Sốt xuất huyết là dịch bệnh theo mùa và đặc biệt tại Hà Nội đều ghi nhận có dịch hằng năm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11 tới, khi điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho sự phát triển của bọ gậy và muỗi.
Sốt xuất huyết do virus gây ra, với triệu chứng ban đầu giống như mắc các virus khác. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong, khi rơi vào tình trạng sốc, chảy máu… Do vậy, trong thời gian cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, người dân khi có triệu chứng sốt, đau người, mệt mỏi nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Diễn biến khi mắc sốt xuất huyết chi thành các giai đoạn khác nhau. Cụ thể, từ 1 - 4 ngày đầu, người bệnh sẽ sốt, mệt mỏi, song chưa có những triệu chứng lâm sàng rầm rộ. Đây chưa phải thời điểm nặng nhất của sốt xuất huyết, nhưng đây là giai đoạn phát hiện và theo dõi, đồng thời dùng thuốc chủ yếu là hạ sốt, điện giải. Giai đoạn ngày thứ 3 - thứ 7 là thời kỳ nguy hiểm nhất khi mắc bệnh. Người bệnh sẽ có tình trạng sốc, có các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu…
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có 2 tình trạng. Thứ nhất là bệnh nhân diễn biến tốt (94% số ca mắc) sẽ dần khỏi. Thứ hai là 6% bệnh nhân còn lại có nguy cơ diễn biến nặng, máu trong lòng mạch cô đặc. Nếu nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc.
Theo BS Cấp, có 4 tuýp virus gây sốt xuất huyết: “Nếu một người nhiễm tuýp 1, ngay lập tức có thể nhiễm tuýp 2. Vì thế, mỗi người có thể nhiễm ngay lập tức, thậm chí nhiễm đồng thời. Chỉ cần bệnh nhân ở trong vùng dịch, có sốt, có tiêu chảy, buồn nôn, có thể hướng đến bị mắc sốt xuất huyết”.
Với ca mắc sốt xuất huyết là trẻ nhỏ, BS Cấp lưu ý, diễn tiến bệnh cũng giống như người lớn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên, trẻ sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, cơ, khớp nên trẻ thường quấy khóc. Giai đoạn này chỉ cần hạ nhiệt. Sang ngày thứ 4, khi lui sốt, trẻ sẽ đỡ đau đầu, bớt quấy khóc nếu diễn tiến tốt thì trẻ sẽ tỉnh táo, chơi đùa trở lại.
“Nếu trẻ lờ đờ không chơi, không nghịch, trẻ nhỏ bỏ bú, tiểu ít… thì chắc chắn có diễn tiến nặng phải đến bệnh viện ngay. Trẻ trong giai đoạn sốt cao sẽ có biểu hiện háo, khát, cho bú trẻ vẫn bú, uống nước vẫn uống nhưng sau đó khi hết sốt trẻ bỏ bú thì cần đến viện ngay”, BS Cấp khuyến cáo.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế không khuyến cáo sử dụng ibuprofen để hạ sốt, chỉ sử dụng paracetamol theo cân nặng. Do đó, khi bị sốt cao do sốt xuất huyết, bên cạnh dùng thuốc paracetamol theo phác đồ, nên dùng các biện pháp vật lý như chườm ấm, cởi bỏ bớt quần áo, uống nhiều nước trái cây, nước oresol, ăn đồ loãng như cháo, sữa...
BS Nguyễn Trung Cấp cũng chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng người dân cần đặc biệt lưu ý:
Bệnh nhân mệt. Đặc biệt trẻ em, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ mấy người trước khóc nhiều, nay lả đi.
Một số bệnh nhân đau tức vùng gan.
Một số bệnh nhân đau khắp bụng.
Một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (Nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều)
Chảy máu chân răng, xuất huyết…
Phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Xử lý kịp thời, sau 2-3 ngày ra viện. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, suy đa tạng…
Khi phát hiện dấu hiệu cảnh báo phải đến cơ sở y tế ngay. Vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng.
|
Thiên Bình/VOV.VN