Cảnh báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2

"Biến thể kép' B.1.617 được xem là một trong những nguyên nhân chính của làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ 2 tại Ấn Độ.

 

Đợt bùng phát dịch lần này đã lan nhanh trong ít ngày, khiến người dân lo lắng về mối nguy hiểm từ biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Lo ngại khi xuất hiện chùm ca bệnh mới

Sau hơn một tháng nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ngoài cộng đồng, đến ngày 29/4/2021 hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đã ghi nhận chùm ca bệnh tại Hà Nam, bắt nguồn từ một công nhân làm việc tại Nhật Bản về nước. Sau thời gian cách ly tập trung tại Đà Nẵng và tiếp tục cách ly tại nhà, bệnh nhân (BN) đã tiếp xúc nhiều người và đến nay BN này đã lây nhiễm cho nhiều người ở Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP.HCM…

Ngày 2/5/2021, tại Vĩnh Phúc lại xuất hiện chùm ca bệnh liên quan tới nhóm chuyên gia người Trung Quốc có xét nghiệm dương tính sau khi về nước. Đáng lo ngại, chùm ca bệnh này liên quan tới những nhân viên phục vụ tại quán bar Sunny, quán massage Hoa Sen. Ngày 4/5/2021 ghi nhận thêm 1 trường hợp quốc tịch Ấn Độ (nhập cảnh vào Việt Nam) dương tính với SARS-CoV-2, sau khi kết thúc cách ly tại TP. Hải Phòng trở về Hà Nội tiếp tục cách ly tại nhà...

Cán bộ y tế tỉnh Hưng Yên tiến hành xét nghiệm, truy vết thần tốc ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Bộ Y tế)

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia nhận định, tình hình dịch bệnh trong nước hiện có nguy cơ lây lan rất cao do các ca mắc mới ngoài cộng đồng có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người…

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu ở những BN mắc Covid-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh để làm xét nghiệm giải trình tự gene, giúp xác định nguồn gốc. Kết quả, 3 mẫu của 3 BN mắc Covid-19 là những nhân viên quán bar Sunny (tại Vĩnh Phúc), cho kết quả thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ. Tại Hà Nam lấy 6 mẫu, Hưng Yên lấy 2 mẫu, Hà Tĩnh lấy 2 mẫu (2 BN mắc Covid từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7, là biến thể của Anh. Trước đó, tại Yên Bái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu tất cả các chuyên gia Ấn Độ và một trường hợp là nhân viên làm việc tại Khách sạn Như Nguyệt 2 để tiến hành làm xét nghiệm giải trình tự gene. Kết quả ngày 30/4 cho thấy: Tất cả các mẫu này thuộc biến thể B.1.617.2 (đang lưu hành và gây bệnh tại Ấn Độ).

Tính đến 18h ngày 5/5/2021, Việt Nam có tổng cộng 1.626 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 56 ca. Ngày 5/5/2021, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 theo Quyết định số 2244/QĐ-BCDQG ngày 05/5/2021 do cơ sở này ghi nhận 14 ca mắc mới (1 nhân viên y tế, 4 người nhà và 9 BN đang điều trị tại BV).

Từ 17h ngày 5/5, tỉnh Yên Bái cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16 tại địa bàn xã Gia Hội, huyện Văn Chấn. (ảnh: Thừa Xuân)

Biến chủng B.1.617 nguy hiểm như thế nào?

Theo GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam và thế giới đang rất quan tâm tới biến chủng mới này, bởi chủng B.1.617 nguy hiểm hơn các chủng khác. Đặc biệt, B.1.617 có đột biến kép ở đoạn protein S nên có khả năng lây lan nhanh hơn, thậm chí nhanh hơn biến chủng B.1.1.7 được ghi nhận tại Anh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về tốc độ lây lan của chủng virus này.

