Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Long - phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (Viện Sức Khỏe Tâm Thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đơn vị mới tiếp nhận điều trị P.M.Q (22 tuổi, ở Hà Nội) bị nghiện game.
Nam thanh niên vào viện trong tình trạng dễ cáu gắt, đánh mẹ, bỏ ăn và mất ngủ. Q từng là sinh viên khoa công nghệ sinh học của Đại học Mở. Bố mẹ ly hôn từ khi nam sinh học lớp 7, hiện anh ở cùng với mẹ. Kinh tế gia đình ở mức trung bình, Q. được nhận xét là người vui vẻ, hoà đồng.
Năm lớp 7 Q. bắt đầu chơi game online, ban đầu được bạn bè rủ chơi cùng. Sau đó anh thích thú các trò chơi vì giúp giải toả căng thẳng học tập và quen nhiều người hơn. Dần dần Q. dành 10-12 tiếng/ngày để chơi game, thậm chí nhiều hơn, có khi bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa như mỳ tôm hay nước tăng lực.
Thấy con chơi game, mẹ nhiều lần khuyên bảo và tắt máy tính, nhưng phản ứng của Q. là cáu gắt, cãi lại mẹ, thậm chí đánh cả mẹ.
Q. không còn thích thú với những sở thích cũ của bản thân như đá bóng, trò chuyện với bạn bè, chỉ tập trung vào chơi game. Kết quả học tập dần sa sút, từ học lực khá giỏi xuống học lực trung bình. Từ khi thi đỗ đại học, Q.chuyển lên ở trọ cùng với các bạn, mẹ không còn giám sát, đôn đốc như trước.
Giáo viên ở trường chú ý đến các biểu hiện lạ của nam sinh nên gọi điện báo cho gia đình.
Q được người nhà đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương hai đợt, đợt 1 kéo dài 6 tháng và đợt 2 là 3 tháng.
Hai tuần gần đây mẹ thu máy tính không cho nam sinh chơi game, Q. liền nặng lời với mẹ, tìm cách trốn ra khỏi nhà. Hai ngày trước vào viện, bệnh nhân bồn chồn, cáu gắt nhiều, đêm ngủ kém, khoảng 2-3 tiếng/ đêm, ăn uống kém được mẹ cho nhập viện.
BSCK II Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (Viện Sức Khỏe Tâm Thần, Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, hiện nay nghiện game rất phổ biến, nhất là trong giới trẻ vì nhu cầu sử dụng internet là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Những trường hợp nghiện game nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng
Ngoài vấn đề tiếp xúc thường xuyên với internet và các thiết bị điện tử, nhiều yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nghiện game, như xung đột tâm lý ở tuổi thanh thiếu niên, thiếu địa điểm vui chơi, tự ti về bản thân, sự hấp dẫn của trò chơi, môi trường thiếu sự quản lý của gia đình.
Để hạn chế được tình trạng nghiện game cần phải quyết các nguyên nhân và yếu tố tác động như nói trên. Đó là quản lý thời lượng chơi game, ngày thường chỉ được chơi 1 tiếng, cuối tuần có thể tăng lên 2 tiếng.
Những trường hợp chơi game quá 4 tiếng trở lên, kèm theo ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe, từ bỏ thói quen sinh hoạt tốt, mất ngủ thường xuyên, ảo tưởng, rối loạn tâm lý... thì cần nghĩ ngay đến vấn đề bệnh lý để đưa đi khám sớm và được can thiệp và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bác sĩ khuyên mọi người cần cải thiện môi trường sống như tăng cường hoạt động vui chơi, các mối quan hệ xã hội và gia đình./.
Nguyễn Ngoan/VTC News