Việc tùy tiện sử dụng thuốc nam không chỉ tốn tiền mà có thể còn gây ra những hệ lụy khó lường.
Thảo dược và tác dụng phụ không mong muốn
Dù đã có nhiều trường hợp lạm dụng thuốc nam phải nhập viện với ít nhiều biến chứng nhưng vẫn còn không ít người nghĩ rằng thuốc nam là lành tính, chỉ cần nghe mách bảo truyền miệng hoặc quảng cáo trên mạng xã hội đã vội vàng sử dụng để chữa bệnh hoặc bồi bổ sức khỏe.
Chị N.T.H (45 tuổi ở Hà Nội) bị mẩn ngứa nhiều ngày, chị đã bôi và uống nhiều loại thuốc nhưng chỉ đỡ một thời gian thì bệnh ngứa lại tái phát. Thấy con bị ngứa mãi không khỏi, bố chị H đã giới thiệu cho chị một “thầy lang” gần nhà với bài thuốc lá rất đơn giản mà nhiều người cho là hiệu quả. Tuy nhiên, khi sắc uống được 1 tuần thì toàn thân chị bị phát ban, ngứa ngáy khó chịu. Chị lập tức đến Bệnh viện 108 thăm khám. Sau khi làm các xét nghiệm, chị phải nhập viện vì ngộ độc gan. May mắn, sau 1 tuần điều trị, men gan của chị H đã ổn định và được xuất viện.
Với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", không ít người dân sẵn sàng chi tiền để mua những loại thuốc nam quảng cáo trên mạng hay lời giới thiệu của các thầy lang, bà mế là thần dược chữa dứt điểm "bách bệnh". Và với tâm lý phòng bệnh, nhiều người còn có xu hướng sưu tầm cho mình một vài loại thảo dược được cho là quý hiếm và có tác dụng phòng và chữa bệnh như cây bìm bịp, hoa đu đủ đực, nụ hoa tam thất… tích trữ trong nhà để dùng dần với mong muốn có thể bổ sung sức khỏe và điều trị một vài bệnh nào đó. Chính nhu cầu này đã trở thành cơ hội kinh doanh “béo bở” của không ít người.
Loại cây bìm bịp (còn gọi là cây xương khỉ) có tính mát, thường được sử dụng điều trị các triệu chứng đau nhức xương khớp do thoái hóa - được rao bán tại một cửa hàng chuyên bán online trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Khi hỏi về công dụng của loài cây này, chúng tôi được nhân viên bán hàng tư vấn: “Nếu bị bệnh xương khớp thì chị nên uống bìm bịp. Cây này chữa nhiều bệnh khác như mất ngủ, tăng cường sức đề kháng, tăng cường chức năng gan, bệnh về gan, ung thư đại trực tràng, vú và ung thư cổ tử cung. Giá bán cho 1kg lá bìm bịp khoảng 800.000đ/kg”.
Khi hỏi về những tác dụng của thảo dược trong chữa trị bệnh, TS.BS Nguyễn Tiến Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh không phủ nhận những tác dụng nhất định của mỗi loại thảo dược trong y học cổ truyền. Những bài thuốc bắt nguồn từ dân gian, được đúc kết từ kinh nghiệm của cha ông truyền lại và ngày hay nó được hệ thống hóa qua các nghiên cứu khoa học, trong đó một số phương pháp sử dụng các loại cây cỏ xung quanh chúng ta để làm thuốc.
Tuy nhiên, mỗi một loài cây có tác dụng chữa bệnh nhất định chứ không phải cứ vào trong cơ thể là sức khỏe sẽ tự khá hơn; Và có thể hợp sẽ với tùy từng người với cách chữa riêng của vị thuốc đó. Ví dụ như nhân trần giúp thanh nhiệt, sẽ hợp với người bị nóng trong; còn tâm sen, lạc tiên giúp an thần, có tác dụng cho người mất ngủ.“Thảo dược tốt hay không còn phụ thuộc vào cách người uống sử dụng, ví dụ như vị thuốc sử dụng làm thuốc thì phải có liều lượng, có chỉ định hợp lý về thời gian sử dụng. Thuốc chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian điều trị nhất định, nếu sử dụng quá liều vẫn có thể có tác dụng phụ. Vì vậy, người dùng nên tham khảo bác sĩ thời gian sử dụng hợp lý”, ông Chung chia sẻ.
Không có chữ “thần dược” cho mọi người
TS.BS Nguyễn Tiến Chung nhấn mạnh: mỗi loại thảo dược có tác dụng gì thì cần phải có kiểm chứng, kiểm chứng qua dân gian các cụ truyền lại, hoặc kiểm chứng qua nghiên cứu khoa học. Từ những kiểm chứng đó, người thầy thuốc có nhiều thông tin hơn và sử dụng cây thuốc đó điều trị bệnh chính xác hơn. Chúng ta biết được tác dụng chính của cây đó như thế nào thì chúng ta sử dụng sẽ tốt hơn, không nên sử dụng theo thói quen. Ví dụ cây bìm bịp chủ yếu có 2 công năng chính, một là thanh nhiệt, hai là trừ thấp nên cây bìm bịp chỉ hỗ trợ điều trị một số chứng viêm trong cơ thể chứ không có bằng chứng khoa học hay ghi nhận trong bất kỳ tài liệu nào là cây bìm bịp có thể điều trị ung thư.
“Cũng giống như người nội trợ, khi mua mớ rau ngoài chợ về phải nhặt bớt phần gốc rễ mới đưa vào xơ chế món ăn, thì với người thầy thuốc đông y để có thang thuốc cho người bệnh, chúng tôi phải qua khâu xử lý, khử độc nhằm loại bỏ những chất độc bảo quản dược liệu với nhiều công đoạn. Do vậy, để tránh những tai biến do dùng thuốc nam, người bệnh nên tìm đến những cơ sở uy tín và không tùy tiện sử dụng thuốc đông y khi không có chỉ định của thầy thuốc”.
TS.BS Nguyễn Tiến Chung
|
Theo một số chuyên gia y tế, về nguyên tắc đã gọi là thuốc đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc mà dẫn đến hậu quả khôn lường. Đặc biệt, trong thuốc đông y lại gồm rất nhiều vị thuốc, khó phát hiện ra bệnh nhân bị dị ứng với thành phần nào nên việc điều trị càng nan giải.
“Một loài cây, một loại thảo dược khi được ghi nhận hỗ trợ điều trị sức khỏe một số bệnh nào đó thì tác dụng này chỉ được chỉ định bởi người thầy thuốc có sự hiểu biết về 2 khía cạnh: Một là bệnh gì, hai là loài cây này được sử dụng như thế nào. Chính vì vậy, một loại cây được chỉ định sử dụng cho người A nhưng không vì thế mà người B được tùy tiện sử dụng vì đặc điểm bệnh tật của mỗi người khác nhau. Và cũng không có chuyện hy vọng người B sử dụng loại cây đó để sức khỏe tốt như người A. Vì vậy, không có chữ “thần dược” đúng cho tất cả mọi người” - TS.BS Nguyễn Tiến Chung lưu ý.
Có thể nói, dù thảo dược chứa hoạt chất có tác dụng chữa bệnh, nhưng tùy mỗi cơ thể, khi dung nạp thuốc với những liều lượng nhất định sẽ phát huy công dụng của nó, chứ không phải thấy người ta dùng tốt mà mình bắt chước hoặc thấy tốt rồi, ta cứ tiếp tục dùng hằng ngày và sử dụng không giới hạn liều lượng. “Thảo dược nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc cho cho gan, thận, vào máu… Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm mua ở những cơ sở có uy tín, được kiểm định chất lượng để đảm bảo thảo dược đó phát huy tác dụng hỗ trợ sức khỏe mà không gây hại cho cơ thể”, ông Chung nhắn nhủ./.
Giang - Hương