Nơi tìm lại cơ hội sống cho trẻ sinh non

Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh của BV Phụ sản Trung ương đã lập nhiều kỳ tích khi nuôi dưỡng và cứu sống rất nhiều em bé sơ sinh nhẹ cân thiếu tháng...

 

Nhiều năm qua, Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã lập nhiều kỳ tích khi nuôi dưỡng và cứu sống rất nhiều em bé chào đời nhẹ cân thiếu tháng, trở về với vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Kỳ tích của ngành y

Một ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông báo tin vui bệnh viện đã nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non 500 gram là người nước ngoài. Mẹ bé là người Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở Canada, bố bé là người Canada. Chị Bùi Ngọc D (mẹ của bé) 34 tuổi, có tiền sử 1 lần sảy thai 8 tuần, 3 lần thai lưu lúc 20 - 22 tuần vì tiền sản giật. Khi có thai bé lần này, ở tuần thứ 12, chị D quyết định về Việt Nam theo dõi và điều trị cao huyết áp tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, theo dõi thai tại Bệnh viện Vinmec. Tuy nhiên, khi thai được 24 tuần, chị D phải nhập viện Phụ sản Trung ương.

PGS.TS Trần Danh Cường cho biết, khi tiếp nhận thăm khám cho sản phụ, các bác sĩ cũng lo lắng và xác định đây là một ca khó do tiền sử bệnh của chị D là tiền sản giật, phù. “Tôi động viên sản phụ và cả các đồng nghiệp cùng nhau cố gắng giữ thai đến 28 tuần, vì mỗi ngày ở trong bụng mẹ bé tăng cơ hội sống thêm 3%. Dù chị D được theo dõi, điều trị sát sao tại Khoa hồi sức, với tất cả các phương tiện hiện đại nhất, nhưng thai cũng chỉ được 25 tuần 6 ngày, vì nếu kéo dài sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và bé. Ca mổ bắt con diễn ra nhanh chóng, ngay sau đó bé được đưa ngay đến Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh để chăm sóc đặc biệt”, bác sĩ Cường cho biết.

Niềm hạnh phúc của gia đình chị D trong ngày con trai được xuất viện, trở về vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Với em bé cực kỳ thấp cân non tháng sẽ gặp những nguy cơ sau sinh như: ngạt; suy hô hấp; hạ thân nhiệt; xuất huyết đặc biệt nguy hiểm (xuất huyết não, phổi); khó khăn nuôi dưỡng; dễ viêm ruột hoại tử; nhiễm trùng sơ sinh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu); rối loạn chuyển hóa; vàng da, tan máu, thiếu máu. Do đó, việc phòng chống nhiễm khuẩn cho trẻ non tháng theo nhiều tầng là điều hết sức quan trọng. Trẻ sơ sinh non tháng đã nhiễm trùng là rất nặng, kiểm soát được nguy cơ này em bé sẽ có cơ hội hồi sinh.

việc ấp căng-ga-ru sẽ giúp bé phát triển tốt.

“Với một em bé nặng 500 gram, cái chân nhỏ chưa bằng ngón tay út người lớn, việc nuôi dưỡng tĩnh mạch, lấy ven vô cùng khó khăn. Các bác sĩ cũng lo lắng đến nguy cơ viêm ruột hoại tử sẽ rủi ro cho việc nuôi dưỡng. Đặc biệt, trẻ dễ bị nhiễm trùng, suy dinh dưỡng mạn tính vì chào đời khi quá non từ cơ thể người mẹ có tiền sản giật nặng nề. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra. Với sự nỗ lực tận tâm của các y bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, bé đã hồi sinh ngoạn mục. Đến ngày 3/1/2023, khi được 97 ngày tuổi (tương đương tuổi thai 38 tuần),  bé nặng 2kg, tự thở khí trời, phản xạ bú tốt, siêu âm tim, siêu âm qua thóp chưa phát hiện bất thường, biết cười tự phát, Trung tâm trao trả em bé về với vòng tay yêu thương của cha mẹ”, PGS.TS Trần Danh Cường vui mừng tuyên bố.

Đón con từ tay bác sĩ Cường, vợ chồng chị D vô cùng hạnh phúc. Ánh mắt vui mừng, giọt lệ rưng rưng nơi khóe mắt sau bao nhiêu năm chờ đợi đứa con đầu lòng, chỉ D xúc động: “Gia đình tôi không biết bày tỏ lòng biết ơn như thế nào. Chúng tôi cảm ơn các y bác sĩ nhiều lắm. Có lẽ, đây là cái Tết rất hạnh phúc của gia đình”.

“Những nỗ lực của chúng tôi mang lại niềm vui không chỉ cho gia đình chị D mà còn là niềm vui của y học nước nhà những ngày đầu năm, đặc biệt trong ngành sản khoa. Điều tôi tự hào nhất là kỹ năng cũng như chuyên môn chăm sóc trẻ non tháng có bệnh lý của y bác sĩ nơi đây không chỉ giúp các gia đình hiếm muộn được làm bố làm mẹ, mà còn nuôi sống nhiều trường hợp khó, bệnh lý... Cha mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội, hãy cùng chúng tôi tìm lại cơ hội sống cho các bé”.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Bé được mát-xa miễn phí tại Trung tâm.Đem lại cơ hội sống cho các bé

TS.BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh cho biết, đây không phải là lần đầu tiên BV cứu sống trẻ sinh non, nhẹ cân. Từ năm 2010, Trung tâm đã đón 8 trẻ sinh non chỉ từ 400-600 gram, ở tuổi thai từ 25-28 tuần. Trong 10 năm qua (từ 2011-2021), tỷ lệ trẻ sinh non dưới 1.000 gram được cứu sống đã tăng từ 18 lên 40%. Đặc biệt là kỳ tích nuôi sống bé gái sinh non vào năm 2021, quê ở Nghệ An, nặng 400 gram; và tháng 10/2022, điều trị thành công cặp song sinh, sinh non ở tuần 25 và nặng chỉ 500 gram/bé.

Nhìn những em bé tí hon thở thoi thóp trong lồng ấp, đứa nằm nghiêng, đứa nằm sấp, mỗi bé một dáng nằm, xung quanh chằng chịt dây rợ chúng rôi càng cảm phục những “ông bố bà mẹ thứ 2” vất vả ngày đêm, từng giây, từng phút, từng giờ... để giành giật sự sống cho các em bé nơi đây.

bé gái tên T.T.A khi sinh ra chỉ nặng 400g.

Khi hỏi về hành trình nuôi con của vợ chồng chị D, TS.BS Lê Minh Trác cho biết, đối với bé trai này Trung tâm đã áp dụng thành công chiến lược nuôi các bé sơ sinh cực kỳ nhẹ cân như đặt nội khí quản ngay từ đầu, mát-xa sớm, cho ăn sớm. Em bé được ăn sữa mẹ ngay từ ngày đầu bằng đường tĩnh mạch, vào ngày thứ 12 thì ăn hoàn toàn bằng đường tiêu hóa. Ban đầu các điều dưỡng cho bé ăn từng giọt sữa một, mỗi lần ăn 10 giọt, ngày đầu bé ăn 16 bữa. Cứ thế, tỷ lệ được điều chỉnh tăng dần mỗi ngày.

“Vào ngày thứ 40 bé bị viêm phổi, tuy nhiên sau đó ổn dần. Mỗi ngày bé được mát-xa sẽ giúp phát triển thần kinh, lưu thông mạch máu, tránh bại não và giúp hệ thống tiêu hóa phát triển tốt hơn. Thần kinh phát triển giúp hô hấp ổn định, tránh các cơn ngừng thở, tím tái, có phản xạ bú sớm. Mặt khác, dầu mát-xa ngấm qua da như một phần dinh dưỡng giúp da phát triển tốt và tránh viêm loét da cho bé”, TS.BS Lê Minh Trác cho biết thêm: Để đạt được các thành công này, Trung tâm phải thực hiện nghiêm ngặt về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, vô khuẩn, ứng dụng thành công các kỹ thuật như thở máy, bơm sunfantan, chống tắc nghẽn đường thở, lồng ấp cách ly môi trường, cân bằng nước điện giải, chiếu đèn điều trị vàng da…

Là người hơn 25 năm gắn bó với trẻ sơ sinh, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh - chị Lê Thị Vân chia sẻ, việc nuôi thành công những bé sinh non còn là niềm tự hào cá nhân, là sự tận tụy với nghề, tình yêu với trẻ. Bản thân chị Vân cũng là sản phụ sinh non và được chăm sóc ngay tại Trung tâm, hiện nay, con trai chị đã 15 tuổi và phát triển tốt. Vì vậy, chị Vân càng thấu hiểu và luôn luôn mong mỏi giúp được nhiều ông bố bà mẹ có được niềm hạnh phúc như mình. Chị nhớ như in trường hợp em bé 400 gram (ở Nghệ An), sinh đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, do chính tay mình chăm sóc tỉ mỉ từ những ngày đầu đến khi xuất viện. Đây là em bé nhẹ cân nhất tại Việt Nam được cứu sống. Đó không chỉ là kỳ tích trong lĩnh vực nuôi dưỡng và cứu sống trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương mà còn là thành tựu của ngành y cả nước nói chung. Chị Vân cho biết, em bé sinh non 400 gram có đặc điểm bệnh lý bụng chướng nên chị Vân được chỉ định thực hiện mát-xa, sau đó là đặc cách chăm sóc riêng cho bé này.

PGS.TS Trần Danh Cường và TS.BS Lê Minh Trác thăm hỏi 2 mẹ con đang thực hiện Kagaroo tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản Trung ương.

Bác sĩ Trác cho biết, việc chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng các bé sinh non, nhẹ cân vô cùng khó khăn. Các bác sĩ phải theo dõi từng phút, từng giờ trong các điều kiện ngặt nghèo về vệ sinh và y tế. Việc chăm sóc dinh dưỡng cho các bé hết sức tỉ mỉ, khoa học. Ở Mỹ, nơi có các kỹ thuật chăm sóc trẻ sơ sinh hiện đại nhất thế giới, tỷ lệ nuôi thành công các bé sinh non tháng, nặng 500 gram hiện là 41% thì ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ này là 31%. Đây là một con số đáng tự hào trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của Việt Nam thua xa Mỹ.

Hệ thống chăm sóc trẻ sinh non bao gồm máy móc và bác sĩ cùng các điều dưỡng theo dõi 24/24h. Tại khu hồi sức, mỗi điều dưỡng sẽ phụ trách chăm sóc khoảng 20-25 bé. Tại khu hồi sức tích cực, một cô chăm 9-10 trẻ. Trong khi ở nước ngoài phải có 1-2 điều dưỡng chăm 1 bé. Đồng thời, ở nước ngoài họ cũng có người đặt nội khí quản riêng, làm ven riêng, phục hồi chức năng riêng… nhưng tại Việt Nam các điều dưỡng gần như phải đảm đương hết các công việc này.

Chỉ nghe tiếng tít tít, bíp bíp, ting ting, ro ro…, các điều dưỡng sẽ phân biệt được đâu là tín hiệu cơn ngừng thở, tím tái, hạ thân nhiệt, thông số lồng ấp thay đổi… Cả ngày, họ tất bật, chạy đôn chạy đáo để xem xét, ghi chép, rồi làm thuốc… Các y bác sĩ phải tập trung cao độ để ứng phó nguy cơ có thể xảy ra hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, suy hô hấp, nhiễm khuẩn, vàng da, viêm ruột hoại tử… Đây là những cấp cứu tối quan trọng bởi nếu sơ sểnh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ sơ sinh chỉ ngưng thở 15-25 giây, không có ô-xy lên não là sẽ tử vong.

Để có được những kỳ tích này, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, còn là sự nâng đỡ yêu thương của các “từ mẫu áo trắng” nơi đây, giúp bao đứa trẻ hồi sinh, được trở về với vòng tay của bố mẹ./.

Hương Giang
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận