Tiêm vaccine mũi thứ 3 cần theo đúng lộ trình

Người sử dụng vaccine phải tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của WHO, không thể vì lo sợ thừa thiếu vaccine, lo sợ dịch bệnh nhiều mà bỏ qua các khuyến cáo này.

 

“Một số nơi sau tiêm mũi 2 khoảng 2 - 3 tháng đã náo loạn đi tiêm mũi 3, có người tiêm đến mũi 4 mà không hiểu hết các tác hại của sự lạm dụng vaccine”, PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung, nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi với PV báo TNVN.

PV: Thưa PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung, Bộ Y tế chỉ định việc tiêm vaccine mũi 3 cách mũi 2 từ 3 đến 6 tháng. Đây có đúng với quy định của nhà sản xuất cũng như khuyến cáo của WHO?

PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung: Ở đây có 2 lý do chúng ta cần phải nói đến.

Về virus SARS-CoV-2, vật liệu di truyền của chúng giống như cúm mùa, đó là hợp chất RNA nên chúng cũng rất dễ biến đổi. Từ năm 2019 tới nay đã có các biến thể SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng lo ngại được phát hiện lần đầu tại Trung Quốc, Anh, Nam Phi, Brazil , Ấn Độ… WHO cũng thống nhất gọi theo ký hiệu bao gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta, Mu… và bây giờ là Omicron. Trong đó, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất, chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu. Biến thể Omicron hiện nay đang lây lan nhanh hơn rất nhiều các chủng ban đầu.

Về vaccine: Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của vaccine trong phòng chống đại dịch Covid-19, hàng trăm ngàn ca có nguy cơ tử vong đã được ngăn chặn nhờ vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới. Thế nhưng, cũng giống như vaccine phòng bệnh cúm mùa, vaccine phòng ngừa Covid không thể ngăn ngừa tất cả các loại virus SARS-CoV-2 biến thể. Hơn nữa, hiệu lực bảo vệ của vaccine ngừa Covid cũng giảm dần theo thời gian giống như vaccine ngừa cúm mùa.

PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung, nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.Tuy nhiên cũng phải lý giải thêm là, khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện, hầu hết các nền y học trên thế giới đều ngỡ ngàng, lúng túng, bị động đối phó, chỉ khi đã nhận biết được bản chất cấu tạo của virus, tất cả kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến nhất của các ngành y học, sinh học, hóa học, lý học… về virus đều được đem ra để hạn chế thấp nhất hậu quả do Covid mang đến, trong đó có các trung tâm nghiên cứu về vaccine. Vaccine không thể ngay lập tức “hoàn hảo” mà phải là cả một quá trình thử nghiệm để có hiệu quả bảo vệ cao. Do vậy các loại vaccine được sản xuất vào năm 2020 đến đầu năm 2021 có thể chưa đạt được độ “hoàn hảo”, có nghĩa là hiệu quả bảo vệ chưa cao hoặc thời gian suy giảm kháng thể nhanh.

Trong lịch sử y học, không có loại vaccine nào được phát triển nhanh như vaccine ngừa Covid. Hai năm qua (2020 - 2021), có 23 loại vaccine khác nhau chống lại SARS-CoV-2 đã được chấp thuận sử dụng trên khắp thế giới và hiện có hàng trăm loại vaccine ngừa Covid-19 khác đang được phát triển và tùy theo công nghệ của mỗi hãng sản xuất mà hiệu quả bảo vệ khác nhau, mũi tiêm cơ bản khác nhau. Vaccine phòng Covid hiện nay vẫn đang trong quá trình tiến tới “hoàn hảo”, có nghĩa là, chưa tìm ra được loại vaccine tiêm số mũi tối thiểu nhưng hiệu quả bảo vệ tối đa như vaccine phòng đậu mùa, sởi…

Tiêm vaccine phòng Covid là gây miễn dịch chủ động do kháng thể được sinh ra trong khoảng thời gian 4 - 6 tháng, kháng thể sinh ra từ 2 liều vaccine cơ bản bị suy giảm dần, vì vậy, tiêm nhắc lại (tiêm mũi 3 tăng cường) nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch làm cho kháng thể trong cơ thể lại được tăng lên nhằm chống lại tác nhân gây bệnh là SARS-CoV-2. Hơn nữa, các loại vaccine đã phát triển trong năm 2021 là để phòng SARS-CoV-2 với các biến chủng như Alpha, Beta, Gamma, Delta, vậy bây giờ là Omicron đang lây lan mạnh thì các vaccine thế hệ 2021 có phòng được không? Đây là vấn đề mà các trung tâm sản xuất vaccine đang làm rõ và người ta cũng đã khẳng định là có.

Về mặt miễn dịch học, một mũi tiêm nhắc lại sau 6 tháng tiêm liều thứ 2, liều đó sẽ bền hơn so với 2 liều đầu tiên.

Chính vì những lý do trên, WHO đã khuyến cáo nên tiêm phòng vaccine Covid-19 mũi thứ 3 tăng cường sau 5 tháng tiêm 2 mũi cơ bản (sau 2 tháng đối với loại vaccine tiêm 1 mũi cơ bản) cho những người từ 12 tuổi trở lên. Những người trên 65 tuổi bị suy giảm miễn dịch có thể tiêm bổ sung liều thứ 4. WHO chưa đưa ra các khuyến cáo về tiêm mũi 5, 6. Nhiều chuyên gia dự đoán liều tăng cường sẽ giống vaccine cúm hằng năm và một ngày nào đó rất có thể sẽ tiêm kết hợp cả vaccine cúm và vaccine Covid-19.

PV: Một số chuyên gia cho rằng, ngay từ khi có vaccine thương mại, nhà sản xuất đã khuyến cáo mũi tiêm thứ 3 sẽ cách mũi 2 ít nhất là 6 tháng, và chỉ áp dụng cho người từ 65 tuổi trở lên. Việt Nam áp dụng mũi tiêm thứ 3 như hiện nay có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của người tiêm, thưa ông?

PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung: Như trên tôi đã nói, WHO đang khuyến cáo về tiêm phòng Covid mũi thứ 3 tăng cường cho người từ 12 tuổi trở lên sau 5 tháng tiêm 2 mũi cơ bản, người 65 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch như thể trạng gầy yếu, mắc các bệnh nền mãn tính, suy kiệt sau mổ… có thể tiêm mũi thứ 4.

Các biến chứng thường gặp sau tiêm vaccine phòng Covid là sốc phản vệ, huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, hội chứng Guillain-Barré. Đây là các biến chứng tương đối nặng, thậm chí dẫn tới tử vong sau tiêm vaccine phòng Covid.

Ở đây ta thấy rằng, các nhà sản xuất vaccine thương mại luôn luôn nghiên cứu để hoàn chỉnh các sản phẩm của mình sao cho người dùng yên tâm nhất cả về hiệu quả bảo vệ, cả về sức khỏe sau tiêm. Như vậy, các khuyến cáo của họ luôn chặt chẽ bởi vì nó được đưa ra sau các nghiên cứu cộng đồng sâu rộng, các mẫu nghiên cứ lớn đủ độ tin cậy. Chúng ta, những người sử dụng vaccine phải tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo đó, không thể vì lo sợ thừa, thiếu vaccine, lo sợ dịch bệnh nhiều mà bỏ qua các khuyến cáo này, đặc biệt đối với những người có tiền sử dị ứng thì càng phải tuân thủ chặt chẽ thời gian tiêm vaccine.

Thời gian tiêm mũi nhắc lại cần tuân thủ khuyến cáo của WHO.PV: Người khỏe mạnh sẽ chỉ tiêm 3 mũi vaccine phòng Covid-19, hoặc cùng lắm tiêm 4 mũi. Vì sao Bộ Y tế lại ban hành giấy chứng nhận mới gồm 7 mũi tiêm vaccine?

PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung: Cho đến nay chưa có khuyến cáo của WHO cho người khỏe mạnh từ 12 - 65 tuổi tiêm 4 mũi vaccine, tức là tiêm thêm mũi bổ sung. Hiện mới chỉ có Israel đang tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 4.

Bộ Y tế ban hành giấy chứng nhận mới gồm 7 mũi tiêm với lý do hiện nay Việt Nam nhập vaccine về từ nhiều nguồn, riêng liều cơ bản có hãng khuyến cáo tiêm 1 mũi, có hãng tiêm 2 mũi, có hãng tiêm 3 mũi… cộng thêm với các liều tăng cường, liều bổ sung. Một số chuyên gia của Bộ Y tế đã giải thích về vấn đề này.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, mặc dù đã được giải thích nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết, hiểu nhầm về chứng nhận này, Bộ Y tế nên tăng cường giải thích hơn nữa trên các phương tiện truyền thông và tiếp tục nghiên cứu một mẫu chứng nhận mới cho phù hợp, dễ hiểu và thuận tiện.

PV: Gần đây, một chuyên gia hàng đầu góp phần tạo ra vaccine AstraZeneca cảnh báo, việc tiêm chủng Covid-19 tăng cường nhiều lần trong một năm là bất khả thi, là không bền vững, khó trang trải về chi phí... Ông có thể lý giải về vấn đề này?

PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung: Trả lời phỏng vấn của tờ Telegraph, Giáo sư Andrew Pollard, người đồng phát triển vaccine AstraZeneca nói rằng: “Chúng ta không thể tiêm chủng cho cả hành tinh cứ 4 - 6 tháng một lần. Điều này vừa không có tính bền vững, vừa tốn kém. Trong tương lai, chúng ta cần hướng đến những người dễ bị tổn thương”. Ông nói rằng nhiều người ở châu Phi thậm chí còn chưa nhận được liều đầu tiên, vậy nên “chúng ta sẽ không thể kiểm soát được đến tận liều thứ 4 cho tất cả”.

Jerome Kim - Tổng giám đốc của Viện Vaccine quốc tế cảnh báo: “Đợt tiêm tăng cường hiện nay, với các loại vaccine sinh miễn dịch gần như tối ưu dựa trên các chủng ban đầu, là nhằm để câu giờ. Tuy nhiên, thực tế nếu tiêm vaccine cứ 3 tháng 1 lần sẽ phức tạp, khó thực hiện, tốn kém và có khả năng sinh kháng thuốc".

Nghiên cứu của Giáo sư Marion Pepper tại Đại học Washington cho thấy việc tiêm tăng cường lặp đi lặp lại với cùng một loại vaccine sẽ không cho thấy lợi ích vô hạn. Những người đã nhiễm bệnh, sau đó tiêm đầy đủ và thêm liều tăng cường không nhận nhiều lợi ích từ liều thứ 3 này.

Tại Việt Nam, chúng ta đã nhìn thấy một bức tranh vaccine rất phức tạp, hiện có tới 8 loại vaccine đang lưu hành tại các địa phương, việc nôn nóng trong chống dịch, thiếu kế hoạch cụ thể, sự sợ hãi, hậu quả của các quyết định thiếu thống nhất giữa các địa phương, thiếu minh bạch đã làm cho nhiều khâu bị rối loạn, vaccine phải gia hạn, số người được tiêm, đối tượng tiêm, số mũi tiêm, thời gian tiêm nhiều khi bị lạm dụng quá mức, thậm chí có cả lừa đảo tiêm vaccine không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn. Một số nơi sau tiêm mũi 2 khoảng 2 - 3 tháng đã náo loạn đi tiêm mũi 3, có người tiêm đến mũi 4 mà không hiểu hết các tác hại của sự lạm dụng vaccine, đó thực sự là một nỗi lo hậu vaccine.

PV: Các chuyên gia cảnh báo, với biến chủng Omicron, việc tiêm mũi tăng cường chỉ cần cách 3 tháng. Ông có khuyến cáo gì?

PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung: Có quá nhiều điều chưa biết về Omicron, hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về biến chủng mới này và những gì thực sự sẽ chống lại nó. Vậy trong thời gian chờ đợi kết quả, chúng ta phải làm gì? Biến thể Omicron lây lan dễ dàng hơn gấp nhiều lần so với virus SARS-CoV-2 ban đầu và hiện vẫn chưa biết rõ mức độ Omicron lây lan dễ dàng như thế nào so với Delta. CDC (Mỹ) cho rằng bất kỳ ai nhiễm biến thể Omicron cũng có thể lây virus cho người khác, dù họ đã được tiêm chủng hoặc không có các triệu chứng. Hiện vẫn cần thêm nhiều dữ liệu để biết liệu việc nhiễm bệnh, tái nhiễm và nhiễm đột phá của biến thể Omicron ở những người đã tiêm chủng đầy đủ, gây bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong nhiều hơn so với việc nhiễm các biến thể khác hay không?

Cho đến nay đã có nhiều bằng chứng cho thấy vaccine phòng Covid-19 ngăn ngừa bệnh nặng do nhiễm biến thể Omicron. Các loại vaccine hiện tại được kỳ vọng sẽ có khả năng bảo vệ người tiêm tránh bị bệnh nặng, nhập viện và tử vong do nhiễm biến thể Omicron. Do đó, trường hợp nhiễm đột biến ở những người đã tiêm chủng đầy đủ có thể xảy ra. Với các biến thể khác, như Delta, vaccine hiện vẫn có hiệu quả trong việc phòng tránh bị bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Tình trạng mới xuất hiện gần đây của biến thể Omicron càng nhấn mạnh thêm vào tầm quan trọng của việc tiêm chủng và tiêm nhắc lại. Song, thời gian tiêm mũi nhắc lại vẫn phải tuân thủ khuyến cáo của WHO, đó là tiêm mũi thứ 3 tăng cường sau mũi tiêm thứ 2 của 2 mũi cơ bản ban đầu là từ 4 - 6 tháng. Tiêm sớm quá sẽ xảy ra hiện tượng kích thích miễn dịch quá thường xuyên có thể gây phản tác dụng, một số tế bào miễn dịch có thể ngừng phản ứng với vaccine hay còn gọi là kháng vaccine.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận