TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm cách ly F1 tại nhà

Số lượng ca mắc lớn, kéo theo F1 ngày càng tăng. TP.HCM bắt đầu thí điểm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Trong làn sóng dịch lần thứ 4, tính đến sáng 6/7, TP.HCM có tổng cộng 6.905 bệnh nhân Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng. Số lượng ca mắc lớn, kéo theo F1 ngày càng tăng. TP.HCM bắt đầu thí điểm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Giao địa phương chủ động cách ly F1 tại nhà

Theo Sở Y tế TP.HCM, đối tượng áp dụng là F1 có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính với SARS-CoV-2 (trong khi chờ thực hiện xét nghiệm PCR). F1 được cách ly tại nhà phải thuộc các nhóm sau: Người tiếp xúc gần ca Covid-19 nhưng không thường xuyên; người làm việc cùng phòng với ca bệnh nhưng cách xa trên 2m và không tiếp xúc trực tiếp; người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người khuyến tật... cần sự chăm sóc, hỗ trợ.

Tiếp nhận các F1 tại khu cách ly ở quận 7.

Ngoài ra, người tiếp xúc gần đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính với SARS-CoV-2 được chuyển từ cơ sở cách lý tập trung và cách ly tại nhà. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà, người ở cùng nhà, cán bộ y tế và đơn vị liên quan thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cách lỵ y tế tại nhà thực hiện ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách lỵ.

Sở Y tế yêu cầu các trung tâm y tế tại địa phươngcần chỉ đạo, theo dõi, giám sát trạm y tế tổ chức thẩm định điều kiện cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1. Đồng thời, hằng ngày tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly. Cùng với đó, hỗ trợ người cách ly đo thân nhiệt nếu người cách ly không tự đo được và ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khỏe hằng ngày

Bên cạnh đó, y tế địa phương phải hướng dẫn người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà thu gom chất thải theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho những trường hợp này theo quy định.

Đặc biệt, phải báo cáo ngay cho trung tâm y tế và chính quyền địa phương khi người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người ở cùng nhà có biểu hiện mắc bệnh như sốt, ho, khó thở và các biểu hiện sức khỏe khác. Nếu những trường hợp này, có kết quả xét nghiệm dương tính thì báo trung tâm y tế xử lý theo quy định.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã trình UBND TP áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà ở  các địa phương thuộc nhóm có nguy cơ, gồm các quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết,thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố tại buổi họp 5/7 trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số lượng người tiếp xúc gần với ca bệnh (đối tượng F1) tiếp tục gia tăng gây ra áp lực lớn cho các địa phương trong việc tổ chức cách ly tập trung. “Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế về tổ chức cách ly đối tượng F1, vừa giảm quá tải cho các địa phương vừa đảm bảo yêu cầu an toàn phòng chống dịch, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng, Sở Y tế thống nhất với UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, các địa phương sẽ căn cứ tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh, chủ động triển khai việc tổ chức cách ly tại nhà đối với trường hợp F1 trên địa bàn đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng”, ông Bỉnh nhấn mạnh.

Sở Y tế TP.HCM giao Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức và quận huyện trực tiếp thẩm định điều kiện tổ chức cách ly tại nhà đối với trường hợp F1, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và đặc điểm thực tế của địa phương tham mưu UBND TP.Thủ Đức và quận huyện quyết định cho phép trường hợp F1 được cách ly tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện an toàn phòng dịch.

Khu cách ly liên tục tiếp nhận F1.

Giảm tải cho khu cách ly tập trung

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến ngày 6/7/2021, TP đang điều trị 6.427 bệnh nhân dương tính mới, tổng số người đang thực hiện cách ly là cho 51.249 người, trong đó có 14.107 người cách ly tập trung và 37.142 trường hợp cách ly tại nhà/nơi cư trú.

BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học nhận định, ngành y tế sẽ được giảm tải rất nhiều nhờ vào biện pháp cho trường hợp F1 cách ly tại nhà. Một vấn đề cần cân nhắc là áp dụng cách ly F1 tại nhà như thế nào để giảm thiểu gánh nặng cho bộ máy y tế địa phương, bởi hiện nay ngành y tế vốn đang trong tình trạng quá tải.

Theo BS Trương Hữu Khanh, giải pháp là hướng dẫn và “giao” cho người bị cách ly một số việc mà họ có thể tự thân làm thay vì nhân viên y tế, đặc biệt là việc tự theo dõi, kiểm tra sức khỏe bản thân. Khi cách ly tại nhà, ngoài việc an toàn phải nghĩ đến giảm tải cho y tế địa phương. Tự thân F1 và người nhà đủ sức chăm sóc và theo dõi sức khỏe, lấy nhiệt độ. Đồng thời, cơ quan y tế nên lập đường dây tư vấn sức khỏe cho F1 cách ly tại nhà. “Ngay cả xét nghiệm định kỳ khi không có triệu chứng cũng nên giao cho F1 tự làm test nhanh, cuối đợt nhân viên y tế sẽ quét lại bằng PCR. Mọi hoạt động hiệu quả, có tác dụng tránh tăng thêm việc không đáng cho nhân viên y tế địa phương đều nên cần áp dụng”, BS Khanh nhấn mạnh.

Sau khi hay tin TP.HCM sẽ triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, nhiều người dân cho rằng việc này sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, nhưng đòi hỏi có sự chuẩn bị chu đáo.

Chị Nguyễn Hải Yến, ở TP. Thủ Đức cho rằng, so với giai đoạn đầu, khi dịch bệnh chưa bùng phát và lây lan nhanh, thì hiện nay người dân đã ý thức cao hơn về dịch bệnh, hiểu được tính phức tạp cũng như lây lan nhanh của biến chủng lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ. Vì vậy, là đây là thời điểm thích hợp để thí điểm cách ly F1 tại nhà. “Cần phải có thêm các biện pháp khác, nếu gia đình đó có người F1 thì nên xem cả nhà đều là F1, hàng xóm tuyệt đối hạn chế tiếp xúc qua lại, thành viên tổ covid cộng đồng phát huy vai trò trong điều kiện như thế này. Có thể lắp camera giám sát để việc cách ly F1 tại nhà có thể khả thi hơn, hạn chế lây nhiễm chéo trong gia đình”, chị Yến nói.

Một trường hợp F1 vừa được thí điểm cách ly tại nhà ở Bình Dương.

TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

Đây là thông tin được lãnh đạo TP.HCM đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp chiều ngày 7/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố vẫn nỗ lực đảm bảo mức sống tối thiểu để người dân yên tâm trong điều kiện khó khăn hiện nay, đồng thời chung sức cùng chính quyền thành phố chống dịch.

Giải pháp công nghệ quản lý F1 cách ly tại nhà

Sở Thông tin truyền thông (TTTT) TP.HCM vừa đề xuất 3 giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) có thể áp dụng trong công tác quản lý, giám sát cách ly tại nhà cho các F1 trên địa bàn.

Giải pháp thứ nhất là hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) do Viettel cung cấp, đã được Bộ Y tế chọn triển khai thí điểm “cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh”. Hệ thống này chỉ sử dụng điện thoại thông minh.

Giải pháp thứ 2 là stayhome do Hội Tin học TP.HCM đề xuất. Sản phẩm do TMA Solutions cung cấp và Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cung cấp hỗ trợ hạ tầng. Thiết bị sử dụng gồm điện thoại di động và vòng đeo tay, trong đó vòng đeo tay sẽ có chức năng tăng cường giám sát và đo thân nhiệt. Hội Tin học TP.HCM đề nghị hỗ trợ miễn phí 1.000 vòng đeo tay (tương đương 25.000 USD) khi áp dụng giải pháp này.

Giải pháp thứ 3 là HCMCovidSafe do nhóm Tech4Covid (Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM) đề xuất. Thiết bị sử dụng là vòng đeo tay có tích hợp SIM.

Trong 3 giải pháp này, Sở TTTT đề xuất chọn giải pháp VHD của Viettel do đây là cách làm được Bộ Y tế chọn thí điểm. Giải pháp này có ưu điểm là quản lý tổng thể, tích hợp nhiều chức năng khác như khai báo y tế, quản lý nhập cảnh, phản ánh y tế… Đồng thời, Sở TTTT cũng tăng cường 2 giải pháp của Stayhome và HCMCovidSafe để nâng cao hiệu quả giám sát cách ly ở những địa phương phù hợp.

Về cách thức giám sát, Sở TTTT cho biết thông qua việc thu thập thông tin từ thiết bị điện thoại thông minh và vòng đeo tay của F1, người được phân công có thể giám sát việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch của các F1 để kịp thời cảnh báo, nhắc nhở./.

Thời gian thí điểm được chia 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thí điểm (tháng 7/2021) sẽ áp dụng tại quận 7, quận Gò Vấp, quận 12, quận Tân Bình, Đại học Quốc gia TP.HCM. Giai đoạn 2 (trong tháng 8/2021) sẽ triển khai rộng trên tất cả quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Kim Dung

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận