TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sự kỳ thị từ xã hội và tự kỳ thị từ chính bản thân người có H, sự gia tăng các trường hợp mới nhiễm trên các nhóm dễ tổn thương bao gồm nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) là những thách thức phải được giải quyết để chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam. Chiến lược Quốc gia năm 2020 (Quyết định 1246/QD-TTg) đã giải quyết những thử thách này bằng cách xúc tiến triển khai các chiến dịch y tế cộng đồng để loại bỏ những kỳ thị có liên quan đến HIV và làm tăng nhận thức về các dịch vụ điều trị và dự phòng HIV mới nhất. Chiến lược quốc gia đã kêu gọi sự tăng tiếp cận đối với xét nghiệm HIV để 95% người thuộc các nhóm nguy cơ biết về tình trạng HIV của họ, và 95% đối tượng phù hợp bắt đầu sử dụng PrEP và ARV vào năm 2030.
Thuốc PrEP (Pre-Exposure Prophylaxis) điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với mục đích chính là ngăn chặn và giảm thiểu khả năng lây nhiễm cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV phụ thuộc nhiều vào mức độ tuân thủ của người sử dụng. Thời gian hiệu quả bảo vệ tối đa của PrEP khác nhau giữa PrEP uống hằng ngày và PrEP uống theo tình huống và khác nhau với các nhóm đối tượng khách hàng.
Với nhóm MSM chỉ quan hệ tình dục qua đường hậu môn, nếu họ sử dụng liều hằng ngày (1 viên/ngày), thì hiệu quả bảo vệ tối đa đạt được khi họ đã sử dụng liên tục 7 ngày liền; nếu họ dùng liều tải (2 viên liền) trong ngày đầu tiên, thì hiệu quả bảo vệ tối đa đạt được trong vòng 2 - 24 giờ sau khi uống liều tải. Sau khi ngừng quan hệ tình dục qua đường hậu môn, MSM chỉ cần dùng thêm 2 liều PrEP trong 2 ngày kế tiếp là đủ hiệu lực dự phòng.
Nếu họ sử dụng PrEP theo tình huống, họ cần uống liều tải 2 viên 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn và uống tiếp viên thứ 3 sau giờ uống liều đầu và uống tiếp viên thứ 4 sau 24 giờ uống liều thứ 2. Với các nhóm đối tượng khác, bao gồm chuyển giới nữ, chuyền giới nam, người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm và các cặp dị nhiễm, họ cần uống PrEP mỗi ngày một viên liên tục và đủ 21 liều mới có tác dụng bảo vệ. Trước khi dừng sử dụng PrEP, họ cần uống tiếp đến hết ngày 28 sau lần phơi nhiễm cuối cùng.
“Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh PrEP rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Trên thực tế, chưa có trường hợp MSM nào trên thế giới bị nhiễm HIV trong khi đang sử dụng PrEP. Việc lây nhiễm HIV chỉ thường xảy ra nếu MSM ngưng sử dụng PrEP hoặc không sử dụng nó đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Theo kết quả các nghiên cứu, những người sử dụng PrEP hằng ngày đạt được tỷ lệ bảo vệ khỏi lây nhiễm HIV lên tới 99%”.
TS Hoàng Đình Cảnh
|
Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với WHO triển khai cung ứng sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua trang thông tin điện tử, hiện đang triển khai tại Cần Thơ, Hà Nội, Nghệ An và Bình Dương. Việc hướng dẫn địa phương triển khai nhiều chiến dịch trực tuyến mang tên “Hãy ở nhà và tự xét nghiệm” đã đưa ra phương án lựa chọn cho phép mọi người có thể đặt hàng bộ tự xét nghiệm qua điện thoại, tin nhắn hoặc qua nền tảng đặt hàng trực tuyến. Đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo những người có nguy cơ nhiễm HIV, trong đó bao gồm cả những người chưa từng thực hiện xét nghiệm HIV trước đó, có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV an toàn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 mà không bị gián đoạn.
Xét nghiệm HIV là một xét nghiệm đơn giản, nhanh chóng và dễ dàng sử dụng mẫu máu hoặc mẫu phết họng. Nếu không có H, bạn có thể sử dụng PrEP để giữ vững trạng thái âm tính của mình. Nếu bạn có H, hãy bắt đầu điều trị ARV và đạt dưới ngưỡng phát hiện để giữ sức khỏe tốt và dự phòng lây truyền HIV./.
PV