Đau mắt đỏ là bệnh dễ mắc, dễ lây trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, người dân cần biết cách phòng tránh để bệnh không lan thành dịch.
Bệnh đang có xu hướng gia tăng
Bệnh đau mắt đỏ đang có dấu hiệu bùng phát. Tại tỉnh Gia Lai, từ tháng 8/2023 tới nay, đau mắt đỏ đã xuất hiện ở 12/17 huyện, thị xã của tỉnh, với trên 4.600 ca mắc. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng lây lan nhanh, nhất là trong các trường tiểu học và THCS.
Tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, dịch đau mắt đỏ cũng bùng phát từ đầu tháng 8/2023 và chưa có chiều hướng giảm. Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang có chiều hướng lây lan nhanh trong học đường. Tỉnh Quảng Bình hiện ghi nhận hơn 6.000 ca bệnh đau mắt đỏ, tập trung ở các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch và thành phố Đồng Hới. Đáng nói, số trường hợp đau mắt đỏ tại tỉnh Quảng Bình tăng đột biến trong khoảng 1 tuần gần đây, trong đó đa số là trẻ ở lứa tuổi mầm non và tiểu học.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Đây là bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch đặc biệt ở địa bàn lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sinh hoạt.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ; Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế. |
Lưu ý cách phòng tránh
ThS.BS Lê Việt Cường, Phó trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị phân tích: Đau mắt đỏ là một cách gọi chung chung của người dân. Có thể khi mắt đỏ lên, người bệnh xem đó là đau mắt đỏ. Nhưng dịch đau mắt đỏ đang lây lan với số ca tăng nhanh hiện nay được gọi là viêm kết mạc dịch. Đây là bệnh đau mắt đỏ do Adeno virus gây ra.
Đỏ mắt là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như viêm kết mạc do virus, viêm kết mạc do vi khuẩn, viêm loét giác mạc... “Khi đã được chẩn đoán là bệnh đau mắt đỏ do Adeno virus, cần đặc biệt lưu ý ngăn ngừa bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua đường dịch tiết. Bởi, khi bệnh nhân đau mắt đỏ, dịch tiết từ trong mắt ra chứa rất nhiều virus. Bệnh nhân đưa tay lên mắt sau đó chạm vào các vật dụng xung quanh, người lành chạm vào những nơi có chứa virus sau đó đưa tay lên mắt và bị nhiễm bệnh. Do vậy, nếu trong gia đình có người bị đau mắt đỏ do Adeno virus, lưu ý không dùng khăn mặt chung hay các vật dụng cá nhân chung; Khi định đưa tay lên mắt cần phải vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc cồn; Rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm bệnh”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.
“Đau mắt đỏ do Adeno virus gây ra và thường gặp ở Việt Nam là tuýp 8. Về bản chất, không dùng các thuốc kháng sinh để điều trị nguyên nhân virus. Bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh với mục đích phòng bội nhiễm, biến chứng nhiễm khuẩn. Bệnh nhân đau mắt đỏ do Adeno virus chủ yếu sẽ được điều trị triệu chứng. Và mọi loại thuốc sử dụng cần phải có chỉ định của bác sĩ trên từng trường hợp bệnh nhân cụ thể”.
ThS.BS Lê Việt Cường
|
ThS.BS Lê Việt Cường cũng lưu ý: Đau mắt đỏ do Adeno virus gây ra thường diễn biến theo 2 giai đoạn và cần ít nhất ngoài 2 tuần để khỏi hoàn toàn. Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân thấy mắt đỏ lên, có nhiều gỉ mắt và cộm vướng nhiều. Trong giai đoạn này bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu nhiều. Sau 2 tuần bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn. Ở giai đoạn mạn, bệnh nhân có biểu hiện nhìn mờ do biến chứng trong giác mạc. Trường hợp nhẹ có thể viêm giác mạc biểu mô, nặng hơn thì viêm giác mạc nhu mô. Lúc này sẽ mất thêm thời gian để điều trị.
“Người bệnh thường có tâm lý khi dùng thuốc theo chỉ định một vài ngày chưa đỡ sẽ đi khám lại mà không hiểu rằng bệnh nhân bị đau mắt đỏ do Adeno virus cần kiên trì điều trị, bởi hiện nay chưa có phương pháp nào giúp triệu chứng giảm nhanh hơn hoặc rút ngắn thời gian diễn biến bệnh”, bs Cường nhắn nhủ.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và hạn chế số mắc trong thời gian tới, Bộ Y tế đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu các Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn./.
Hương Giang