Anh Nirop, 30 tuổi, quốc tịch Bangladesh đến TP HCM để du lịch vào đầu năm 2020. Khi đi, Nirop chỉ có ý định trải nghiệm Việt Nam khoảng 2 tháng, nhưng dịch bệnh bùng phát khiến anh không thể trở về nước. Vài tháng trước, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, anh thực sự rất chán nản vì không thể đi đâu ngoài nơi mình đang sống. Sau giãn cách, anh cùng bạn của mình dạo quanh thị trường TPHCM và nhận thấy mình có thể kinh doanh ở đây. Ý định đó cộng thêm việc trở về nước vẫn còn khó khăn và Việt Nam đang chống dịch khá tốt, Nirop và bạn quyết định thuê nhà, mở một quán cà phê nhỏ tại Quận 12. Nirop còn nhận làm quản lí cho một cửa hàng ăn của một người bạn khác và dần quen hơn với môi trường tại Việt Nam. Bây giờ thì Nirop còn dự dịnh tiếp tục sinh sống và làm việc tại đây, kể cả khi có điều kiện về nước.
"Thực sự khi ở Việt Nam tôi cảm thấy an toàn hơn rất nhiều. Bởi vì chính phủ Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh Covid-19. Con người ở Việt Nam cũng rất tử tế, tốt bụng và tôi cảm thấy ấn tượng về điều đó", Nirop chia sẻ.
Với Giorgia, cô gái 28 tuổi đến từ Anh thì lại cảm thấy may mắn vì sớm rời khỏi vùng “tâm dịch” bởi trước đó, cô cùng bạn trai của mình đi du lịch Hong Kong trước khi đến Việt Nam vào tháng 2/2020. Dịch bệnh, rất nhiều người mất việc làm, nhưng Giorgia lại tìm được một công việc dạy tiếng Anh online thông qua một tổ chức tình nguyện quốc tế có trụ sở tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, dù cảm thấy môi trường ở Việt Nam rất tốt, mọi người có thể ra ngoài gặp gỡ, sinh hoạt bình thường nhưng cô rất muốn dịch bệnh trên thế giới sớm được kiểm soát để cô có thể trở về quê nhà.
"Tôi cảm thấy may mắn vì có một công việc cho đến thời điểm hiện tại. Tôi hy vọng có thể sớm về nhà, nhưng ở thời điểm này tôi cũng chưa biết trước được điều gì vì nó phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ nước tôi. Nhiều người cảm thấy chúng tôi may mắn vì sống ở đây, nhưng thực sự chúng tôi cũng rất muốn được trở về nhà với gia đình của mình", Giorgia cho hay.
Dịch bệnh xảy ra, rất nhiều người bị mất việc làm do các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự. Ông Francis, quốc tịch New Zealand là một ví dụ. Sinh sống ở TPHCM gần 4 năm, dịch đến, ông mất việc và cũng không thể trở về quê hương. Thời gian đầu, ông cảm thấy khó khăn hơn bao giờ hết bởi không quen biết nhiều, công việc cũng không. Thậm chí có thời điểm ông đã phải nhận cả tiền trợ giúp của những người thân quen để có tiền sinh sống tại đây. May mắn là hiện tại ông đã được nhận làm giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường trung học ở TPHCM. Đó quả thực là điều may mắn lớn nhất với ông trong năm 2020.
"Bây giờ tôi cảm thấy thoải mái và tự tin hơn nhờ có được công việc này tại đây. Khác hoàn toàn so với thời gian trước, một khoảng thời gian dài tôi không có việc làm, không có gia đình bên cạnh. Đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời tôi", ông Francis nói.
Không may mắn như Giorgia, Nirop hay Francis, người đàn ông mang quốc tịch Pháp Fabrice không dễ dàng có được việc làm khi vô tình “mắc kẹt” ở Việt Nam. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, người khác muốn giao tiếp với ông đều phải dùng tiếng Pháp hoặc ra kí hiệu ông mới hiểu được. Đây cũng là khó khăn của ông khi các công việc hiện nay dành cho người nước ngoài đều yêu cầu biết tiếng Anh hoặc có kiến thức chuyên môn. Vì thế, ông quyết định sắm 1 chiếc xe đẩy để bán bánh chuối chiên với suy nghĩ rằng, mình có tay chân, có sức khỏe thì không nên nhận những đồng tiền người khác cho mà sẽ lao động bằng chính sức của mình. Ban đầu, số lượng bánh bán được chưa được nhiều. Nhưng sau một thời gian, vì hiếu kì và biết được câu chuyện của người đàn ông này qua mạng xã hội nên rất nhiều người đã đến ủng hộ. Có những hôm mới chỉ hơn 8 giờ sáng mà ông đã bán hết bánh.
Ông Fabrice tâm sự: "Khi tôi bán bánh, có rất rất nhiều người Việt Nam tốt bụng muốn và đã giúp đỡ tôi rất rất nhiều. Họ giúp tôi có nơi ăn, chốn ở, về visa, cảnh sát cũng giúp đỡ tôi. Mọi người đều rất tốt. Nhờ vậy, mọi việc đều thuận lợi hơn cả, việc kinh doanh ở đây cũng vậy".
Những câu chuyện trên chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều du khách nước ngoài “mắc kẹt” ở Việt Nam trong năm qua. Mong ước duy nhất của họ lúc này vẫn là một năm mới với nhiều thay đổi hơn năm cũ, dịch bệnh sớm được kiểm soát trên thế giới và họ được trở về đoàn tụ cùng gia đình./.
Vũ Hường, Minh Thắm/VOV-TPHCM