Tại sao cần điều trị khớp cắn ngược?

Việc điều chỉnh khớp cắn ngược ở trẻ cần được thực hiện càng sớm càng tốt để tránh những tác động xấu về sức khỏe và thẩm mỹ sau này.

 

Việc điều trị muộn đối với khớp cắn ngược sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và cuộc sống của người bệnh.

Những tác hại của khớp cắn ngược

Khớp cắn ngược có biểu hiện là răng cửa dưới đưa ra phía trước so với răng cửa trên, khi ngậm miệng lại. Hiện tượng này còn được gọi là móm. Khớp cắn ngược là một trong những sai lệch khớp cắn nghiêm trọng, không chỉ gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt mà còn ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của răng. Theo số liệu điều tra sức khỏe răng hàm mặt toàn quốc năm 2019, tỷ lệ khớp cắn ngược trong dân số là 21,8% dân số. Tại BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, số người có khớp cắn ngược chiếm khoảng 20% số BN đến khám.

TS.BS Võ Thị Thúy Hồng khám tư vấn cho bệnh nhân khớp cắn ngược tại BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội.Điển hình là bệnh nhân N.Đ.H (26 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) bị khớp cắn ngược nhưng không có điều kiện điều trị. Đến khi giọng nói bị ảnh hưởng rất nặng, nói không tròn vành rõ chữ, ăn uống khó khăn, gia đình mới cho đi khám thì đã nặng. “Tôi cho con ra BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba khám thì các bác sĩ bảo phải cắt chỉnh hàm. Tôi lại đưa con đến BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội khám, các bác sĩ bảo trước tiên phải điều trị sâu răng và viêm lợi, sau đó sẽ phẫu thuật, nắn chỉnh răng…, tổng chi phí khoảng 200 triệu. Việc điều trị cho con khoảng 2 - 3 năm mà không biết kết quả sẽ cải thiện như thế nào. Tôi cũng muốn điều trị cho con để con khỏi mặc cảm với bạn bè, cho con có sức khỏe nhưng gia đình không có điều kiện. Từ lâu, cháu chỉ ăn được cơm chan nước chứ không nhai được. Tôi toàn phải xay thịt, nấu nhuyễn cho cháu ăn”, chị N.T.M buồn rầu nói.

Phân tích về trường hợp của bệnh nhân H, TS.BS Võ Thị Thúy Hồng, Phó trưởng Khoa nắn chỉnh răng, BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, thành viên BCH Hội Răng hàm mặt Việt Nam, thành viên BCH Hội Nắn chỉnh răng, cho biết: Do BN không điều trị sớm nên cằm nhô về phía trước, khiến khuôn mặt bị gãy, cong lõm, gây mất thẩm mỹ. “Hai hàm răng bị lệch nhau sẽ khiến khả năng cắn xé và nhai thức ăn gặp khó khăn. Và khi đồ ăn không được nhai nghiền kỹ sẽ tạo áp lực lên hệ tiêu hóa gây ra một số bệnh lý về đường ruột, dạ dày,… khớp cắn ngược còn gây ngọng nghịu khi phát âm. Khi lời nói không tròn vành rõ chữ sẽ làm giảm hiệu quả truyền đạt thông tin và công việc bị cản trở. Vì thế sẽ khiến người bệnh tự ti rất nhiều”, TS Thúy Hồng chia sẻ.

TS.BS Võ Thị Thúy Hồng, Phó trưởng Khoa nắn chỉnh răng, BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, thành viên BCH Hội Răng hàm mặt Việt Nam, thành viên BCH Hội Nắn chỉnh răng.

“Điều trị sớm các trường hợp khớp cắn ngược do xương có yếu tố di truyền hoặc cắn ngược do quá phát xương hàm dưới hoặc do kém phát triển xương hàm trên mức độ nặng có chỉ định phẫu thuật sẽ có nhiều lợi ích như: giúp cho quá trình phẫu thuật chỉnh hình xương khi người bệnh trưởng thành được thuận lợi, an toàn. Người bệnh dễ dàng có được khuôn mặt ở mức thẩm mỹ cao. Do vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị đúng, kịp thời”.

TS.BS Võ Thị Thúy Hồng

Nên khám sớm để điều trị đúng

Ths.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Khoa nắn chỉnh răng, BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội cho biết, thông thường khớp cắn ngược sẽ có 3 dạng: khớp cắn ngược do răng, do xương hoặc do cả xương hàm và răng. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng để thực hiện điều trị.

Nếu cắn ngược do xương, BN đang trong giai đoạn tăng trưởng thì cho đeo Facemask - ốc nong nhanh. Đây là loại hàm có chức năng nhằm sửa chữa khớp cắn ngược phía trước do xương với nguyên nhân do kém phát triển xương hàm trên ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển.

Bệnh nhân khớp cắn ngược trong giai đoạn đeo Facemask tại BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội. Bênh nhân N.N.L (12 tuổi, ở Bắc Ninh) có biểu hiện hàm dưới đưa ra nhiều khiến môi dưới chìa ra ngoài, BN khó nhai nuốt. Chính vì khó ăn nhai nên BN không ăn được nhiều, hay ốm yếu. Gia đình đưa L đến BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội khám thì được đeo Facemask một thời gian, sau đó nắn chỉnh răng. Sau gần 1 năm, gương mặt L đã cải thiện gần như các bé gái bình thường. “Trước đây con cảm thấy tự ti về khuôn mặt của mình vì mỗi lần nói môi dưới cứ chìa ra và không rõ tiếng. Hiện tại, con ăn uống cũng dễ dàng hơn, nói cũng tròn vành rõ chữ hơn nên con không còn tự ti nữa. Con mong muốn khi nắn chỉnh răng xong, con sẽ có nụ cười đẹp như các bạn”, L bày tỏ.

Ths.BS Mỹ Hạnh cho biết, trường hợp đang tuổi phát triển như bệnh nhân L, việc đeo Facemask - ốc nong nhanh sẽ giúp tách đường khớp hàm trên và kích thích sự tăng trưởng nhằm đưa xương hàm trên ra trước, định hướng xương hàm dưới phát triển xuống dưới và ra sau.

Ths.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Khoa nắn chỉnh răng, BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội. Theo các bác sĩ, các trường hợp khớp cắn ngược do xương mức độ nhẹ hoặc vừa quá giai đoạn tăng trưởng, các bác sĩ sẽ cho điều trị bù trừ khớp cắn ngược với mắc cài hoặc khay chỉnh nha trong suốt. Điều trị bù trừ đồng nghĩa với việc người bệnh phải thoả hiệp về mặt thẩm mỹ; Với các trường hợp nặng, điều trị nắn chỉnh răng kết hợp với phẫu thuật chỉnh hình xương sẽ giúp người bệnh có được thẩm mỹ khuôn mặt và chức năng ăn nhai tốt. Cắn ngược do răng thì nắn chỉnh răng sẽ mang lại kết quả cao, với kỹ thuật này các răng sẽ được nắn chỉnh về đúng với vị trí mong muốn nhờ vào sự hỗ trợ của hệ thống mắc cài, dây cung hoặc khay niềng trong suốt có tính thẩm mỹ cao.

Do vậy Hiệp hội Chỉnh nha Hoa Kỳ khuyến cáo, nên đưa trẻ đi khám nắn chỉnh răng lần đầu khi trẻ 7 tuổi. Còn chỉnh nha theo cơ chế sinh học thích ứng và bù trừ thì nên đưa trẻ đi khám sớm hơn khi trẻ 4 - 5 tuổi.

“Việc điều trị khớp cắn ngược ở trẻ cần được thực hiện càng sớm càng tốt để tránh những tác động xấu về sức khỏe và thẩm mỹ sau này. Việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn, thậm chí phải phẫu thuật kết hợp với nắn chỉnh răng đối với các trường hợp KCN do xương mức độ nặng”, Ths.BS Mỹ Hạnh lưu ý./.

Lưu Hường

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận