Cảnh báo nhiễm HIV gia tăng ở nhóm đồng giới

Các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm MSM lại có xu hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây.

 

Các chuyên gia cảnh báo, quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt ở nhóm đồng giới làm gia tăng số người mắc mới HIV tại Việt Nam.

Thiếu kiến thức về lây truyền HIV

Tại buổi họp báo Khởi động chiến dịch về dự phòng HIV tại Việt Nam nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tính từ đầu năm 2021 tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới dương tính HIV. Trong số này có 84,8% là nam giới (trong đó có tới 46% ở độ tuổi từ 16 - 29) và đường lây chủ yếu là do quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Cũng từ đầu năm tới nay ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. “Lây truyền qua đường tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng (từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8% vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) lại có xu hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Và MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Theo PGS.TS.TTƯT Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, HIV lây truyền chủ yếu qua 3 đường: máu, quan hệ tình dục và lây truyền từ mẹ sang con. Nếu khoảng 20 năm trước đây, tỷ lệ lây nhiễm HIV chủ yếu qua con đường tiêm chích ma túy (tới 80%) thì hiện nay tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục trong nhóm nguy cơ tăng, đặc biệt ngày càng trẻ hóa ở nhóm đồng giới. Ví dụ, số MSM trong tổng người nhiễm HIV đang điều trị ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cách đây 10 năm chỉ chiếm 2% thì nay chiếm tới 10%. Đáng nói, có những bệnh nhân tuổi còn khá trẻ, trí thức có vợ có chồng, hoặc là sinh viên… rất suy sụp khi biết mình nhiễm HIV bởi họ không hề nghĩ chỉ quan hệ đồng giới một vài lần cũng nhiễm H. Hoặc đối tượng nam thanh niên hành nghề mại dâm mà không biết biện pháp bảo vệ, đến khi bị nhiễm trùng cơ hội, đi khám mới phát hiện mình bị HIV.

PGS.TS.TTƯT Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang khám và tư vấn cho người bệnh HIV.Về nguyên nhân gia tăng lây nhiễm HIV ở nhóm MSM hiện nay, PGS Cường cho biết, một phần do giới trẻ bị ảnh hưởng lối sống hiện đại không ành mạnh theo trào lưu thế giới; dễ dàng tìm nhiều bạn tình qua mạng xã hội; đặc biệt là sự thiếu hiểu biết khi sử dụng ma túy đá làm tăng hưng phấn trong khi không dùng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục; tần suất hoạt động tình dục cao…

“Đặc biệt, một số người nghĩ mình bị nhiễm HIV đã có thuốc ARV chữa trị, hoặc nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh mấy chục năm hoặc đã có thuốc dự phòng PrEP nên không sợ... Do suy nghĩ chủ quan như vậy, tỷ lệ HIV đang ngấm ngầm lây lan trong cộng đồng”. PGS Cường cảnh báo.

Các biện pháp dự phòng

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, trong bối cảnh hiện chưa có vaccine để phòng ngừa, PrEP là phương pháp điều trị dự phòng hữu hiệu trước phơi nhiễm HIV cho những người có nguy cơ cao bằng cách uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Hiện nay Bộ Y tế hướng dẫn các đối tượng nên dùng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV: MSM; người chuyển giới nữ; người bán dâm; người tiêm chích ma túy; bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện virus (vẫn còn trên 200 bản sao/ml máu).

“Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh PrEP rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Trên thực tế, chưa có trường hợp MSM nào trên thế giới bị nhiễm HIV trong khi đang sử dụng PrEP. Việc lây nhiễm HIV chỉ thường xảy ra nếu MSM ngưng sử dụng PrEP hoặc không sử dụng nó đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Theo kết quả các nghiên cứu, những người sử dụng PrEP hằng ngày đạt được tỷ lệ bảo vệ khỏi lây nhiễm HIV lên tới 99%”, ông Cảnh nhấn mạnh.

PGS.TS Đỗ Duy Cường chỉ ra rằng, PrEP được khuyến cáo sử dụng cho tới khi nào hết nguy cơ. Nếu khẳng định không còn nguy cơ nữa thì sẽ ngừng điều trị sau 28 ngày kể từ thời điểm có nguy cơ phơi nhiễm cuối cùng. Quá trình điều trị PrEP chỉ phòng ngừa lây nhiễm HIV chứ không phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, sùi mào gà… Điều đáng nói, người sử dụng PrEP sẽ được tư vấn và theo dõi quá trình dung nạp thuốc cũng như những tác dụng phụ và điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác. Do vậy, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Vì vậy, khi một người thường có hành vi nguy cơ cao bị nhiễm HIV như quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) và tiêm chích không an toàn (sử dụng chung bơm kim tiêm), hãy đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP. Tại đây, bác sĩ sẽ tư vấn, trao đổi để biết khách hàng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV hay không. Các khách hàng yên tâm là tất cả thông tin cá nhân của mình được bảo mật./.

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận