“Chúng ta cần phải hiểu rõ, tại sao trong phòng chống sốt xuất huyết (SXH) thì tập trung vào phòng chống loăng quăng, bọ gậy mà không tập trung vào phòng chống muỗi trưởng thành” - đây là điều mà TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của PV Báo Tiếng nói Việt Nam.
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, chúng ta đã chứng kiến năm 2022 dịch SXH bùng phát mạnh trên cả nước. Theo chu kỳ thường là 4 - 5 năm có một đợt dịch lớn, thì liệu năm 2023 dịch SXH có hạ nhiệt?
Thông thường dịch SXH sẽ bắt đầu tăng dần từ tháng 4 và lên đến đỉnh vào khoảng tháng 10, 11 - cũng là thời điểm mùa mưa. Ở thời điểm này năm 2022, dịch SXH Dengue có dấu hiệu tăng dần. Tuy nhiên, với thời tiết ngày càng khắc nghiệt, đặc biệt do ảnh hưởng của El Nino, quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ. Trước đây, dịch SXH ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4 - 5 năm. Nhưng, hiện nay quy luật này không còn chuẩn xác, điều này có thể thấy rõ trong diễn biến dịch SXH của năm ngoái và 7 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, trong giai đoạn tháng 1, 2, 3 diễn biến dịch cao hơn năm 2022, đến tháng 6 - 7 lại giảm so với tổng thể năm ngoái, nhưng một vài địa phương lại tăng đột biến, cụ thể như ở TP Hà Nội tổng số ca mắc thời điểm hiện tại cao gấp 4 - 5 lần so với năm ngoài. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên so sánh số ca mắc và tử vong do SXH của năm nay với năm 2022, vì đó là năm mà nước ta có tỷ lệ mắc và tử vong do SXH cao đột biến. Qua đây, chúng ta có thể thấy dịch SXH bây giờ diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào cả.
Chúng ta không được chủ quan chỉ vì ca bệnh trên cả nước giảm so với cùng kỳ năm ngoái, bởi năm 2022 là một trong những đợt bùng phát SXH lớn nhất từng ghi nhận ở nước ta nên không thể lấy đó làm tham chiếu. Trong khi chúng ta mới trải qua 8 tháng của năm và theo tính toán trong giai đoạn tới diễn biến dịch sẽ ngày càng phức tạp hơn chứ không giảm đi.
Dù truyền thông đã nói rất nhiều về phòng tránh SXH, tuy nhiên, hiện nay dịch SXH vẫn ghi nhận số ca mắc mới gia tăng. Phải chăng biện pháp phòng tránh SXH ngoài cộng đồng còn nhiều bất cập?
Tôi thấy các hoạt động phòng chống SXH đã và đang thực hiện với nhiều biện pháp là tốt, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề bất cập trong triển khai, thực hiện.
Thứ nhất, một số bộ phận người dân hiểu chưa đúng về đặc điểm sinh thái của muỗi Aedes, do đó công tác vệ sinh môi trường không đúng, vì muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và xung quanh nhà như lọ hoa, bể chứa nước, dụng cụ phế thải chứa nước mưa. Trong khi đó người dân lại thường quét dọn sân nhà, đường phố, hoặc hiểu muỗi truyền SXH chủ yếu ở ruộng mương, cống rãnh, khu vực nước bẩn… Do việc vệ sinh môi trường chưa đúng cách, đúng đối tượng nên chưa diệt được loăng quăng, bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH.
Thứ hai, hoạt động giám sát muỗi truyền bệnh SXH tại các địa phương thực hiện không thường xuyên, liên tục, trong khi đó muỗi sỉnh sản liên tục.
Thứ ba, hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống SXH tại nhiều địa phương, ở tất cả các tuyến đa số chưa mang tính thường xuyên. Hiệu quả trong các hoạt động phòng chống SXH tại các tuyến là chưa cao.
Thứ tư, kinh phí dành cho phòng chống dịch hạn chế, bố trí chưa kịp thời, chưa chú trọng hỗ trợ kinh phí cho công tác diệt loăng quăng/bọ gậy.
Hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu có làm tăng khả năng sinh sản của muỗi và lây lan các bệnh truyền nhiễm? Tiến sĩ có thể nói kỹ hơn về vấn đề này?
Theo một số nghiên cứu những năm có hiện tượng El Nino thì số lượng ca mắc SXH Dengue có xu hướng tăng. Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Những năm có hiện tượng El Nino thì thời tiết thường cực đoan, nhiệt độ nóng hơn bình thường. Khi nhiệt độ nóng hơn bình thường thì làm cho vòng đời của muỗi rút ngắn lại (ví dụ nhiệt độ từ 25-280C thì vòng đời của muỗi, từ giai đoạn trứng - bọ gậy - quăng - muỗi trưởng thành, mất khoảng 12 - 15 ngày, nhưng khi nhiệt độ trên 300C thì chỉ còn khoảng 7 - 9 ngày).
Như vậy sẽ tăng mật độ của muỗi, tăng khả năng tiếp xúc giữa muỗi và con người. Ngoài ra, hiện tượng El Nino cũng làm cho nắng mưa thất thường, do đó sẽ xuất hiện nhiều dụng cụ chứa nước tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản phát triển mạnh và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt.
Không có bọ gậy/loăng quăng thì không có SXH, do vậy người dân đã ra sức phun thuốc diệt muỗi, thế nhưng những thành phố lớn hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều ổ dịch SXH? Theo ông đâu là kẽ hở khiến SXH vẫn gia tăng ca mắc, tử vong, và nguy cơ cao có thể bùng phát dịch?
Chúng ta cần phải hiểu rõ, tại sao trong phòng chống SXH thì tập trung vào phòng chống loăng quăng, bọ gậy mà không tập trung vào phòng chống muỗi trưởng thành. Bởi muỗi trưởng thành truyền bệnh SXH thường không đậu vào tường vách, chủ yếu trú đậu trên quần áo, các đồ làm bằng vải tối màu. Khi phun hóa chất diệt côn trùng, thường chúng ta lại tránh phun các vật liệu này, mà chỉ chú trọng phun vào tường vách. Chính việc này vô hình trung sẽ giảm hiệu quả của hóa chất diệt côn trùng.
Do vậy, phun diệt côn trùng phòng chống muỗi truyền bệnh SXH thường chỉ sử dụng khi có ổ bệnh, vì biện pháp này diệt đàn muỗi trưởng thành mang virus, nhưng hiệu quả không kéo dài được lâu, chỉ có tác dụng trong 1 - 2 giờ. Sau đó nếu trong nhà hay xung quanh nhà có ổ bọ gậy, loăng quăng thì sẽ nở thành muỗi trưởng thành, và chúng lại đốt người.
Phun hóa chất diệt muỗi Aedes bằng phương pháp phun ULV và mù nóng được sử dụng để tiêu diệt muỗi trưởng thành, làm giảm mật độ muỗi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên việc sử dụng hóa chất và phun sẽ gặp một số vấn đề:
Sau nhiều năm sử dụng muỗi tăng khả năng thích ứng với hóa chất diệt côn trùng, có nhiều nơi đã kháng; Việc người dân chủ động mua các loại hóa chất phun và tâm lý khi phun thường pha tăng liều lượng, không đúng kỹ thuật… do đó càng làm tăng khả năng kháng hóa chất của muỗi; Việc phun ULV và mù nóng trong phòng chống SXH Dengue có một số bộ phận người dân không hợp tác vì sợ có mùi, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe, hư hỏng vật dụng trong nhà, do đó khi phun không bao phủ được toàn bộ khu vực phun; Một bộ phận người dân còn trông chờ vào việc phun hóa chất của ngành y tế mà chưa chú trọng đến việc loại bỏ và xử lý các ổ chứa loăng quăng/bọ gậy trong nhà, xung quanh nhà…
Vậy theo ông, để phòng tránh dịch bùng phát bất cứ lúc nào thì chúng ta cần chú trọng điều gì?
Về nguyên tắc thực hiện các biện pháp theo như Bộ Y tế khuyến cáo gồm 6 nội dung: Kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng; Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả hóa chất diệt bọ gậy vào bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, không cho muỗi đẻ trứng; Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/loăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, để phòng tránh dịch bùng phát bất cứ lúc nào thì chúng ta cần tập trung cao hơn nội dung sau: Công tác vệ sinh môi trường trong phòng, chống SXH đòi hỏi quyết liệt và cao hơn. Với quan điểm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng dụng cụ” để có thể loại bỏ dụng cụ chứa nước có loăng quăng bọ gậy.
Có phương án hỗ trợ một phần kinh phí cho các tổ giám sát SXH cộng đồng tại các phường; Cần có tổ “SXH cộng đồng”, lấy từ kinh nghiệm của tổ Covid cộng đồng, hỗ trợ các tổ, cụm dân phố trong việc loại bỏ các ổ loăng quăng, bọ gậy…
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Lưu Hường thực hiện