Bệnh nhân L.T.N (SN 1971, ở tại Hà Nam) với vùng cổ dị dạng do có bướu tuyến giáp khổng lồ với kích thước khoảng 25x19cm. BN phát hiện khối u khoảng 20 năm trước. Nhưng do khối u không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nên chị N chủ quan. Gần đây, khối u lớn chèn ép khiến chị N khó thở, nuốt rất vướng, gần như không thể nằm ngửa.
BSCKII Nguyễn Tiến Lãng, Trưởng khoa Ngoại chung, BV Nội tiết T.Ư cho biết, khối u của BN liên quan đến suy giáp bẩm sinh kèm với việc trí tuệ của BN phát triển chậm, mọi tiếp xúc, phản ứng đều không được như bình thường nên chỉ khi xuất hiện các dấu hiệu sức khỏe giảm sút nhanh, mệt mỏi tăng cao người bệnh mới nói cho người nhà biết và đưa đi khám.
Theo bác sĩ Lãng, tỷ lệ BN mắc bướu tuyến giáp khổng lồ như chị N không nhiều nhưng với những BN này, phẫu thuật vô cùng khó khăn. Do vùng cổ là cầu nối giữa thân và đầu, các mạch máu quan trọng từ tim đến sọ não, tuyến nội tiết, đường ăn, đường thở… đều tập trung tại đây. Khối u quá lớn làm biến đổi cấu trúc giải phẫu, vì vậy để phân định, bảo tồn được các mạch máu, tuyến nội tiết… kể trên vô cùng khó khăn. Chưa kể, khi u bướu lớn như trên sẽ tăng sinh mạch máu trong bướu khiến phẫu thuật viên phải cẩn trọng tránh để bệnh nhân mất máu trong quá trình phẫu thuật.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết rất quan trọng đối với cơ thể. Hormon tuyến giáp có vai trò lớn trong chuyển hóa, điều hòa sự trao đổi chất cơ bản, tham gia vào quá trình điều hòa sự tăng trưởng và sự phát triển của hệ thần kinh, tăng độ nhạy cảm của cơ thể với Catecolamin. Cùng với đó các hormon tuyến giáp rất cần thiết cho sự phát triển và biệt hóa với tất cả các tế bào trong cơ thể con người. Mặc dù vậy, u tuyến giáp lại là một bệnh rất phổ biến.
Bác sĩ Lãng cũng khuyến cáo ở những trường hợp bệnh nhân có bướu đa nhân, bướu nhân lớn ở 2 thuỳ hoặc có biểu hiện chèn ép hoặc gây biến dạng vùng cổ, mất thẩm mỹ… cần thăm khám cơ sở y tế để điều trị.