Tại sao trẻ cần tiêm mũi vaccinetăng cường phòng Covid-19?

Trẻ tiêm mũi nhắc vaccine Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo: Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Tiêm mũi nhắc vaccine Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.

Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vaccine phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2. Các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, tại Việt Nam, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, các biểu hiện khi mắc bệnh thường nhẹ hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng nhưng hậu quả của Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe các em. Tại nước ta đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc Covid-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn mắc hậu Covid-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng. Ông Điển cho biết, thời gian qua khi dịch Covid-19 giảm xuống thì tỷ lệ trẻ bị hậu Covid-19 tăng lên, trong đó đặc biệt là nhóm bệnh nhân mắc hội chứng MIS-C. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số bệnh nhi điều trị hậu Covid-19 trong thời gian qua là 756 lượt bệnh nhân. Trong đó có 283 bệnh nhân mắc MIS-C, chủ yếu là nhóm trẻ từ 5-12 tuổi, có 62,4% trẻ cần điều trị hồi sức.

Theo ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế: Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ vừa ghi nhận bằng chứng khoa học từ nghiên cứu của Đan Mạch với gần 600.000 trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm Covid-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine phòng Covid-19 có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc MIS-C ở nhóm đã tiêm vaccine, với tỷ lệ cứ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 thì chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C; thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm vaccine Covid-19 với tỷ lệ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 ó tới 45 trẻ mắc MIS-C. Hiệu quả bảo vệ của vaccine để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em nhiễm Covid-19 lên tới trên 90%./.

Bình luận

    Chưa có bình luận