'Những gì người Việt làm được cho người Việt sẽ là tốt nhất'

Đó là quan điểm của Thiếu tướng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hữu Song (ảnh bìa), Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

 

Đó là quan điểm của Thiếu tướng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hữu Song (ảnh bìa), Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khi chia sẻ với Báo Tiếng nói Việt Nam trước thềm xuân Giáp Thìn.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện hơn 200 ca ghép gan trong 6 năm với các kỹ thuật tiên tiến nhất, phẫu thuật thành công những ca khó xứng đáng ghi vào y văn. Đầu tư cho con người đồng thời với cập nhật công nghệ và kỹ thuật tiên tiến là hướng lựa chọn để người Việt có thể chữa bệnh tốt nhất cho người Việt.

Thưa Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hữu Song, động lực nào đã giúp Bệnh viện TWQĐ 108 trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất cả nước chỉ sau 6 năm?

Động lực trước hết là quyết tâm cao độ, xác định rõ mục đích và thẳng tiến tới mục đích. Đây chính là quyết tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc và đặc biệt là đồng chí Giám đốc bệnh viện lúc đó là Trung tướng Giáo sư - Tiến sĩ Mai Hồng Bàng. Trong giai đoạn thành công bây giờ khó hình dung hết vai trò của đồng chí Giám đốc bệnh viện. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu triển khai thì vô cùng khó khăn, bởi vì Bệnh viện TWQĐ 108 là bệnh viện thứ 18 triển khai ghép mô, bộ phận cơ thể người (ghép tạng), đi sau nên gặp nhiều thách thức. Không quyết tâm thì không thể thành công!

Nhưng chỉ quyết tâm thôi thì không đủ, “có bột mới gột nên hồ”, đòi hỏi bệnh viện phải có đầy đủ tiềm năng, tiềm lực để triển khai ghép tạng. Đó là kết quả của quá trình mấy chục năm triển khai công tác đào tạo một cách nghiêm túc, bài bản. Những thầy thuốc đang thực hiện ghép tạng ở Bệnh viện TWQĐ 108 hiện nay suốt hơn 20 năm qua liên tục trực tiếp tham gia phẫu thuật, triển khai các xét nghiệm, phương pháp sàng lọc khám, chữa bệnh, phương pháp điều trị trước và sau ghép. Họ được Nhà nước và quân đội cử đi đào tạo ở Pháp, Nhật, Đức, Hàn Quốc và nhiều nước khác về các kỹ thuật gần với ghép, ví dụ như cắt gan, cắt phổi, cắt thận. Những kỹ thuật này đã trở thành thường quy ở bệnh viện trước khi triển khai ghép tạng.

Để có thể thành công trong việc phẫu thuật hơn 800 ca ghép tạng nói chung, trong đó có hơn 200 ca ghép gan, bệnh viện đã đầu tư hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, trang thiết bị, máy móc để phục vụ hoạt động ghép tạng của Bệnh viện TWQĐ 108 rất đầy đủ để triển khai ghép tạng. Tuy nhiên, theo sự tiến bộ vượt bậc của khoa học thì các trang thiết bị luôn được cập nhật với những công nghệ hiện đại hơn, gần gũi, thân thiện hơn với người sử dụng. Do đó, chúng tôi xác định phải đầu tư thường xuyên nhưng có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tránh lãng phí để phục vụ hiệu quả nhất cho công tác khám chữa bệnh. Năm 2024, chúng tôi nhận được sự đầu tư rất lớn của Bộ Quốc phòng để trang bị cơ bản, đầy đủ, công nghệ hiện đại nhất đối với hầu hết trang thiết bị về chẩn đoán, phẫu thuật, hồi sức, gây mê cùng một dự án đầu tư trang thiết bị đầy đủ và hiện đại nhất cho Viện Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương.

Có trang thiết bị hiện đại thì phải có con người làm chủ được trang thiết bị đó. Ông đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực mà bệnh viện đang có?

Phải nói rằng, nguồn nhân lực hùng hậu Bệnh viện TWQĐ 108 đang có là điều mà không ít bệnh viện, cơ sở y tế mong muốn. Với lực lượng này, bệnh viện đã thực hiện được rất nhiều kỹ thuật. Ví dụ ghép tạng là sự kết hợp đa chuyên ngành. Chỉ cần nói rằng có thể ghép tạng lấy từ người hiến chết não, một lúc có thể mổ tại hơn mười phòng mổ, thì sẽ hình dung ra đội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện như thế nào, bởi vì phải có một hệ thống rất đồng bộ mới triển khai đồng loạt được.

Sự đồng bộ này không chỉ ở trong phòng mổ mà còn là tất cả các hoạt động, từ hành chính cho đến kiểm soát nhiễm khuẩn, cung cấp dược, trang thiết bị, hồi sức, xét nghiệm.

Khi nói về nguồn nhân lực ở bệnh viện công hiện nay, giám đốc một bệnh viện lớn đã ví các bác sĩ có tay nghề cao như những “viên kim cương”, và điều trăn trở lớn nhất là làm sao để giữ được những “viên kim cương” đó. Ông chia sẻ như thế nào về trăn trở này?

Ví các bác sĩ hoặc người giỏi như “viên kim cương” cũng đúng, nhưng viên kim cương muốn đẹp thì phải được mài giũa bởi đôi tay của những người thợ chế tác có trình độ cao để các góc cạnh đều phản xạ ánh sáng tốt, còn không mài giũa thì dù có là kim cương cũng chẳng ai nhìn.

Tôi cho rằng, người thầy thuốc giỏi làm việc không phải chỉ vì tiền, mà trước hết họ đến để phục vụ bệnh nhân, mong có môi trường tốt nhất cho họ phát triển, thể hiện và đóng góp. Bệnh viện TWQĐ 108 không có gì hơn là tạo một môi trường cho họ có cơ hội thể hiện, cống hiến. Khi đã có một môi trường thuận lợi như thế này, những người muốn giỏi mời về với chúng tôi, còn giỏi rồi mà không muốn ở lại thì ít, hơn 70 năm nay rất ít thầy thuốc giỏi xin ra khỏi bệnh viện. Vì bệnh viện tạo ra môi trường để họ tiếp tục được cố gắng, phấn đấu, được mài giũa để “viên kim cương” (là chính họ) tiếp tục tỏa sáng.

Do đó tôi tin tưởng là cán bộ, nhân viên Bệnh viện TWQĐ 108 trong ít nhất là 5 - 10 năm tới sẽ không phải lo rời bệnh viện để ra ngoài làm việc. Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa phải đối mặt với khó khăn giữ nhân lực mà thậm chí là nơi nhiều cán bộ, nhân viên giỏi muốn về công tác.

Ông có đề xuất gì về chính sách nhân lực để lực lượng cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tâm huyết, yêu nghề ngày càng phát triển ở Bệnh viện TWQĐ 108?

Phát triển nguồn nhân lực là việc làm thường xuyên, liên tục và phải có một chiến lược nhất quán, xuyên suốt cả quá trình phát triển. Bệnh viện TWQĐ 108 xác định rất rõ nguồn nhân lực sẽ quyết định sự thành công và phát triển bền vững. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm từ cách tuyển chọn cán bộ, nhân viên vào bệnh viện cho đến đào tạo theo từng bước, từng thời điểm, từng chuyên ngành với tiêu chí cụ thể và song song với đó là ngoại ngữ.

Bệnh viện TWQĐ 108 xác định ngoại ngữ - đặc biệt tiếng Anh - là phương tiện để tiếp cận kiến thức mới từ nước ngoài. Vì vậy, bệnh viện đặt ra yêu cầu đến tháng 1/2025, 100% cán bộ sinh từ 1/1/1980 cho đến 31/12/1984 phải có IELTS trình độ 6.0, sinh từ 1/1/1985 trở về sau phải có IELTS 6.5. Bệnh viện sẽ hỗ trợ một lần lệ phí thi và có thưởng nếu thi đạt điểm cao.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện và thu hút hơn nữa người giỏi mong muốn về làm việc tại bệnh viện, tôi cho rằng cần có cơ chế đặc thù cho một số chuyên gia tại bệnh viện. Hiện nay họ đang đóng góp, làm việc vì muốn cống hiến. Nếu có chế độ đãi ngộ tốt hơn, ít nhất cũng cho khoảng 20 - 30% những người như vậy, thì sẽ khuyến khích hơn. Bệnh viện TWQĐ 108 là bệnh viện hạng đặc biệt nên cần có cơ chế đặc biệt trong việc tuyển dụng, đãi ngộ cán bộ, nhân viên chất lượng cao.

Trở lại với thành tựu ghép tạng, mục tiêu của Bệnh viện TWQĐ 108 đến năm 2025 là gì, thưa ông?

Sau hơn 6 năm thực hiện đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người”, Bệnh viện TWQĐ 108 đã ghép được 8/11 loại mô tạng với trên 800 ca ghép. Tỉ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi xác định thời gian tới chỉ tập trung ghép ba mô tạng chủ yếu đó là ghép gan, ghép thận và ghép tế bào gốc. Trong ghép tế bào gốc thì có cả sử dụng điều trị liệu pháp tế bào, liệu pháp gene để chỉnh sửa tế bào.

Chúng tôi cũng có kế hoạch triển khai xây dựng dự án ghép tim nhưng chủ yếu tập trung vào định hướng sử dụng tim nhân tạo chứ không phải là ghép tim từ người hiến chết não. Bởi mỗi người hiến chết não chỉ có thể được cứu sống được một người. Nếu ghép tim nhân tạo thành công thì có thể chủ động nguồn hiến, nguồn tạng ghép và thế giới cũng đang đi theo hướng này.

Khi Bệnh viện TWQĐ 108 hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép tạng đồng bộ ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, người bệnh sẽ được hưởng lợi như thế nào, thưa ông?

Khi bệnh viện triển khai bất kỳ kỹ thuật mới nào, người bệnh sẽ hưởng nhiều lợi ích từ kỹ thuật mới đó, được điều trị hiệu quả hơn, ít mất sức hơn, chăm sóc tốt hơn...Tuy nhiên, để nói một cách chính xác và bao quát, người bệnh được nhận những gì còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách liên quan.

Vấn đề lớn, đặc biệt tại thời điểm hiện nay, là bảo hiểm xã hội chăm lo được đến đâu? Chính sách bảo hiểm xã hội sẽ quyết định người bệnh được hưởng bao nhiêu, hưởng những gì. Bệnh viện phát triển kỹ thuật mới thì đương nhiên là phục vụ bệnh nhân, nhưng nếu bảo hiểm không đồng ý chi trả hoặc là gia đình không có điều kiện thì sẽ không nhiều lựa chọn. Những kỹ thuật mới triển khai, muốn phát triển, ứng dụng, ngoài phần đầu tư của Nhà nước, quân đội thì cơ quan bảo hiểm và người sử dụng dịch vụ y tế cũng cần chia sẻ ở mức phù hợp. Do vậy nên đa dạng hóa phương thức chi trả chứ không nên khống chế mức trần dịch vụ để người bệnh được hưởng quyền lợi tốt nhất theo nhu cầu và khả năng của họ.

Một ca ghép gan thực hiện tại Singapore có giá lên đến khoảng 8 tỷ đồng, trong khi ghép gan tại Bệnh viện TWQĐ 108 chỉ phải chi trả chưa đến 1 tỷ đồng. Chữa bệnh tại Việt Nam còn tiết kiệm được các chi phí đi lại, ăn ở của bệnh nhân và người nhà. Nếu đi nước ngoài điều trị, sau khi phẫu thuật, người bệnh vẫn phải quay lại để kiểm tra, theo dõi. Trong khi đó, chúng tôi đã làm chủ các kỹ thuật tiên tiến, nên phẫu thuật tại Việt Nam, việc đi lại, chăm sóc, theo dõi đều thuận lợi.

Chúng tôi xác định: Với mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm ghép tạng ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, người Việt có thể yên tâm điều trị bệnh tại Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hữu Song! 

Thu Thùy thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận