Chiến lược mới trong cách ly, điều trị F0 tại nhà

Bộ Y tế đã đồng ý cho TP.HCM thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà, sau đó, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn thí điểm trên toàn quốc.

 

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới tăng lên mỗi ngày, Bộ Y tế đã đồng ý cho TP.HCM thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà, sau đó, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn thí điểm trên toàn quốc.

Phân loại F0 để có hình thức chăm sóc phù hợp

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã đồng ý cho TP.HCM thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà. Sau đó, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn thí điểm trên toàn quốc. Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được thực hiện thí điểm là: BN đã điều trị cách ly 10 ngày, xét nghiệm có tải lượng virus thấp, khả năng lây nhiễm giảm sẽ tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà; Và F0 không triệu chứng được thí điểm áp dụng đối với nhân viên y tế có điều kiện theo dõi sức khỏe được cách ly tại nhà. Những trường hợp F0 này phải đáp ứng các điều kiện về nơi cách ly tương tự các tiêu chí khi áp dụng cách ly F1 tại nhà đã được thí điểm triển khai ở TP.HCM thời gian qua (có phòng riêng, khép kín, tách biệt khu sinh hoạt chung của gia đình) và tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm. Đối với trường hợp F0 không triệu chứng cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hằng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

Để quản lý tốt việc cách ly F0 tại nhà đòi hỏi sự hợp tác giữa người bệnh và cơ quan y tế. Rất nhiều chuyên gia y tế cũng đồng tình trước việc thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đánh giá, trong đợt dịch bùng phát thứ 4 này, cần chú trọng đến công tác điều trị một cách thoả đáng, không để hệ thống BV quá tải và bỏ hết các dịch vụ chăm sóc các bệnh lý cấp thiết khác; không coi tất cả người nhiễm SARS-CoV-2 đều là BN; BV chỉ tiếp nhận những người thực sự cần chăm sóc y tế, khoảng tối đa là 20% số người có SARS-CoV-2 dương tính. “Để làm được như vậy phải phân loại F0 để có hình thức chăm sóc, liên tục theo dõi phù hợp, kể cả những BN không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và đảm bảo phát hiện, xử lý kịp thời, không để ai bị bỏ lỡ cơ hội cứu sống khi diễn biến nặng dù là tỷ lệ nhỏ. Muốn vậy, cần phải có một kế hoạch đầy đủ, hướng dẫn khoa học chi tiết và quy trình kết nối trong và ngoài BV thật thông suốt, sử dụng toàn bộ nhân lực thầy thuốc tư nhân, y tế cơ sở, người tình nguyện, áp dụng công nghệ thông tin, phương tiện chuyên chở và các phương tiện cấp cứu cơ bản, có sự tham gia đắc lực của người dân. Mặt khác, phương tiện truyền thông cần mở các chuyên mục tương tác hướng dẫn người dân chăm sóc, theo dõi, nâng cao sức khoẻ khi bị nhiễm SARS-CoV-2”, PGS.TS Nhung nêu rõ.

Là bác sĩ từng chi viện cho điểm nóng của đợt bùng phát dịch lần thứ 2, 3 tại Đà Nẵng và Hải Dương…, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cũng nêu quan điểm, không phải tình huống các F0 gia tăng ở TP.HCM như thời điểm này chúng ta mới nghĩ đến việc quản lý cách ly tại nhà mà đây cũng là kế hoạch bước đệm cho tình huống xấu hơn. Bởi nếu số lượng BN tăng nhiều, thì sẽ không có hệ thống y tế nào có thể thu dung điều trị hết được các trường hợp bệnh. Vì vậy, chúng ta phải có một quan điểm chống dịch rõ ràng - là dựa vào cộng đồng, dựa vào nhân dân. Đối với việc áp dụng cách ly những trường hợp F0  nhẹ, không triệu chứng khi nhu cầu nằm viện chưa có, chúng ta cần tận dụng hệ thống cư trú sẵn có và hệ thống chăm sóc tại hộ gia đình thay vì chỉ dựa vào BV, như vậy thì hệ thống nhân lực y tế là bác sĩ, điều dưỡng sẽ tránh được quá tải, và quá trình chống dịch mới đảm bảo bền vững.

Việc thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà giúp giảm tải cho các y bác sĩ trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu, y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hằng ngày đối với các trường hợp F0 cách ly tại nhà; tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị. Đối với trường hợp F1 được theo dõi tại nhà và thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định như trường hợp cách ly tập trung. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, phản ánh ngay về Sở Y tế để giải quyết.

Yêu cầu bắt buộc khi cách ly F0 tại nhà

Theo bác sĩ Thái, việc quản lý F0 theo hộ gia đình cần đảm bảo được 2 nhu cầu bắt buộc và cực kỳ quan trọng. Thứ nhất, tuyệt đối tránh lây nhiễm cho những người xung quanh; Thứ hai, người bệnh cần được theo dõi diễn biến để được phát hiện, xử lý kịp thời. Về các vấn đề phòng, chống lây nhiễm tại hộ gia đình thì những trường hợp F0 sẽ thực hiện không khác cách chúng ta quản lý những trường hợp cách ly F1 đã từng thí điểm tại nhà để chặn đứng lây nhiễm cho những người xung quanh. Và những yêu cầu bắt buộc ở nơi cư trú đó là cần thông thoáng khí, phải đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên; đội ngũ nhân viên y tế không chỉ duy trì liên tục việc giám sát cách ly từ xa mà phải biết phát hiện sớm những biểu hiện bệnh lý, gợi ý nhu cầu cần phải chuyển ngay BN đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

“Điều quan trọng là những nhân viên y tế giám sát từ xa hay đến khám và làm xét nghiệm định kỳ tại hộ gia đình phải nhắc nhở người F0 biết tự theo dõi sức khỏe bản thân để kịp thời liên hệ với nhân viên y tế qua điện thoại khi có những biểu hiện bất thường xảy ra, đó là tình trạng sốt, mệt lả, suy hô hấp, thở hụt hơi, thở nhanh… Ví dụ: nếu người F0 cảm giác mình đang thở nhanh thì cần biết cách đo đếm nhịp thở. Nếu thở từ 25 lần/phút trở lên phải nhanh chóng gọi điện cho nhân viên y tế để đưa xe chuyên dụng hộ tống F0 đến BV xử lý, điều trị kịp thời. Để quản lý tốt F0 tại hộ gia đình đòi hỏi sự thông cảm, thấu hiểu và đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh 2 từ “hợp tác” giữa bản thân F0 với cơ quan y tế, bởi nếu F0 không hợp tác thì ngay cả F0 nằm trong BV các bác sĩ cũng đầu hàng”, bác sĩ Thái lưu ý.

Theo bác sĩ Thái, việc quản lý F0 theo hộ gia đình không có nghĩa là chúng ta bỏ rơi, buông lỏng, không theo dõi sát sao về mặt y tế mà cần đặt quyền lợi của F0 lên trên hết. Hy vọng việc thí điểm này thành công để Bộ ban hành hướng dẫn chung thí điểm trên toàn quốc./.

Điều chỉnh thời gian cách ly xuống còn 14 ngày

Chiều muộn ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc với Bộ phận thường trực phòng chống dịch của Bộ tại TP.HCM, các chuyên gia đánh giá, biến thể Delta của đợt dịch thứ 4 này có khả năng lây lan nhanh và nhiều trong những ngày đầu sau nhiễm do mầm bệnh dễ dàng xâm nhập cơ thể và phát tán ở nồng độ rất cao. Vì thế, việc áp dụng test nhanh để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp bệnh (F0) là cần thiết và phù hợp với tình hình dịch hiện nay.

Hiện, tất cả BN Covid-19 đều phải bắt buộc cách ly, điều trị tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày và lấy ít nhất 2 mẫu bệnh phẩm cách nhau 48-72 giờ làm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Tại TP.HCM, các ca nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng được điều trị tại BV dã chiến, được theo dõi y tế và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ. Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng đến khi ra viện không quá 24 giờ. Sau khi ra viện, BN được tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày.

Kết quả nghiên cứu khoảng 20.000 BN cho thấy, có gần 70% BN không ghi nhận triệu chứng. Các ca bệnh có diễn biến nặng xảy ra sau 7-10 ngày từ khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Căn cứ thực tiễn, tham khảo các khuyến cáo của WHO, CDC Hoa Kỳ và trao đổi với các địa phương, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian cách ly xuống 14 ngày với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly và bàn giao, theo dõi y tế sau cách ly theo quy định.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận