"Bệnh do ký sinh trùng nếu như không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm” - Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng Viam Clinic - Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh điều này khi trả lời Báo TNVN về tình trạng nhiễm giun sán do thực phẩm không an toàn.
Mới đây Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) thông tin trong 3 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận thăm khám và điều trị 172 bệnh nhân đến từ 24 tỉnh, thành bị áp xe gan do sán lá gan lớn. Nguyên nhân được xác định là tất cả đều có thói quen ăn rau sống. Bác sĩ nhìn nhận về hiện trạng này như thế nào?
Tại Việt Nam, do điều kiện khí hậu và tập tục sinh hoạt của một số địa phương còn lạc hậu dễ tạo điều kiện cho các loại ký sinh trùng phát triển. Điển hình là việc lấy phân động vật chưa qua xử lý bón cho cây trồng như rau, cây ăn trái, tạo điều kiện cho ký sinh trùng xâm nhiễm. Ngoài ra, nhiều người không tuân thủ ăn chín, uống sôi.
Ký sinh trùng giun sán có thể tồn tại trong thức ăn nấu chưa chín như thịt bò, thịt heo, cá, cua, ếch hay rau sống… là nguồn mang rất nhiều mầm bệnh giun sán, đặc biệt là sán dây hay sán dải. Đáng lo ngại khi theo quan niệm của nhiều người, những thức ăn bổ dưỡng tươi sống như thịt tái, “ăn thuận tự nhiên” không qua chế biến sẽ tốt nhưng thực ra nó ẩn chứa mầm bệnh ký sinh trùng rất cao.
Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm giun sán có gì đáng báo động?
Nhiễm giun sán đường tiêu hóa là một vấn đề của những nước đang phát triển, đặc biệt là ở vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm nóng như Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính trên thế giới có hơn 1 tỷ người nhiễm một hay nhiều loại giun sán đường ruột, và có khoảng 2 tỷ người có nguy cơ bị lây nhiễm. Hằng năm có khoảng 3,5 triệu trường hợp có triệu chứng liên quan đến các bệnh giun tròn. Tình trạng nhiễm ký sinh trùng tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm đúng mức.
Khi nhiễm giun sán, nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, thưa bác sĩ?
Khi mắc bệnh giun sán, dấu hiệu sớm nhất sẽ xuất hiện tại hệ tiêu hóa, gây nên rối loạn tiêu hóa như bị tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, nôn ra giun sán hoặc đại tiện ra giun sán. Một số trường hợp bệnh nặng sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, nhược sắc… Ngoài ra, bệnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh khác phát triển như thiếu vitamin, sốt rét, kiết lỵ, lao phổi... do sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.
Bệnh do ký sinh trùng nếu như không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: giun đi lạc chỗ đến cơ quan quan trọng, tắc ruột, tắc ống mật, viêm màng não, rối loạn tim mạch, viêm phổi, viêm ruột, thiếu máu, suy dinh dưỡng. Đặc biệt, với người bệnh suy giảm miễn dịch thì hậu quả nặng nề, có thể biến chứng tử vong nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời.
Nước ép rau củ quả cũng mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn khi nấu chín. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi rau củ được trồng an toàn và quá trình sơ chế trước khi chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo bác sĩ, khi ăn rau sống và nước ép rau củ quả thì người dân cần lưu ý điều gì?
Thực tế, rau củ khi trồng dưới đất hoặc nước sẽ không tránh khỏi việc nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, chưa kể quá trình chăm sóc nếu tưới bằng nguồn nước không đảm bảo hoặc bón bằng phân tươi thì rau củ cũng bị ảnh hưởng chất lượng. Đối với các loại củ quả, tỷ lệ nhiễm giun sán hoặc các ký sinh trùng khác là có nhưng không cao so với rau xanh vì trồng ở trên cao. Một số loại quả leo dưới mặt đất mới dễ nhiễm ký sinh trùng.
Do vậy, người dân cần lưu ý lựa chọn rau, củ có nguồn gốc an toàn, tươi mới để vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng tối ưu nhất. Trước khi chế biến chúng ta cần rửa sạch, rửa từng lá, và rửa đúng cách. Nên rửa nguyên liệu trực tiếp dưới vòi nước chảy để nếu có trứng giun, sán, hoặc con giun, sán sẽ theo dòng nước bị rửa trôi. Với một số loại củ như cà rốt, cà chua cũng nên rửa sạch và gọt vỏ.
Có một số loại rau chứa các loại ký sinh trùng khó làm sạch bằng nước như sán lá gan, do đó, mọi người không nên dùng các loại rau này để làm nước ép, chẳng hạn như rau muống, rau ngổ, rau rút (rau nhút),… Nên chọn các loại rau có tính an toàn cao như cải kale, cần tây, rau bina, cỏ lúa mì, dưa chuột, rau mùi tây và bạc hà.
Khi ép rau củ quả, dụng cụ cắt gọt, hộp đựng, máy ép, lẫn vệ sinh tay cần được đảm bảo an toàn. Nếu như bạn có thói quen thường xuyên ăn rau sống, salad, nước ép rau củ quả tươi, việc tẩy giun 6 tháng/lần là điều cần thiết để phòng tránh nguy cơ nhiễm giun sán.
Theo bác sĩ, để phòng ngừa giun sán, người dân cần tuân thủ điều gì?
Cắt đứt nguồn nhiễm, điều trị người nhiễm, tẩy giun định kỳ. Cần tập thói quen tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần (ít nhất 2 lần trong năm); Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, không nghịch bẩn, thường xuyên tắm rửa, không đi chân đất, không để trẻ bò lê la dưới đất. Cắt móng tay, đi dép thường xuyên, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất; Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh; Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, các loại gỏi cá, nem chua sống, thịt bò tái, đối với các loại rau sống cần phải ngâm rửa kỹ trước khi ăn; Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông. Không sử dụng phân tươi để bón cho cây trồng nhất là các loại rau; Không để ruồi nhặng bậu vào thức ăn. Không để chó, lợn, gà... tha phân gây ô nhiễm môi trường; Người mắc bệnh giun, sán cần phải được khám và điều trị triệt để.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Lưu Hường thực hiện