“Khi chăm sóc trẻ mắc Covid-19, cha mẹ cần bình tĩnh, từng bước xử lý cho con mình như một nhân viên y tế thực thụ”, PGS.TS.BS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh điều này khi trả lời Báo TNVN.
Xin ông cho biết tình hình trẻ em nhập viện liên quan tới Covid-19 thời gian gần đây?
Thời gian này là mùa đông xuân, thời tiết là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm hô hấp trên ở trẻ em và trẻ nhỏ. Căn nguyên gây bệnh chủ yếu là virus như virus hợp bào hô hấp, rhino virus, Adenovirus và virus SARS-CoV-2. Tại BV Nhi Trung ương cũng như các bệnh viện khác của Hà Nội có khá nhiều trẻ đến khám vì sốt, ho, viêm hô hấp trên, trong đó tỷ lệ phát hiện ra căn nguyên là SARS-CoV-2 khá cao, hàng trăm trẻ mỗi ngày.
Theo số liệu của CDC Hoa Kỳ, tỷ lệ nhập viện của trẻ em mắc Covid-19 không cao, chỉ khoảng 1-2%, có nghĩa là tình trạng chuyển nặng rất ít ở trẻ em mắc Covid-19. Tại BV hiện nay, số liệu cũng tương tự, hàng trăm cháu vào khám nhưng sau sàng lọc thì chỉ có khoảng 2-3 cháu cần nhập viện can thiệp điều trị.
Khi trẻ có các biểu hiện hắt hơi, chảy mũi, sốt, mệt mỏi, kèm theo đó có tiền sử tiếp xúc với các trường hợp đã mắc Covid-19, đặc biệt là những người trong gia đình, nghĩa là trẻ nghi ngờ mắc Covid-19, cha mẹ cần bình tĩnh, đánh giá tình trạng của trẻ.
Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, quấy khóc, mệt mỏi, kém tương tác với cha mẹ, hoặc li bì, có thể làm test nhanh cho các cháu để xác định có mắc Covid hay không, hãy thông báo cho y tế cơ sở gần nhất để được hướng dẫn, theo dõi và quản lý.
Khi trẻ mắc Covid-19, trường hợp nào cần phải nhập viện và trường hợp nào thì có thể điều trị tại nhà?
Như nhận định các dấu hiệu của trẻ ở trên, trực tiếp cha mẹ có thể đánh giá các mức độ để cho con mình ở nhà hay phải nhập viện. Trẻ ở nhà tiếp tục cách ly và điều trị khi: Trẻ tỉnh táo, tiếp xúc với cha mẹ tốt. Sốt vừa, kể cả sốt cao nhưng đáp ứng với thuốc hạ sốt, khi hạ sốt cháu chơi ngoan. Ăn, bú, uống nước tốt. Kể cả với trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ nếu như các dấu hiệu ăn, bú, chơi ngoan, sốt đáp ứng thuốc hạ sốt thì cũng có thể chăm sóc các cháu tại nhà.
Một số trường hợp phải nhập viện khi trẻ có sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Có co giật do sốt cao. Trẻ dưới 3 tháng tuổi. Có biến chứng như viêm phổi, dấu hiệu thần kinh li bì, kém tương tác cha mẹ.
Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đã thông báo các cơ sở y tế trực thuộc phải tổ chức tiếp nhận, thăm khám, sàng lọc các cháu. Các đơn vị như BV Xanh Pôn, Đức Giang, Hà Đông, Sơn Tây, Đống Đa, Thanh Nhàn đều có các cơ sở thăm khám và điều trị Covid-19 cho trẻ em, kể cả điều trị ở mức độ nặng, nguy kịch.
Do vậy, cha mẹ các cháu có thể đánh giá được tình trạng của con mình, nếu cần phải thăm khám thì có thể đến cơ sở y tế gần nhất theo địa chỉ trên để yên tâm hơn.
Khi chăm sóc con bị mắc Covid tại nhà, cha mẹ cần lưu ý điều gì thưa bác sĩ?
Như phần trên tôi đã trình bày, điều đầu tiên là cha mẹ các cháu cần bình tĩnh, từng bước xử lý cho con mình như một nhân viên y tế thực thụ.
Về hạ sốt: Nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C, cha mẹ sử dụng thuốc Paracetamol dạng uống hoặc đặt hậu môn, 10-15mg/kg, mỗi 4-6 giờ/lần. Nếu trẻ sốt cao, có thể sử dụng thêm khăn ấm để chườm, không chườm nước đá, hoặc cồn nguy hiểm gây co mạch của trẻ. Đáp ứng thuốc hạ sốt khi 30 phút - 1 giờ sau trẻ hạ được nhiệt độ xuống quanh 38,0 độ C. Theo dõi nhiệt độ cho con kể cả trong đêm.
Một số trẻ 6 tháng - 6 tuổi có cơ địa sốt cao co giật, cha mẹ không hốt hoảng, không nhét bất kỳ vật gì vào miệng trẻ, không ôm ghì lấy trẻ. Bình tĩnh đặt trẻ trên nền cứng, đầu nghiêng một bên. Quan sát môi trẻ, tri giác, cơn giật. Hạ nhiệt và chườm ấm. Khi trẻ hết giật, nhiệt độ hạ hơn, mới cho trẻ đi cấp cứu. Nếu cơn giật kéo dài, gọi cấp cứu 115. Tiếp tục theo dõi, hô hấp nhân tạo khi cần cho trẻ.
Về uống nước: sử dụng nước ấm, nước điện giải (pha đúng liều lượng ghi trên vỏ gói thuốc), cho uống ít một, không sử dụng quá nhiều nước cam, nước quả. Các cháu đủ nước khi đi tiểu trong hơn, nhiều hơn. Cho trẻ uống nước kể cả về đêm. Khi cho trẻ ăn cha mẹ lưu ý cho trẻ ăn nhẹ hơn mọi ngày, tránh ép gây nôn chớ, đặc biệt khi trẻ có sốt cao 1-2 ngày đầu. Đồ ăn đảm bảo vệ sinh, không cho ăn nhiều đồ lạ hơn so với ngày thường tránh gây ngộ độc hay dị ứng.
Lưu ý vệ sinh mũi bằng nước muối biển, hay nước muối sinh lý. Vệ sinh miệng sau ăn, trẻ lớn đánh răng, súc miệng bằng nước súc miệng. Không tự ý nhỏ thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống chống viêm, thuốc kháng virus, thuốc xịt mũi nếu không có chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ hãy liên hệ sát sao với các nhân viên y tế phường, xã để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang thực hiện