Giảm đau hiệu quả cho người thoát vị đĩa đệm

Tiêm thẩm phân là phương pháp ít xâm lấn, giúp giảm đau rất hiệu quả cho người bệnh.

 

Thoát vị đĩa đệm khiến người bệnh đau đớn và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Tiêm thẩm phân là phương pháp ít xâm lấn, giúp giảm đau rất hiệu quả cho người bệnh.

Bệnh lý có thể gây nhiều biến chứng

Theo bác sĩ Trịnh Tú Tâm, Trưởng đơn vị Điện quang can thiệp và Điều trị đau, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô: Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường, chèn ép vào ống sống hay các rễ dây thần kinh gây đau. Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm nhưng phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưngthoát vị đĩa đệm cổ, do các vị trí này chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ thói quen sinh hoạt hằng ngày như: làm việc lâu với một tư thế không thoải mái, hoặc làm các công việc nặng nhọc, gây áp lực và ảnh hưởng xấu đến chức năng của đĩa đệm…

Tùy theo vị trí đĩa đệm bị thoát vị có thể gây ra các triệu chứng và ảnh hưởng đến bệnh nhân (BN) khác nhau. Thứ nhất là đau nhức: người bệnh cảm nhận thấy những cơn đau đột ngột ở vùng cổ, lan ra vùng vai gáy, tay nếu bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hoặc đau vùng thắt lưng lan xuống mông và chân với trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Tính chất đau có thể chuyển biến từ âm ỉ hoặc đau dữ dội khi BN vận động và giảm khi nghỉ ngơi.

Thứ hai là triệu chứng tê bì tay chân:khi nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài sẽ chèn ép rễ thần kinh gây đau nhức, tê bì vùng thắt lưng, vùng cổ sau đó lan dần xuống tay hay mông, đùi, bẹn chân và gót chân. Lúc này BN sẽ bị rối loạn cảm giác, luôn thấy mình như bị kiến bò trong người... Bên cạnh đó, BN cũng bị rối loạn cảm giác nóng, lạnh…

Thứ ba là yếu cơ, bại liệt: xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn nặng, thường sau một thời gian dài mới phát hiện được. Giai đoạn này BN khó có thể đi lại vận động, dần dần dẫn tới teo hai chân, teo cơ, liệt các chi phải ngồi xe lăn.

Bác sĩ Trịnh Tú Tâm (bên phải) và cộng sự thực hiện tiêm thẩm phân cho người bệnh thoát vị địa đệm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. (Ảnh: BSCC)

“Tiêm thẩm phân bằng Corticoid là một trong các biện pháp điều trị bảo tồn và an toàn đã được đề cập tới trong y văn thế giới và được áp dụng tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô từ năm 2011. Đến nay Bệnh viện đã can thiệp được khoảng 500 trường hợp thoát vị đĩa đệm điều trị nội khoa thất bại, không muốn phẫu thuật, có các bệnh kèm theo không thể phẫu thuật được hoặc đau tái phát sau phẫu thuật…”

Bác sĩ Trịnh Tú Tâm

Ưu điểm của phương pháp tiêm thẩm phân

Bác sĩ Trịnh Tú Tâm cho biết thêm, việc điều trị thoát vị đĩa đệm có thể áp dụng nội khoa (thuốc giảm đau, giãn cơ…), vật lý trị liệu, châm cứu, phẫu thuật… Các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hiện nay bao gồm mổ mở, mổ nội soi, tiêu hủy nhân nhầy bằng nhiệt, men chymopapain… Tuy nhiên, hạn chế của những phương pháp này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể bị nhiễm trùng, dị ứng với men tiêu nhân nhầy, liệt dây thần kinh, nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong. Và trên thực tế chúng tôi vẫn thấy còn khá nhiều BN sau điều trị nội khoa từ 1 đến nhiều đợt không đỡ, BN không muốn phẫu thuật hoặc mắc các bệnh kèm theo không phẫu thuật được, cần giảm đau để trì hoãn cuộc phẫu thuật… Trong những trường hợp này, tiêm thẩm phân có thể là 1 giải pháp giúpBN nhanh chóng thoát khỏi các cơn đau do thuốc được đưa trực tiếp vào vị trí bị bệnh để phát huy tác dụng tối đa tại chỗ mà không gây ra các tác dụng phụ ở những cơ quan và vị trí khác.

 

BN đau phải ngồi ngủ suốt 1 tuần, không thể nằm sấp trên bàn để thực hiện thủ thuật, phải nằm vắt ngang bàn.

Trường hợp ông N.V.T 68 tuổi ở Hà Nội bị thoát vị đĩa đệm đã lâu. Dù ông T đã điều trị nội khoa và tập vật lý trị liệu, nhưng bệnh của ông chỉ đỡ chút ít và tái phát trở lại sau ít ngày. Những ngày gần đây thời tiết trở lạnh, ông lại đau vùng thắt lưng và lan xuống 2 chân gây hạn chế vận động và có dấu hiệu teo cơ chân. Sau thăm khám, các bác sĩ tư vấn cho ông tiêm thẩm phân giảm đau. “Đáng lẽ khi làm thủ thuật, BN phải nằm sấp nhưng do BN bị đau phải ngủ ngồi suốt 1 tuần. Do vậy chúng tôi phải để BN thủ thuật trong tư thế “đặc biệt” là nằm vắt ngang trên bàn. Rất may, ngay sauthủ thuật BN đã có thể nằm nghiêng, ngửa một cách dễ dàng hơn. Sau tiêm thẩm phân rễ thần kinh, nếu BN được kết hợp tập phục hồi chức năng, mọi sinh hoạt sẽ sớm trở lại bình thường”, bác sĩ Tâm cho hay.

Hiện nay có 3 phương pháp tiêm chính hay được sử dụng là tiêm ngoài màng cứng, tiêm chọn lọc rễ thần kinh và tiêm khớp liên mấu. Trong đó, tiêm ngoài màng cứng được chỉ định cho đau thắt lưng thứ phát do hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm có hoặc không có triệu chứng đau kiểu rễ hoặc đau thắt lưng không rõ nguyên nhân. Tiêm khớp mấu sau được dùng trong trường hợp đau lưng do thoái hoá khớp mấu sau hoặc do chấn thương. Tiêm thẩm phân chọn lọc rễ thần kinh được chỉ định rộng rãi trong điều trị và chẩn đoán đau lưng, thắt lưng cấp hoặc mạn tính kiểu rễ. Hiện nay, với sự hỗ trợ của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cắt lớp vi tính, màn tăng sáng trong quá trình thực hiện thủ thuật giúp cho việc đưa kim vào vị trí cần tiêm dễ dàng, chính xác hơn, giúp nâng cao hiệu quả của thủ thuật và giảm biến chứng cho người bệnh.

Ngay sau thủ thuật bệnh nhân đã có thể nằm nghiêng, ngửa dễ dàng.

Với xu hướng mới của y học đang nghiêng về các can thiệp qua da không phẫu thuật thì tiêm thẩm phân giảm đau cột sống thắt lưng - đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm là một phương pháp ngày càng được áp dụng nhiều hơn với ưu điểm cho giảm đau nhanh chóng ngay sau tiêm, hạn chế tác dụng của thuốc qua đường toàn thân và mức độ xâm lấn tối thiểu cũng như thời gian can thiệp ngắn, thời gian theo dõi chỉ vài giờ sau thủ thuật./.

Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Theo bác sĩ Trịnh Tú Tâm, thoát vị đĩa đệm ở người lớn tuổi, nguyên nhân chủ yếu thường là hậu quả của thoái hóa đĩa đệm, cùng với sự tăng dần của tuổi tác, đĩa đệm sẽ ngày càng bị khô, trở nên kém linh hoạt và dễ bị tổn thương khi bị chấn thương. Còn thoát vị đĩa đệm ở người trẻ phần lớn do chấn thương hoặc những thói quen sai lầm trong sinh hoạt hằng ngày.

Thoát vị đĩa đệm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên chúng ta có thể chủ động phòng ngừa thoát vị đĩa đệm bằng cách:Đối với những người cao tuổi: thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhất là canxi để tăng sức đề kháng cho xương khớp; Hạn chế khuân vác đồ vật nặng, mang vật nặng đúng tư th đểế tránh gây áp lực cho cột sống khiến đĩa đệm bị tổn thương;

Xây dựng và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các thực phẩm chứa nhiều canxi, các loại rau củ xanh; Hạn chế các chất kích thích, các đồ uống có cồn vì đây cũng là những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm; Giữ cho cột sống thẳng khi làm việc, giữ khoảng cách phù hợp với máy tính, không quá cúi cổ.

Cứ mỗi 45 phút làm việc, nên đứng lên đi lại tại chỗ khoảng 5 phút để cột sống và đĩa đệm không bị mỏi; Luyện tập các động tác hoặc môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe. Tuy nhiên, cần có chế độ thực hiện khoa học, tập vừa sức để hạn chế tình trạng căng cơ; Giữ ấm vùng cổ, vai, lưng khi thời tiết lạnh, khi đi xe máy, đi ngủ;

Dành thời gian khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị kịp thời. Với người trẻ tuổi, cần loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, trong đó chú ý tư thế hợp lý trong lao động, vận động và hoạt động, đặc biệt là tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng. Khi bê vác vật nặng nên ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, tránh thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên, và tập thể dục đúng cách…

Lưu Hường

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận