Có nên chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho rằng: Hiện nay việc đưa ra quyết định chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là hoàn toàn hợp lý và khả thi...

 

“Xét về các yếu tố trong nước cũng như đặc điểm sinh học của con virus SARS-CoV-2 và cộng đồng thì hiện nay việc đưa ra quyết định chuyển nhóm bệnh từ A sang B là hoàn toàn hợp lý và khả thi”, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn Báo TNVN.

Trước hết xin bác sĩ đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nước ta trong thời điểm hiện nay?

Hiện nay nước ta vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 ở trong và ngoài bệnh viện và cộng đồng nhưng đa số triệu chứng của họ nhẹ nhàng hơn trước đây rất nhiều. Vẫn có những trường hợp nặng phải vào viện để điều trị nhưng số lượng này ít hơn trước đây rất nhiều; Và vẫn có những trường hợp bị Covid-19 trên nền bệnh mạn tính sau đó bị tử vong nhưng số lượng rất ít.

bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.Có thể nói, từ khi Việt Nam thực hiện Chiến lược "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP từ tháng 10/2021 thì tình hình dịch Covid-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát, không gây quá tải hệ thống y tế.

Đối với bệnh truyền nhiễm, sự khác biệt giữa các nhóm bệnh A và B là như thế nào? và sự chuyển dịch từ nhóm A sang nhóm B cần yếu tố gì, thưa ông?

Bệnh truyền nhiễm nhóm A là nhóm truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có mức độ lây lan nhanh, kèm theo là tỷ lệ tử vong cao. Nhóm B là nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, nhưng tỷ lệ tử vong không cao. Còn nhóm C là nhóm bệnh truyền nhiễm không nguy hiểm.

Từ khi chúng ta còn chưa hiểu rõ về Covid-19, khi bệnh bắt đầu xuất hiện và hoành hành tại Vũ Hán - Trung Quốc thì người ta nhận thấy nó gây ra tỷ lệ tử vong cao dù nước bạn đã cố gắng rất nhiều biện pháp phòng, chống - lúc đấy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định nó thuộc nhóm A. Và khi Covid-19 lây lan sang Việt Nam, tàn phá từ Bắc đến Nam, đặc biệt số lượng tử vong rất cao ở khu vực TP.HCM thì nó thể hiện rất rõ đây là nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm.

Sau 3 năm phòng chống dịch, gần đây chúng ta nhìn thấy các yếu tố liên quan dịch đã có sự thay đổi. Thứ nhất, là đặc điểm sinh học của con virus đã thay đổi. Trước đây (vào năm 2020), những con virus có đặc điểm lây truyền nhanh, độc lực cao thì 1 vài năm sau chúng ta thấy virus SARS-CoV-2 có nhiều biến thể và xuất hiện đúng theo quy luật - là rất dễ lây lan, lây nhanh hơn hồi năm 2020 nhưng độc lực lại giảm thấp; và gần đây nhất là biến chủng XBB1.16 và những biến chủng sau này nữa có đặc điểm lây lan rất nhanh nhưng nguy cơ nhập viện, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất thấp. Sự khác biệt của con virus thay đổi dẫn đến nhóm bệnh thay đổi. Nghĩa là khi virus lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong thấp thì nó phù hợp với 1 bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Ví dụ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được xếp vào nhóm B như cúm. Và hiện nay chúng ta thấy Covid rất giống cúm: Rất dễ lây, biểu hiện bệnh khá nhẹ nhàng, mặc dù bệnh Covid-19 hiện nay vẫn gây tử vong nhưng tử vong chỉ xuất hiện ở những người chưa có miễn dịch, những người có bệnh nền nặng nề.

Thứ hai, Covid-19 hiện nay đã có vaccine, và số người được tiêm vaccine ngày càng nhiều, diện bao phủ ngày càng lớn. Đấy là yếu tố mang tính chất quyết định để 1 căn bệnh có nguy cơ cao trở thành 1 căn bệnh truyền nhiễm kiểm soát được. Và khi có vaccine phòng bệnh thì với 1 bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng là nó chuyển sang 1 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong tầm tay.

Tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cao hơn nhiều so với bệnh cúm, Covid-19 sẽ ít lo ngại hơn so với bệnh cúm thông thường. (Ảnh: Hà Nguyên)Có một điều tôi muốn nhấn mạnh, cúm là bệnh thuộc nhóm B (dễ lây và có thể tác động đến những người có bệnh nền...) nhưng tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cao hơn nhiều so với bệnh cúm. Như vậy, Covid-19 còn ít đáng lo ngại hơn so với bệnh cúm thông thường.

Thứ ba, chúng ta nhìn nhận diễn biến của dịch bệnh ở trên thế giới thì Mỹ tháng 5 vừa rồi đã ban bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Ngày 5/5/2023, WHO công bố dịch Covid-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc. Và như vậy, Việt Nam chuyển từ trạng thái phòng chống dịch sang trạng thái mới - là xử lý bệnh Covid-19 trong trường hợp này sang nhóm B là hoàn toàn hợp lý.

Với những lý do như thế, có thể nói chúng ta hoàn toàn yên tâm khi các nhà quản lý và chuyên môn chuyển Covid-19 từ trạng thái nhóm A sang nhóm B.

Phát biểu tại Quốc hội sau các ý kiến đại biểu về việc chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngày 5/5/2023, WHO công bố dịch Covid-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát quy định pháp luật, tham khảo kinh nghiệm các nước, cũng như rà soát các biện pháp thực tiễn phòng, chống dịch của Việt Nam, xây dựng hồ sơ phân loại để chuyển từ bệnh nhóm A sang nhóm B. Dự kiến cuối tuần này, Thủ tướng sẽ chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia để bàn thảo các vấn đề liên quan nội dung này.

Là chuyên gia truyền nhiễm đã từng “chinh chiến” từ Bắc tới Nam, theo ông khi Covid-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thì người dân cũng như hệ thống y tế cơ sở, các cơ quan chức năng cần làm gì để thích ứng?

Trong năm 2020, 2021 thậm chí 2022 chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch từ hệ thống chính trị, hệ thống y tế, toàn bộ nhân dân... mọi người đã hiểu nhuần nhuyễn thế nào là 5K, thế nào cách ly, thế nào là cần xử lý tại nhà, trường hợp nào cần phối hợp điều trị... Đấy cũng là một lý do nữa để chúng ta yên tâm khi chuyển dịch trạng thái của dịch Covid-19 này.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái thăm khám cho người bệnh tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.Trong trường hợp thay đổi từ nhóm A sang nhóm B thì đầu tiên chúng ta cần lưu ý thay đổi nhận thức của các nhà quản lý, ngành y tế và người dân. Tức là trong trường hợp nhóm B thì không còn cơ chế phòng chống dịch, mà phải bình thường hóa, coi bệnh này như một bệnh lý thông thường, và nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, và xử lý nó như những căn bệnh thông thường khác. Đặc biệt người dân luôn ý thức là mầm bệnh luôn tiềm ẩn xung quanh chúng ta, và chúng ta muốn khỏe mạnh thì phải thực hiện tốt 2K (rửa tay, đeo khẩu trang). Sự bình thường hóa này rất quan trọng, nó không còn là rào cản đối với quyền được tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người dân, thậm chí họ được điều trị tốt hơn. Chúng ta thay đổi hành vi để giúp cộng đồng được an toàn hơn khi gặp các vấn đề liên quan đến các bệnh nhóm B. Vì trong giai đoạn đỉnh điểm năm 2021, người mắc Covid-19 bị đưa đến khu vực điều trị riêng biệt, điều này làm cho việc tiếp cận điều trị bệnh nền của họ bị ảnh hưởng. Đã có rất nhiều người tử vong không phải vì Covid-19 mà là vì bệnh nền của họ không được xử lý đúng và kịp thời.

Khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B thì những thầy thuốc ở tuyến cơ sở - chăm sóc sức khỏe ban đầu khi tiếp xúc người bệnh dù họ có thể có những biểu hiện viêm đường hô hấp trên nhưng vẫn có thể khám, cho xét nghiệm, điều trị và hướng dẫn tư vấn như bình thường. Nếu thấy vấn đề gì vượt khả năng khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng thì cho chuyển tuyến trên, nhập viện... Chúng ta có thể an tâm vì đã có rất nhiều công cụ trong hướng dẫn chẩn đoán, phân loại, đánh giá nguy cơ... cho người thầy thuốc thăm khám sức khỏe ban đầu.

Khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B thì các cơ quan quản lý cũng như Bộ Y tế cần nhanh chóng đưa ra hướng dẫn về việc vận dụng chẩn đoán điều trị trong tình hình mới để người dân đi khám ở cơ sở y tế có thể sử dụng thẻ BHYT trong chi trả khám chữa bệnh một cách thuận lợi. Cũng như ban hành các hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý để hệ thống y tế vận hành một cách trơn tru nhịp nhàng, để người dân biết cách chăm lo sức khỏe trong tình hình mới khi bệnh Covid-19 chuyển sang nhóm B.

Có thể nói, xét về các yếu tố trong nước hiện nay cũng như đặc điểm sinh học của con virus và cộng đồng thì việc đưa ra quyết định chuyển nhóm bệnh từ A sang B là hoàn toàn phù hợp và khả thi. Khi ban bố chuyển sang trạng thái từ nhóm A sang nhóm B thì đồng thời chúng ta có thể xác định đây là một bệnh lưu hành, trên cơ sở đó chúng ta có thể công bố chấm dứt dịch Covid-19.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Lưu Hường thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận