Nắn chỉnh răng ở người lớn tuổi

Theo Hiệp hội Chỉnh nha Hoa Kỳ không có tuổi giới hạn cho nắn chỉnh răng. Tuổi nào cũng có thể nắn chỉnh răng để có hàm răng khỏe, đều, đẹp, tốt cho ăn nhai.

 

Nắn chỉnh răng ở người lớn tuổi không những nâng cao tính thẩm mỹ mà còn đảm bảo tốt hơn về mặt chức năng cho hàm răng.

Tuổi nào là giới hạn cho nắn chỉnh răng?

Nhiều người vẫn nghĩ rằng niềng răng chỉ phù hợp và hiệu quả đối với trẻ em và thanh thiếu niên và sẽ kém hiệu quả với người lớn tuổi. Tuy nhiên, chuyên gia nắn chỉnh răng - TS.BS Võ Thị Thúy Hồng, Phó trưởng Khoa nắn chỉnh răng, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, thành viên BCH Hội RHM Việt Nam, thành viên BCH Hội Nắn chỉnh răng cho biết, các bằng chứng khoa học đã khẳng định không có tuổi giới hạn cho nắn chỉnh răng. Tuổi nào cũng có thể nắn chỉnh răng để có hàm răng đều, đẹp về thẩm mỹ và tốt hơn về mặt chức năng.

“Theo khuyến cáo của Hiệp hội Chỉnh nha Hoa Kỳ thì nên đưa trẻ đi khám răng sớm lúc 4 - 5 tuổi, 7 tuổi nên cho đến khám tư vấn về nắn chỉnh răng để có các biện pháp điều trị. Những người lớn tuổi trên 50 vẫn có thể nắn chỉnh để giúp cho khớp cắn tốt hơn và thẩm mỹ hơn. Và thực tế có rất nhiều bệnh nhân (BN) ở độ tuổi ngoài 50 vẫn niềng răng thành công”, TS.BS Võ Thị Thúy Hồng cho hay.

Tại Khoa nắn chỉnh răng, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội lúc nào cũng có tới 50 BN cả già lẫn trẻ đến khám bệnh liên quan đến nắn chỉnh răng, trong đó khoảng 20 BN là người trưởng thành, cao tuổi.

TS.BS Võ Thị Thúy Hồng nắn chỉnh răng cho bệnh nhân lớn tuổi tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội.Cách đây gần 1 năm, BN Lâm Thị Hồng (40 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên phải điều trị nha chu vì viêm lợi, viêm chân răng nên hay bị chảy máu gây hôi miệng và đau nhức. Ngoài ra, chị còn bị khớp cắn sâu, cằm lẹm nên chị bảo ai cũng nói chị già hơn tuổi. Mỗi lần điều trị, các bác sĩ đều khuyên chị nên nắn chỉnh răng, sẽ cải thiện tình trạng sâu răng và ăn nhai nhưng chị vì cho rằng đắn đo ở tuổi này không biết nắn răng có hiệu quả trong khi lại tốn món tiền lớn.

“Tôi nghĩ niềng răng sẽ mất một thời gian dài sẽ rất bất tiện trong sinh hoạt. Sau khi tìm hiểu rất lâu, tôi quyết định đến BV RHM Trung ương Hà Nội niềng răng bằng khí cụ tháo lắp. Đến nay, sau gần 1 năm nắn chỉnh răng, tình trạng sức khỏe răng miệng cải thiện rõ rệt. Tôi không bị sâu răng, hôi miệng nữa. Ai gặp cũng khen tôi xinh hơn, có nụ cười đẹp hơn vì cấu trúc răng đã được chỉnh về trạng thái tốt nhất, cằm không bị lẹm nữa. Tôi rất vui mừng khi bác sĩ nói mình chỉ đeo hàm vài tháng nữa là xong liệu trình”, chị Hồng chia sẻ.

BN Nguyễn Thị Hằng (52 tuổi, ở Bắc Ninh) trước đây ai cũng khen duyên dáng vì có 2 răng khểnh. Nhưng gần đây, chị Hằng thường xuyên bị sâu răng, hôi miệng, ăn thức ăn nóng hay lạnh đều bị ê buốt. Mỗi khi đến phòng khám nha khoa gần nhà điều trị sâu răng, nhân viên đều khuyên chị nên niềng răng, vừa cải thiện tình trạng sức khỏe răng miệng, vừa không bị mất răng vì viêm lợi lâu ngày sẽ làm răng yếu dần. Nếu ngại niềng răng thì chỉ cần mài rồi bọc răng sứ sẽ nhanh đẹp hơn. “Nhiều đêm tôi mơ ngủ thấy răng của mình bị lung lay và rụng mất nên đã tìm hiểu khá lâu mới đi đến quyết tâm niềng răng để giải tỏa tâm lý. Bác sĩ nói nếu đeo khí cụ mắc cài cố định, chi phí rẻ hơn nhưng ở tuổi này thì thời gian đeo hàm khoảng 2 - 3 năm. Mặc dù sau khi chụp chiếu, bác sĩ bảo tôi khớp cắn không đều, răng tôi hơi hô nhưng không phải nhổ bớt mà chỉ cần nắn chỉnh. Tôi rất mừng vì sau gần 3 năm đeo mắc cài, đến nay đã được 90%, chỉ cần đi lại vài lần nữa là xong. Tôi biết tình trạng sức khỏe răng được cải thiện tốt như thế này thì đã đi làm từ mấy năm trước”, chị Hằng xúc động nói.

Là người trực tiếp điều trị và nắn chỉnh răng cho BN Hằng, TS.BS Võ Thị Thúy Hồng cho biết, trường hợp của BN Hằng, nếu không nắn chỉnh mà chỉ mài răng để làm răng sứ thì chỉ sau khoảng 7-10 ngày là có hàm răng rất đẹp. Tuy nhiên khi mài răng nhỏ đi, các răng sẽ bị mài bớt các tổ chức cứng, răng sẽ suy giảm về mặt sức khỏe. Hoặc mài và làm chụp không đúng cách tốt có thể gây ra chết tủy, sau này gây ra các biến chứng như viêm tủy, viêm xương hàm, viêm toàn bộ quanh răng 2 hàm, ảnh hưởng tới tuổi thọ của răng, gây hôi miệng và mất răng hàng loạt.

Răng khấp khểnh là dạng mọc sai lệch vi trí trên cung hàm, dễ ảnh hưởng tới khớp cắn và chức năng ăn nhai, dễ bị giắt thức ăn và khó để làm sạch. Lâu ngày, dẫn tới tích tụ mảng bám, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra các bệnh lý nguy hiểm như sâu răng, viêm nướu, hôi miệng… Răng khểnh có thể gây ảnh hưởng xấu tới khớp cắn như lệch đường giữa, rối loạn thái dương hàm. Hoặc dễ bị tổn thương khi có va chạm mạnh từ bên ngoài, gây vỡ và đau nhức. Chính vì vậy, bác sĩ thường khuyên BN nên thực hiện niềng răng khểnh, để nắn chỉnh răng về đúng vị trí vốn có của nó, mang đến một hàm răng chắc khỏe và ăn nhai tốt hơn.

Tại Khoa nắn chỉnh răng, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội lúc nào cũng có tới 50 BN cả già lẫn trẻ đến khám bệnh liên quan đến nắn chỉnh răng, trong đó khoảng 20 BN là người trưởng thành, cao tuổi.Ý nghĩa của nắn chỉnh răng với người cao tuổi

Giải thích về sự cần thiết nắn chỉnh răng ở người lớn tuổi, bác sĩ Hồng cho biết: Theo sinh lý, khi càng lớn tuổi sẽ có hiện tượng mất collagen và dẫn đến giảm thể tích và độ rỗng trên khuôn mặt. Điều này làm ảnh hưởng đến hàm răng, răng dưới lộ rõ khấp khểnh hơn. Khi tuổi càng cao mức độ khấp khểnh răng sẽ càng tăng lên. Càng lớn tuổi, các trường hợp sai lệch khớp cắn sẽ càng trở nên nặng nề hơn do hiện tượng mòn răng hoặc do sang chấn khớp cắn.

“Khi sang chấn khớp cắn dẫn đến hiện tượng tiêu xương vùng quanh răng và các răng trở nên khấp khểnh nặng hơn, vệ sinh răng miệng khó hơn… tạo thành vòng xoắn bệnh lý dẫn tới các triệu chứng của rối loạn thái dương hàm, tiêu mòn cổ răng, răng lung lay, túi quanh răng sâu… Vì vậy nắn chỉnh răng ở những người lớn tuổi không chỉ vì nhu cầu làm đẹp mà là để đáp ứng nhu cầu có được hàm răng với chức năng ăn nhai tốt. Nắn chỉnh răng sẽ là bước tiếp theo của quy trình điều trị rối loạn thái dương hàm có nguyên nhân do sai khớp cắn”, bác sĩ Hồng phân tích.

TS.BS Võ Thị Thúy Hồng, Phó trưởng Khoa nắn chỉnh răng, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, thành viên BCH Hội RHM Việt Nam, thành viên BCH Hội Nắn chỉnh răng.

“Việc nắn chỉnh răng ở người cao tuổi thì cần lưu ý hơn, bởi càng cao tuổi quá trình bồi đắp xương trong quá trình nắn chỉnh răng sẽ diễn ra kém hơn so với người trưởng thành và những người trẻ tuổi. Vì vậy, khi điều trị nắn chỉnh răng ở người cao tuổi cần kiểm soát tốt các vấn đề nha chu, sâu răng, rối loạn thái dương hàm. Việc phối hợp điều trị liên chuyên khoa với một kế hoạch điều trị toàn diện được lên bởi nhóm bác sĩ nắn chỉnh, nha chu, nội nha, bác sĩ phục hình, bác sĩ cấy ghép… để kết quả điều trị đạt được thẩm mỹ và chức năng ăn nhai. Thời gian đeo hàm duy trì của người lớn tuổi cũng dài hơn so với người ít tuổi”.

TS.BS Võ Thị Thúy Hồng

Theo TS.BS Thúy Hồng, một hàm răng chắc khỏe rất quan trọng, điều này lại càng quan trọng hơn đối với người cao tuổi. Ngoài chức năng nhai thức ăn, răng còn ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, giúp họ tự tin hơn. Khi răng tốt, việc nhai thức ăn thuận tiện, thức ăn cũng được nghiền nát hơn, điều này giúp cơ quan tiêu hóa dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt với những người lớn tuổi, người có hệ tiêu hóa yếu. “Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng gián tiếp đến những bệnh khác. Người có răng và lợi khỏe mạnh thường ít gặp khó khăn khi điều trị bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và các bệnh nghiêm trọng khác. Khi răng đang ở trạng thái tốt và không bị mất răng, bạn sẽ phát âm bình thường và giọng không ngọng, giao tiếp thuận lợi hơn. Răng khỏe sẽ giúp BN ít gặp rắc rối với những bệnh về lợi, tủy răng, chảy máu chân răng, đồng thời có giấc ngủ ngon hơn vì bạn không bị những cơn đau răng hành hạ”, TS.BS Thúy Hồng nhắn nhủ./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận