộng đồng, nhanh chóng tìm ra những ca nhiễm Covid-19. Chính phủ và Bộ Y tế đã cử các chuyên gia xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương - lực lượng tinh nhuệ giàu kinh nghiệm trong đợt chống dịch trước đến hỗ trợ các các tỉnh vì năng lực xét nghiệm của các địa phương còn tương đối yếu. Với Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM thì hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên thời gian tới cần tăng cường sinh phẩm và trang thiết bị xét nghiệm và tận dụng tinh thần 4 tại chỗ - tức là xây dựng các trung tâm nâng cao năng lực xét nghiệm ngay tại tỉnh để có được kết quả nhanh nhất. “Hiện giờ, chúng ta rất mừng khi biết được các ca nhiễm đều liên quan đến Chí Linh và sân bay Vân Đồn qua công tác truy vết tốt. Dịch có thể còn lây lan ra các tỉnh khác cho nên quan điểm của BCĐ là đều tập trung tất cho các địa phương chứ không chỉ các tỉnh thành đã có dịch. Việc phát hiện sớm ở các địa phương thông qua các truy vết, thông qua các xét nghiệm, khai báo trung thực vì vậy cả nước phải đồng lòng”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
80% bệnh nhân không có triệu chứng
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chống dịch Covid-19 chiều 2/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, qua phân tích 240 bệnh nhân Covid-19 mới đợt này, có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng - là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình khám sàng lọc, phân loại. Vì vậy, Cục trưởng Khuê đề nghị tất cả các bệnh viện quay lại quy định khai thác kỹ tiền sử dịch tễ với tất cả người bệnh đến khám, đặc biệt tại các khoa trọng điểm như khoa khám bệnh, khoa cấp cứu. Vì nếu cứ đợi bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì sẽ dễ bỏ sót, ca bệnh sẽ vào giữa bệnh viện. Cũng do chủng mới virus đợt này lây qua không khí nên các BV phải thông thoáng, đặc biệt là phải làm tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, để tránh lây nhiễm chéo.
Mặc dù đến thời điểm này, tất cả các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch thời gian qua, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo, virus lần này có tốc độ lây nhiễm tăng 70% so với những lần trước, phần lớn các ca bệnh đều không có triệu chứng do đó các địa phương phải thay đổi chiến thuật, phải nâng cao hơn 1 mức và phải đẩy nhanh hơn 1 mức trong công tác phòng chống dịch.
“Tôi nhắc lại, lây nhiễm lần này tăng cao hơn, nên phải có các biện pháp mới. Virus SARS-CoV-2 biến thể có tốc độ lây tăng 70% so với chủng cũ, lại không có triệu chứng nên dễ bị bỏ qua. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ trang thiết bị cho một số tỉnh khó khăn để xác định việc vừa phải khoanh vùng, vừa truy vết vừa lấy mẫu với tốc độ nhanh. Bởi bài học thành công của Đà Nẵng là công suất xét nghiệm. Bên cạnh đó, các tỉnh đều phải bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng; chuẩn bị các phương án phòng chống dịch cho những nơi đông người; từng người dân cài ứng dụng khai báo y tế”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Tại cuộc họp các phương án phòng chống dịch nhằm bắt kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh sáng 3/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, các tỉnh đã cơ bản kiểm soát được ổ dịch, tất cả đều đang phải chạy đua với thời gian để người dân trong vùng dịch và người dân cả nước sớm yên tâm sản xuất, kinh doanh, đón Tết. Phó Thủ tướng lưu ý các khu cách ly tập trung phải đảm bảo an toàn nhất, tránh trở thành điểm lây nhiễm chéo của dịch bệnh. Các cơ quan chức năng cần thực hiện quy định khai báo y tế rộng rãi, xử phạt nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Đặc biệt, công tác truy vết, khoanh vùng cần thần tốc hơn nữa để bà con sớm có cuộc sống bình thường mới để đón Tết.
Để hoàn thành mục tiêu trong phòng chống và dập dịch không chỉ là sự hỗ trợ và nỗ lực của các cơ quan chức năng mà còn là sự đồng lòng của chính người dân để tạo lên tấm lá chắn thép cùng với các lực lượng khác. Như lời nhắn nhủ của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Trách nhiệm của mỗi người dân là thực hiện tốt các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế; tuân thủ các hướng dẫn trong các khu giãn cách và vùng phong tỏa. Bên cạnh việc bảo vệ mình cũng phải biết bảo vệ cộng đồng bằng cách tham gia vào các tổ tuyên truyền phòng chống Covid-19 ở địa phương, cộng đồng, phát hiện các đối tượng lạ từ biên giới vào nhập cảnh trái phép; những trường hợp nào nghi ngờ trong vùng có dịch cũng khuyến cáo người đó nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc./.
Lưu Hường