Bài học từ phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực ứng phó rất quyết liệt và hiệu quả của Việt Nam để đẩy lùi đại dịch Covid-19.

 

Ngày 29/10/2023, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Đại dịch Covid-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 12/2019 tại Trung Quốc, sau đó nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế và đánh giá là đại dịch toàn thế giới, vào ngày 11/3/2020.

Sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, ngày 5/5/2023, WHO xác nhận Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tại Việt Nam, từ khi ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên (23/1/2020), đến nay, cả nước ghi nhận hơn 11,6 triệu trường hợp mắc, 43.206 trường hợp tử vong.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam trải qua 2 giai đoạn chống dịch với 4 đợt bùng phát dịch. Giai đoạn 1 từ tháng 1/2020 đến hết tháng 9/2021 với chiến lược không ca bệnh và giai đoạn 2 từ tháng 10/2021 đến nay với chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Công tác phòng, chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; hỗ trợ của cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết cùng chống dịch Covid-19. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã có các Kết luận, Thông báo, Điện, Công điện; Lãnh đạo chủ chốt thường xuyên thảo luận, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra những định hướng lớn, các phương châm, đường lối, chiến lược trong phòng, chống dịch.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện; Thủ tướng Chính phủ đã giao ban trực tiếp đến cấp cơ sở với tinh thần“chống dịch như chống giặc”; yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của thân dân lên trên hết, trước hết. Các nguyên tắc, biện pháp chống dịch được kế thừa, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trên cơ sở thực tế tình hình dịch từ “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả” và được bổ sung, hình thành công thức: “5K + vaccine, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân + các biện pháp khác” với các trụ cột: xét nghiệm, cách ly, điều trị; kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công; sau đó chuyển hướng thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và thực hiện “đa mục tiêu” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh thành “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.

Các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo và thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp. Nhiều mô hình hay, cách làm tốt, các chương trình, phong trào đạt được nhiều kết quả tích cực như: Tổ Covid-19 cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, “Tháp 3 tầng” phân tầng điều trị, Hỗ trợ tư vấn từ xa, Xét nghiệm sàng lọc cho lái xe luồng xanh, Tiếng loa Biên phòng và một số chương trình, phong trào tại cộng đồng như: “Gian hàng 0 đồng”, chương trình “Đi chợ thay - Đi chợ giúp dân”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “ATM gạo”, “ATM oxy”, “xe cứu thương miễn phí”, “quán cơm thiện nguyện”... Kết quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng và tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phục hồi, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực; góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhân viên y tế Trạm Y tế phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân địa phương.

Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2023; các hoạt động phòng, chống Covid-19 được thực hiện theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B. Cùng ngày 19/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm đối với Covid-19 làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm và hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2023. Chính phủ cũng vừa ban hành quyết định bãi bỏ một số văn bản phòng chống dịch Covid-19.

Bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam

Thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 để lại nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quý báu về chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội, nhất là cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phòng, chống dịch nói riêng: Thứ nhất, là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để huy động nguồn lực trong và ngoài nước, với mục tiêu đặt lợi ích, tính mạng và sức khỏe của thân dân lên trên hết, trước hết.

Thứ hai, là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, giữa các địa phương, đặc biệt sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, công an, quân đội và các ngành liên quan trong phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ ba, là việc chủ động từ sớm, từ xa, từ ngay cơ sở; kiên định, nhất quán với biện pháp chống dịch linh hoạt theo diễn biến từng giai đoạn.

Thứ tư, là bám sát thực tiễn để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả và có phương án, kịch bản khoa học ứng phó hiệu quả với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Thứ năm, là tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, sát thực tiễn; xác định trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, nhất là cấp cơ sở gắn với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tham nhũng, tiêu cực.

Thứ sáu, là nâng cao năng lực hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở đảm bảo đáp ứng yêu cầu khi dịch bùng phát; luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ y tế của người dân.

Thứ bảy, là sự minh bạch trong việc cung cấp thông tin, tạo được sự đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch.

Thứ tám, là việc thực hiện đồng bộ vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế; thực hiện các giải pháp an ninh, an toàn trật tự xã hội trong tình huống dịch bệnh bùng phát.

Thứ chín, chủ động, tích cực tăng cường hợp tác, ngoại giao y tế với các quốc gia, tổ chức quốc tế để chia sẻ thông tin, nguồn lực và nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

Dịch Covid-19 hiện nay đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới. Đại diện cho các tổ chức quốc tế phát biểu tại Hội nghị, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực ứng phó rất quyết liệt và hiệu quả của Việt Nam để đẩy lùi đại dịch Covid-19. Việt Nam đã kiểm soát được số ca tử vong và ca mắc mới nhờ triển khai một loạt các biện pháp về xã hội và y tế công cộng kịp thời, hiệu quả. Là quốc gia phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong khu vực, cách thức ứng phó Covid-19 của Việt Nam đã trở thành hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về nhiều phương diện.

6 bài học từ phòng chống Covid-19 ở Việt Nam

Đại diện WHO chỉ rõ: có 6 bài học, yếu tố nổi bật mà Việt Nam đã áp dụng thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Đó là: Thứ nhất là năng lực phát hiện sớm ca nhiễm, điều tra, truy vết và ứng phó rất nhanh chóng; Thứ hai là biện pháp kết hợp hiệu quả giữa đóng cửa biên giới, cách ly, phong tỏa; Thứ ba, có ưu thế tuyệt vời nhờ đội ngũ nhân viên y tế tận tâm và trình độ cao, có tinh thần yêu nước; Thứ tư là những nỗ lực để có được vaccine, triển khai chiến dịch vaccine thần tốc; Thứ năm là sự nhiệt tình tham gia của toàn xã hội vào việc ứng phó; Thứ sáu, quan trọng nhất là vai trò chỉ đạo của Chính phủ và BCĐ Quốc gia cũng như BCĐ ở các cơ sở.

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận