U lympho ác tính (ung thư hạch) là một trong những bệnh ung thư có khả năng điều trị rất hiệu quả bằng phương pháp hiện đại, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tỷ lệ lui bệnh khá cao
TS.BS Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp cho biết: Theo thống kê từ các chuyên gia Hoa Kỳ năm 2021, hàng năm có khoảng 90.000 ca mắc mới ung thư hạch. Trong đó, tỷ lệ sống sau 5 năm là trên 73% (giai đoạn từ 2011-2017). Tại Việt Nam, bệnh ung thư hạch (U lympho không Hodgkin) xếp thứ 13 trong các loại ung thư thường gặp.
Trước đây, nhất là từ trước những năm 2000, việc điều trị ung thư hạch rất khó khăn, tiên lượng xấu. Nhưng hiện nay, phương pháp điều trị ung thư hạch đã có nhiều tiến bộ như: điều trị bằng các tác nhân chống ung thư mới kết hợp với phác đồ hóa chất kinh điển, điều trị miễn dịch, ghép tế bào gốc, hoặc có thể kết hợp với xạ trị, phẫu thuật trong một số trường hợp…
“Hiện nay, với nhiều phương pháp điều trị hiện đại và nhiều loại thuốc mới ra đời, tỷ lệ lui bệnh trong điều trị ung thư hạch khá cao. Trong nhóm bệnh u lympho, u lympho không Hodgkin chiếm khoảng 90% và u lympho Hodgkin chiếm khoảng 10% (theo một thống kê tại Mỹ năm 2021). Riêng với u lympho Hodgkin, tiên lượng điều trị khá tốt. Tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 87%, ở giai đoạn bệnh khu trú tỷ lệ này có thể đạt đến 92%”.
TS.BS Vũ Đức Bình
|
Trong những năm gần đây, liệu pháp sinh học là một trong những phương pháp điều trị ung thư hạch tiên tiến được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Liệu pháp sinh học giúp cho việc điều trị nhắm tới tế bào ung thư và giảm thiểu những tác động đến các tế bào lành tính, hạn chế các biến chứng và tác dụng phụ so với điều trị bằng hóa chất. Bên cạnh đó, ghép tế bào gốc cũng là một phương pháp đem lại hiệu quả cho một số thể bệnh của ung thư hạch. Tuy nhiên, ghép tế bào gốc thường được thực hiện khi người bệnh u lympho bị tái phát hoặc kháng trị, không ưu tiên sử dụng với người bệnh ở giai đoạn đầu tiên. Hạn chế lớn nhất của liệu pháp sinh học và ghép tế bào gốc là chi phí khá cao so với điều trị bằng hoá trị thông thường.
“Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thường xuyên cập nhật kiến thức và các phác đồ điều trị ung thư hạch mới từ các hội nghị quốc tế, các bệnh viện quốc tế tại Mỹ, Singapore… Ngày càng có nhiều thuốc mới được đưa vào sử dụng có hiệu quả cho người bệnh. Nhờ đó, tỷ lệ lui bệnh trong điều trị ung thư hạch khá cao, người bệnh có thời gian sống kéo dài với chất lượng cuộc sống tốt, kể cả ở nhóm bệnh nhân cao tuổi”, TS.BS Vũ Đức Bình nhấn mạnh.
Hy vọng mới cho người bệnh
Ngày nay, những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh u lympho đã giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh và chất lượng cuộc sống tiếp tục được cải thiện.
Vào cuối năm 2021, bệnh nhân (BN) Nguyễn Văn Đoàn (21 tuổi, ở Bắc Giang) phát hiện nhiều hạch ở cổ nên đã đi khám và được kê đơn thuốc về nhà uống. Sau 3 ngày dùng thuốc, hạch không đỡ mà còn chèn vào cổ khiến BN khó thở. Đoànquyết định ra Hà Nội khám và bàng hoàng khi nhận kết quả: ung thư hạch (bệnh u lympho Hodgkin, giai đoạn khá nguy hiểm). Chàng trai trẻ không muốn tin vào sự thật và không dám chia sẻ với ai, và luôn tự hỏi“mình luôn sinh hoạt điều độ, tích cực tập gym, sao mình mắc ung thư khi còn quá trẻ?”.
Nhưng đến khi bước vào quá trình điều trị tại Khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chàng trai trẻ đã không thể giấu người thân.“Có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên khoảnh khắc khi mẹ run run ký nguệch ngoạc vào cam kết để hóa trị gấp, vì bệnh của con mình đang tiến triển rất nhanh. Lúc đó, tôi đã phải cố gồng mình, không cho phép bản thân yếu đuối để mẹ bớt lo lắng”, Đoàn nhớ lại.
Ngay từ những đợt hóa trị đầu tiên, Đoàn đã cảm nhận được tác dụng phụ khủng khiếp của hóa chất. “Trong một đêm cảm thấy kiệt quệ về cả tinh thần và thể xác, khi nghe tôi nói: Mẹ ơi con mệt lắm, hay là cho con về, đến đâu thì đến… Cả đêm hôm đó, mẹ đã vỗ về động viên tôi rất nhiều. Sau đó, tôi suy nghĩ tích cực hơn, tập trung nghĩ về gia đình và lấy đó làm động lực để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật” - Đoàn chia sẻ thêm: Phát hiện bệnh khi đang học năm thứ 3 cao đẳng, Đoàn phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: tạm dừng học và bảo lưu kết quả để điều trị. Nhưng không muốn lãng phí bao công sức học tập, Đoàn quyết định vừa đi viện, vừa đi học để ra trường đúng hạn. Dù mệt mỏi, chàng sinh viên vẫn tranh thủ thời gian giữa những đợt truyền hóa chất để học các môn còn thiếu. Và quyết tâm, cố gắng của Đoàn đã được đền đáp. Với mái đầu rụng hết tóc sau hóa trị, Đoàn đã bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp và được ra trường ngay khi đang điều trị ung thư. “Và sau gần 7 tháng chiến đấu, cũng đến một ngày bác sĩ thông báo: Mình đã lui bệnh. Mình cảm thấy như được sinh ra thêm một lần nữa. Ngày đó có lẽ là ngày vui nhất trong cuộc đời mình!”, Đoàn xúc động nói.
Là người trực tiếp điều trị cho Đoàn, bác sĩ Lưu Thu Hương, Khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết: “Mặc dù Đoàn được áp dụng phác đồ điều trị rất mạnh, nhiều tác dụng phụ, nhưng em vẫn không một lời kêu than. Đoàn nằm viện trong đúng giai đoạn dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nhất và bị nhiễm Covid-19 nên quá trình điều trị bị gián đoạn. Nhưng nhờ tinh thần luôn lạc quan, tuân thủ điều trị nên chỉ sau 2 chu kỳ, em đã đạt đáp ứng tới 90%”. Đến nay, Đoàn đã lui bệnh được hơn 1 năm, không phải dùng thuốc và chỉ cần đi khám định kỳ 3 tháng/lần.
Còn BN Nguyễn Đắc Việt (ở Hà Nội) phát hiện mắc ung thư hạch ở tuổi 78. Dù tuổi đã cao và còn trải qua 2 lần bệnh tái phát nhưng trong suốt 10 năm qua, chưa từng có phút giây nào ông cảm thấy bi quan hay có ý nghĩ muốn từ bỏ.
Năm 2022, dù đã bước sang tuổi 88, ông vẫn sẵn sàng tâm thế đối mặt với những đợt truyền hóa chất trong hơn 7 tháng sau khi tái phát lần thứ 2. “Khi hóa chất vào cơ thể, tôi thấy hơi khó chịu, chóng mặt, đi lại chậm chạp... Tôi cũng gặp các tác dụng phụ, nhưng đều vượt qua hết. Đến giờ, ngày nào tôi cũng thể dục vẩy tay 1.000 cái và đi bộ hàng cây số”, ông Việt vui vẻ nói.
Đánh giá về khả năng điều trị ung thư hạch, TS.BS Vũ Đức Bình cho biết: Hiện nay, với nhiều phương pháp điều trị hiện đại và nhiều loại thuốc mới ra đời, tỷ lệ lui bệnh trong điều trị ung thư hạch khá cao. Bệnh u lympho Hodgkin cũng có các triệu chứng giống như các bệnh khác. BN thường nghĩ họ đang bị cảm lạnh chưa khỏi. Nhiều khi chỉ có triệu chứng duy nhất là mệt mỏi. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm: Nổi hạch ở nhiều nơi mà không đau, đặc biệt hạch ở vùng cổ, nách hoặc bẹn; sốt không rõ nguyên nhân; đổ mồ hôi ban đêm; sụt cân không rõ nguyên nhân; ngứa; mệt mỏi, khó chịu không rõ nguyên nhân; ho; xét nghiệm tế bào máu thấy có bất thường.Vì vậy, khi phát hiện bệnh, BN không nên bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ, ăn uống đủ chất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất./.
Trương Hằng - Hương Giang