Sốt xuất huyết đang vào mùa
Tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong tuần vừa qua đã tiếp nhận 2 trường hợp bị sốt xuất huyết (SXH) rất nặng, trong đó 1 bệnh nhân (BN) sốc, tái sốc nhiều lần và 1 BN suy chức năng gan nặng. Với BN suy gan nặng, BV đã điều trị tích cực và tính đến phương án lọc máu, nhưng diễn tiến bệnh chưa khá lên nhiều.
Là người điều trị cho các BN, BSCK2 Trương Ngọc Trung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn cho biết: Tổn thương gan là một biểu hiện nặng của bệnh SXH Dengue, nó có khả năng tấn công trực tiếp lên gan hoặc thông qua các cơ chế miễn dịch. Bên cạnh đó, những yếu tố khác có thể khiến cho tình trạng nặng lên như người bệnh bị bệnh gan mãn tính hoặc uống thuốc không phù hợp trong giai đoạn đầu của bệnhSXH.
SXH đang diễn biến phức tạp. Trong tuần 29 vừa qua, TP.HCM đã ghi nhận 256 trường hợp mắc SXH, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, huyện Bình Chánh và quận 8. Phân tích về quy luật diễn tiến dịch bệnh hằng năm, Sở Y tế TP.HCM cho biết, mùa cao điểm của SXH thường bắt đầu tăng và tăng cao từ cuối tháng 7, dự kiến kéo dài đến hết tháng 10 hằng năm. Trong khi đó, qua giám sát, tỷ lệ phát hiện có loăng quăng tại các điểm nguy cơ gần 48% (49/103 điểm). Đây là con số đáng báo động. Tỷ lệ này sẽ cao hơn nữa khi TP.HCM mưa nhiều hơn và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ SXH.Riêng địa bàn quận Gò Vấp, từ đầu năm đã phát hiện 9 ổ dịch SXH nhỏ và đang theo dõi 1 ổ dịch. So với năm 2022, số ca mắc giảm 35,45%, số ổ dịch giảm 40, song địa phương vẫn không chủ quan trong phòng chống dịch.
Bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, đây là địa bàn rất phức tạp, nhiều kênh rạch, cống rãnh, lưu thông kém, nhiều khu vực bị lấn chiếm bởi các công trình xây dựng. Ngoài ra, còn nhiều nơi thờ tự và 290 điểm có nguy cơ phát sinh bệnh SXH. Do đó, quận lập nhiều đoàn kiểm tra để đốc thúc việc vệ sinh và diệt loăng quăng.Hiện nay, Hà Nội đang là điểm nóng nhất về SXH Dengue ở miền Bắc. Thời gian gần đây, trung bình mỗi tuần, Hà Nội ghi nhận gần 500 trường hợp (tăng 4,3 lần so với thời gian đầu tháng 7). Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn TP đã ghi nhận 198 ổ dịch SXH tại 24 quận, huyện, thị xã và 111 xã, phường, thị trấn. Trong đó, các quận, huyện có nhiều ca mắc SXH là: Thạch Thất, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hà Đông...
Số ca mắc tiếp tục tăng dẫn đến số ca nhập viện tăng. SXH cũng tấn công nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai. Thống kê từ tháng 7 đến nay, mỗi ngày, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, tiếp nhận khoảng 20 người mắc SXH, trong đó đa số là phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý nền. Đây đều là những trường hợp nặng với biểu hiện ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, tụt huyết áp.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay tiếp nhận 120 trẻ mắc SXH (tăng gấp đôi so cùng kỳ), trong đó, hơn 50 trường hợp nhập viện có dấu hiệu cảnh báo và nhiều trẻ tái mắc bệnh. Do đó, Sở Y tế Hà Nội kêu gọi người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là với SXH. Để tránh dịch lây lan diện rộng, người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng tránh SXH.
Phòng bệnh SXH trở nặng
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai: Hiện nay ở nhiều nơi ghi nhận số ca mắc mới và trở nặng gia tăng là do người dân còn chủ quan, cứ nghĩ một vài ngày sẽ đỡ sốt và không đi khám ngay, đến khi bệnh chuyển nặng mới biết là SXH. Đấy là điều rất nguy hiểm. Bởi bệnh SXH thường có 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, nguy hiểm và phục hồi.
Ở giai đoạn đầu của SXH (khoảng 3 ngày), thường người bệnh có triệu chứng sốt cao. Việc uống đủ nước rất quan trọng, sẽ giúp cho máu không bị cô đặc và suy tuần hoàn. Người bệnh có thể uống nước lọc, nước oresol, nước hoa quả nhưng không nên uống các loại nước sẫm màu để tránh nhầm lẫn với biểu hiện nôn ra máu. Muốn biết lượng nước uống có đủ hay không, chúng ta căn cứ vào lượng nước tiểu. Lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc bằng bình thường là đủ; cố gắng duy trì uống đủ nước như vậy ít nhất cho đến 3 ngày sau khi hết sốt để cơ thể dễ chịu hơn và không có biến chứng nặng (cô đặc máu và suy tuần hoàn).
“Uống đủ nước để cơ thể không bị cô đặc máu, suy tuần hoàn. Đây chính là “chìa khóa” quan trọng để giúp người bệnh qua được giai đoạn nặng nề của SXH”, bác sĩ Thái nhăn nhủ.
“Với SXH, việc phát hiện sớm và điều trị đúng rất quan trọng, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận được cơ sở y tế ngay lập tức nên làm thế nào để người dân biết cách tự chăm sóc bản thân là hết sức cần thiết. Khám sớm để biết bệnh, nhờ thầy thuốc tư vấn để biết cách theo dõi và chăm sóc sức khỏe. Việc tuân thủ tái khám đúng hẹn khi hết sốt cũng rất quan trọng, bởi có trường hợp khigiảm sốt thì có tình trạng thoát huyết tương gây cô đặc máu, có biến chứng đi vào sốc, rất nguy hiểm”.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái
|
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: Thông thường dịch SXH sẽ bắt đầu tăng dần từ tháng 4 và lên đến đỉnh vào khoảng tháng 10, 11 (cũng là thời điểm mùa mưa). Ở thời điểm này năm 2022, dịch SXH Dengue có dấu hiệu tăng dần. Tuy nhiên, với thời tiết ngày càng khắc nghiệt, đặc biệt do ảnh hưởng của El Nino, quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ. “Trước đây, dịch SXH ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Điều này có thể thấy rõ trong diễn biến dịch SXH của năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, trong giai đoạn tháng 1, 2, 3 diễn biến dịch cao hơn năm 2022, nhưng đến tháng 6-7 lại giảm so với tổng thể năm ngoái. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên so sánh số ca mắc và tử vong do SXH của năm nay với năm 2022, vì đó là năm mà nước ta có tỷ lệ mắc và tử vong do SXH cao đột biến. Qua đây, chúng ta có thể thấy dịch SXH bây giờ diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào cả”, ông Dũng cho hay.
“Chúng ta không được chủ quan chỉ vì ca bệnh trên cả nước giảm so với cùng kỳ năm ngoái, bởi năm 2022 là một trong những đợt bùng phát SXH lớn nhất từng ghi nhận ở nước ta nên không thể lấy đó làm tham chiếu. Trong khi chúng ta mới trải qua 7 tháng của năm và theo tính toán trong giai đoạn tới diễn biến dịch sẽ ngày càng phức tạp hơn chứ không giảm đi”.
TS Nguyễn Văn Dũng
|
Không để bùng phát dịch
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đảo chiều” này, TS Nguyễn Văn Dũng cho biết, một trong những yếu tố tác động lớn nhất chính là thời tiết, đặc biệt là do ảnh hưởng của El Nino. Năm nay, miền Bắc nắng nóng, mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Kiểu thời tiết này khiến chu kỳ của muỗi rút ngắn (thời gian từ trứng đến trưởng thành sẽ rút ngắn lại, khoảng 7-9 ngày). Khi vòng đời ngắn lại thì khả năng sinh sản sẽ nhiều hơn, tăng mật độ tiếp xúc với con người. Chỉ cần nguồn bệnh là sẽ bùng phát. Đáng nói, hiện nay ở miền Bắc, mùa đông không còn lạnh như trước đây. Do đó, dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch.
Các chuyên gia nhận định, từ tháng 8 trở đi sẽ là cao điểm SXH, nếu người dân không có biện pháp phòng ngừa, số ca nặng và tử vong có nguy cơ tăng cao. Do vậy, để ngăn chặn dịch SXH bùng phát, phải được phòng ngừa ngay từ mỗi hộ gia đình. Hằng tuần, mỗi người dân dành10 - 15 phút để dọn dẹp nơi làm việc và sinh sống; không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh loăng quăng; Lật úp các xô chậu, chai lọ không dùng đến; dọn dẹp mái hiên, nóc nhà; đậy kín lu, thùng chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng. Những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt thì có thể thả cá để diệt loăng quăng. Đồng thời, sử dụng các loại kem thoa xua muỗi, mặc đồ dài và ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt./.
Kim Dung - Hương Giang