“Phác đồ điều trị, cách thức điều trị người bệnh Covid-19 đã tiêm hay chưa tiêm vaccine là giống hệt nhau. Chỉ có thái độ của người thầy thuốc với người bệnh sẽ khác…” - bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh điều này với PV Báo TNVN khi một số người còn lạc quan cho rằng tiêm 2 mũi vaccine sẽ an toàn.
PV: Thưa bác sĩ, hiện nay dù số bệnh nhân (BN) trở nặng và tử vong đã giảm rất nhiều so với tâm điểm của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 nhưng số ca mắc mới và tử vong vẫn có xu hướng tăng lên dù đã tiêm đủ 2 mũi. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái: Làn sóng dịch thứ tư kéo dài từ 27/4 đến nay đã 7 tháng nhưng vẫn chưa dứt hẳn được bởi số mắc mới và tử vong vẫn còn. Chúng ta nhìn thấy những nỗ lực rất nhiều trong việc bao phủ vaccine khi hiện nước ta đã được tiêm 122.083.464 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 71.143.392 liều, tiêm mũi 2 là 50.940.072 liều, thế nhưng hằng ngày vẫn ghi nhận trên 10.000 ca mắc và trên 100 ca tử vong. Thực tế, có những nhóm BN đã tiêm 2 mũi vaccine rồi nhưng vẫn bị nhiễm, đã tiêm rồi nhưng vẫn bị nặng và thậm chí tử vong.
Điều này có thể lý giải: có lẽ chúng ta đã quá lạc quan, chúng ta đã quá tin tưởng vào vaccine, chúng ta nghĩ rằng vaccine nó giống như lá bùa hộ mệnh, là lá chắn bảo vệ rất hữu hiệu. Vì bản chất của việc tiêm vaccine là tạo kháng thể bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc bệnh và diễn biến nặng. Người tiêm đầy đủ 2 mũi thì cơ thể có đủ kháng thể bảo vệ cao hơn người tiêm mũi 1. Các nghiên cứu đều cho thấy tất cả các loại vaccine đều không thể bảo vệ 100%. Đặc biệt với biến chủng Delta, nhiều trường hợp dù tiêm vaccine vẫn nhiễm bệnh. Những người lớn tuổi, người có bệnh nền và suy giảm miễn dịch thì tỷ lệ bảo vệ bởi vaccine Covid-19 thấp hơn. Và không phải trường hợp nào kháng thể cũng bảo vệ được sự tấn công của virus lên cơ thể. Nếu còn số lượng người mắc vẫn sẽ không tránh khỏi số lượng bệnh trở nặng và tử vong. Chúng ta cần hiểu, vaccine dù có giảm được nguy cơ, không có nghĩa là triệt tiêu nguy cơ. Nếu chúng ta mang tâm lý lạc quan quá mức, lơ là việc tuân thủ 5K thì hậu quả sẽ khó lường.
Dù số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua vẫn khoảng 13.000 ca/ngày nhưng rải khắp 62 tỉnh thành chứ không tập trung vào 1 vài tỉnh thành khu vực phía Nam như trước đây. Số mắc cao nhưng tập trung được nhân vực và vật lực điều trị chứ không rơi vào tình trạng quá tải, bị động. Dù có ca bệnh nặng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của y tế địa phương. Đó là điều may mắn.
PV: Tại sao dịch bệnh trong tầm kiểm soát, độ phủ vaccine cao mà vẫn còn ghi nhận số ca tử vong cao, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái: Thực tế chúng tôi vẫn còn gặp trường hợp tử vong chưa hề tiêm vaccine, nhưng cũng có trường hợp tiêm 2 mũi vaccine rồi vẫn nằm trong tình trạng diễn biến bệnh nặng và tử vong. Chứng tỏ vaccine chỉ làm giảm được nguy cơ thôi. Vì những người có bệnh nặng và dẫn tới tử vong còn có yếu tố bệnh nền, béo phì, tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp, động mạch vành, bệnh về thận, những người dùng thuốc ức chế miễn dịch, có bệnh ung thư đã điều trị và ung thư chưa được phát hiện, những người cao tuổi… Nhiều yếu tố nguy cơ cộng lại làm cho bệnh có thể nặng hơn các trường hợp khác. Và khi sức chống đỡ của bệnh tật không tốt thì việc điều trị không hề thuận lợi, BN sẽ nặng lên đến mức tột độ, khi ấy người thầy thuốc đành bất lực.
PV: Là bác sĩ từng tham gia tiếp sức cho các điểm nóng từ khi xuất hiện đại dịch, ông thấy việc điều trị Covid-19 có gì khác giữa người bệnh đã tiêm và chưa tiêm vaccine? Và vaccine liệu có là lá chắn hữu hiệu?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái: Phác đồ điều trị, cách thức điều trị người mắc Covid-19 đã tiêm hay chưa tiêm vaccine giống hệt nhau. Chỉ có thái độ của người thầy thuốc với người bệnh sẽ khác. Nếu BN nào đã tiêm vaccine Covid-19 thì nhiều khi chỉ cần theo dõi hơn là điều trị. Nhưng trường hợp chưa tiêm vaccine thì thái độ của bác sĩ quyết liệt hơn, khẩn trương hơn và chú trọng vào phát hiện sớm những dấu hiệu chuyển nặng. Nếu có diễn biến nặng thì tập trung nhiều nhân lực, nhiều phương tiện kỹ thuật phục vụ BN đó.
Ở thời điểm đỉnh điểm của dịch (tháng 8/2021) thì chúng ta mới có 1 cơ số thuốc còn hạn chế. Đó là thuốc kháng virus Remdesivir mà Mỹ khuyên dùng. WHO không đưa thuốc này vào danh mục khuyến cáo vì thuốc này dùng bằng đường tiêm truyền cho BN nặng bắt đầu thở oxy, hiệu quả từ thử nghiệm lâm sàng không thực sự rõ ràng. Trước đây, khi chưa có thuốc kháng virus, thì việc điều trị chủ yếu dựa theo khuyến cáo từ các nước là thuốc chống viêm và thuốc chống đông. Tuy nhiên, chống viêm và chống đông chỉ để chữa phần ngọn khi bệnh đã diễn biến ở tình trạng nặng.
Cũng tại thời điểm đỉnh dịch ấy, Bộ Y tế cho thí điểm điều trị F0 thể nhẹ bằng thuốc kháng virus đường uống (Molnupiravir). Và thực tế đã chứng minh thuốc này có thể giảm trên 50% nguy cơ diễn biến nặng. BN chỉ cần dùng sau 5 ngày thì có tới 90% trường hợp âm tính với Covid, sau 2 tuần thì 100% các trường hợp virus đều âm tính. Molnupiravir sẽ là công cụ rất hữu hiệu cho mục tiêu kiểm soát dịch hiện nay.
Khi độ phủ vaccine tương đối cao, phác đồ theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị của phiên bản 7 của Bộ Y tế bắt đầu từ tháng 10/2021. Mặc dù đây là hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, nhưng lúc đó chúng ta nhìn nhận rất rõ hiệu quả của vaccine cũng như thuốc kháng virus trong phiên bản này: vaccine là yếu tố quan trọng nhưng chỉ phòng bệnh, còn thuốc kháng virus đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị Covid-19. Tuy nhiên việc sử dụng Molnupiravir này vẫn còn hạn chế bởi hiện nay, thuốc này đang được cấp theo cơ chế thử nghiệm lâm sàng chứ chưa có nguồn thuốc mang tính chất thương mại. Nếu mua theo Mỹ thì giá cả 700 USD/liều (15 triệu đồng/liều). Hy vọng, nếu chúng ta có các cơ sở sản xuất trong nước mà nhận nhượng quyền của hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức nghiên cứu phát triển thì rất thuận lợi. Khi ấy giá thành sẽ hạ xuống khoảng 150.000 đồng/liều, sẽ có nhiều BN tiếp cận và sử dụng dễ dàng.
Thích ứng linh hoạt trong điều kiện bình thường mới thì từng cá nhân hãy nghĩ tới việc tuân thủ phòng chống bệnh một cách nghiêm túc. Nếu người dân không tiếp tục nỗ lực thì cái giá phải trả lại chính là mạng sống của người thân của chúng ta. Bởi quanh ta có rất nhiều nguy cơ mắc Covid-19 và diễn biến nặng. Phòng vệ cá nhân (đeo khẩu trang, rửa tay, khoảng cách an toàn) nếu làm nghiêm túc sẽ giảm đáng kể dịch bệnh. Việc ăn cùng nhau, uống cùng nhau là yếu tố sơ hở nhất khiến virus xâm nhập. Sự lơ là đó như những đốm lửa li ti, nếu bỏ qua nó sẽ tiếp tục âm ỉ và lan rộng thành đám cháy lớn. Và khi ấy việc dập tắt sẽ tổn thất rất lớn.
PV: Với biến chủng liên tục và khó lường của virus SARS-CoV-2, liệu một số nước có tự làm khó mình khi cho rằng “virus tự diệt”? Ông có khuyến cáo gì?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái: Sở dĩ các nước xung quanh có thành quả chống dịch tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc… là bởi từng cá nhân họ có tính tự trọng và tính cộng đồng rất cao. Khi nói đến phòng chống dịch phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách… thì người Nhật thực hiện rất nghiêm túc. Chính vì thế, số người mắc tại quốc gia họ hiện rất ít. Đó là điều khiến nhiều nước mong ước. Tuy nhiên, hiện nay có 1 luồng suy nghĩ cho rằng, thành công của Nhật Bản không phải do nỗ lực phòng chống dịch mà kết quả đó có được lại là nhờ virus đột biến, là con virus đó tự diệt.
Có bài báo nói, biến thể Delta có nhiều đột biến và khi các đột biến tích lũy nhiều đến mức không còn khả năng nhân lên được nữa, không còn khả năng lây nhiễm được nữa thì virus tự diệt bởi nó tích lũy quá nhiều đột biến. Và muốn con virus tự diệt thì cần để nó tự do phát triển sẽ tích lũy được nhiều đột biến…, đây là quan điểm hết sức nguy hiểm và phản khoa học.
Về mặt khoa học virus không ngừng tiến hóa, nó luôn luôn có động lực chọn lọc để tiến hóa, tăng cường khả năng thích ứng với cơ thể vật chủ. Tức là, càng qua nhiều chu kỳ virus nhân lên thì khả năng gây nhiễm cho vật chủ càng cao. Những đột biến làm cho virus không còn khả năng nhân lên, gây nhiễm sẽ loại bỏ các chủng virus đó và sẽ chọn lọc chủng virus có khả năng nhân lên thật tốt.
Tóm lại điều kiện bắt buộc để con virus tồn tại là chọn lọc các chủng có đột biến giúp nó có khả năng thích ứng, nhân lên dễ dàng chứ không phải chọn lọc các chủng có khả năng tự diệt. Tự diệt không bao giờ là xu hướng của tự nhiên. Nếu nhiều người phớt lờ các khuyến cáo phòng chống dịch mà mong muốn đạt được kết quả tốt như Nhật Bản thì tôi cho rằng đó là quá liều lĩnh và hết sức nguy hiểm. Chúng ta nên hiểu sự thành công của chống dịch đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực trong việc thực hiện từ các biện pháp cơ bản nhất cho đến các chủ trương mang tính vĩ mô.
PV: Cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này!
Lưu Hường thực hiện