“Biến thể kép” B.1.617 được xem là một trong những nguyên nhân chính của làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại Ấn Độ. Được phát hiện lần đầu tiên ở Maharashtra, biến thể B.1.617 là sự kết hợp của hai biến thể khác nhau E484Q và L452R. Thực tế cho thấy, thế giới ghi nhận khá nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới, điển hình như B.1.1.7 tại Anh với khả năng lây lan nhanh gấp 70% biến chủng cũ hay B1351 tại Nam Phi. Thống kê không đầy đủ từ Ấn Độ, biến chủng kép B.1.617 tại quốc gia này cũng có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn. Cụ thể, với các biến chủng cũ trên thế giới, trung bình một bệnh nhân Covid-19 có thể lây nhiễm virus cho 4 người. Con số này tại Ấn Độ là khoảng 9-10 người.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai giải thích B.1.617 gọi là “biến thể kép” vì chủng mới này gồm có hai biến thể con ở trong đó. Một biến thể làm cho virus SARS-CoV-2 trốn thoát khỏi sự miễn dịch tự nhiên của cơ thể và cả kháng thể được sinh ra sau khi tiêm vaccine Covid-19. Điều này lý giải cho việc vì sao Ấn Độ có tỷ lệ cao tiêm vaccine Covid-19 nhưng vẫn có nhiều người nhiễm bệnh. Biến thể nhỏ thứ hai trong biến thể kép này làm cho virus có khả năng lây lan rất nhanh, có thể trở thành "siêu đột biến" khi dễ dàng lây từ người này sang người khác. Và khi số người mắc càng tăng thì số ca bệnh nặng, số ca tử vong sẽ càng tăng, trở thành thảm họa đối với quốc gia này.

Chùm ca bệnh ở Vĩnh Phúc liên quan tới những nhân viên phục vụ tại quán bar Sunny.

Đây là một biến thể rất mới nên việc chúng ta kết luận các vaccine hiện nay không có hiệu quả đối với biến thể mới này dường như còn quá sớm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã nhận thấy sự giảm khả năng phòng vệ của vaccine đối với B.1.617. Hiện những vaccine đang được lưu hành trên thế giới vẫn có những loại có khả năng phòng vệ tốt đối với biến thể này, nhưng cũng có những vaccine mức độ phòng vệ đối với biến thể này còn hạn chế. Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu và điều chỉnh lại các vaccine Covid-19 để có hiệu quả bảo vệ cao nhất. Vì vậy, để phòng tránh lây lan dịch bệnh, người dân cần tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thì vaccine phòng Covid-19 mới phát huy được hết hiệu quả của nó.

Ngày 5/5/2021, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã gửi Công điện hỏa tốc số 597/CĐ-BCĐ về việc thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung và quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch mức độ cảnh giác cao nhất, không được chủ quan, lơ là; gắn với trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; Thực hiện cách ly tập trung 21 ngày thay vì 14 ngày như trước đây đối với người nhập cảnh và tiếp xúc gần theo các quy định hiện hành và quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo sau khi kết thúc cách ly tập trung…

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 1/5 cho biết, biến chủng chứa đột biến kép của SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ đã được tìm thấy ở ít nhất 17 quốc gia trên thế giới. Hãng tin AFP dẫn thông báo từ WHO cho biết, tính đến ngày 27/4, biến chủng của SARS-CoV-2 có tên gọi B.1.617 phát hiện lần đầu tại Ấn Độ đã được tìm thấy trong hơn 1.200 trình tự gene thu thập ở “ít nhất 17 quốc gia khác”, trong đó phần lớn các trình tự gene được thu thập từ Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore. Vừa qua, WHO đã đưa biến chủng B.1.617 vào diện “biến chủng đáng chú ý” nhưng chưa xếp vào diện “biến chủng đáng lo ngại” hay biến chủng nguy hiểm hơn chủng ban đầu vì khả năng lây nhiễm cao hơn, tỷ lệ gây tử vong cao hơn, kháng vaccine mạnh hơn. Biến chủng B.1.617 đang lây lan tại Ấn Độ chứa “đột biến kép” L452R (từng xuất hiện trong biến thể ở Mỹ) và E484Q (giống với loại xuất hiện ở Nam Phi và Brasil). Bên cạnh 2 đột biến này, biến chủng B.1.617 cũng có khoảng 11 đột biến khác./.

Bên cạnh các triệu chứng phổ biến nhất của Covid-19 như sốt, ho, mệt mỏi, mất khứu giác và vị giác, nhiều người đang phải vật lộn với các biến chứng hô hấp nghiêm trọng như đau ngực và khó thở. Sự thiếu hụt về bình oxy khiến tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ cao hơn, gây ra một cuộc khủng hoảng của ngành y tế nước này.

Thảo - Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận