Phòng tránh ngộ độc trà sữa

Nhiều vụ ngộ độc trà sữa đã được báo chí đưa tin và nhiều trường hợp đã phải đi cấp cứu… Đây chính là điều khiến các bậc phụ huynh lo ngại về thức uống này.

 

Mùa hè có nhiều món đồ uống trong đó có trà sữa rất hấp dẫn giới trẻ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều vụ ngộ độc trà sữa khiến các bậc phụ huynh lo ngại. Cách nhận biết như nào để phòng tránh ngộ độc từ đồ uống này?

Nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm

Ngày 23/11/2023, một vụ ngộ độc do mua trà sữa ngoài đường về uống khiến 17 học sinh của Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Eatu, TP Buôn Ma Thuột) phải nhập viện. Được biết, trước đó, một phụ huynh có con học lớp 5B đến tiệm trà sữa ngoài trường đặt mua 36 ly trà sữa mời 35 học sinh và cô giáo chủ nhiệm uống. Sau 15 phút uống trà sữa học sinh bắt đầu có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Sau khi chuyển các cháu đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để theo dõi, điều trị, cơ quan chức năng TP Buôn Ma Thuột đã lấy 8 mẫu (6 mẫu nguyên liệu, 2 mẫu trà sữa) gửi labo của Viện Vệ sinh dịch tế Tây Nguyên để kiểm nghiệm tìm nguyên nhân gây ra sự cố về an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm tra xác định trà sữa học sinh dùng trong chiều 22/11 được chế biến vào sáng cùng ngày, bảo quản trong tủ mát - là nguyên nhân dẫn tới ngộ độc thực phẩm.

Trước đó, có rất nhiều vụ ngộ độc trà sữa đã được báo chí đưa tin và nhiều trường hợp đã phải đi cấp cứu, trong đó có trường hợp học sinh 11 tuổi tử vong nghi do ngộ độc trân châu trong trà sữa. Đây chính là điều khiến các bậc phụ huynh lo ngại về thức uống này. Vậy thành phần chính của trà sừa là gì?

Theo chuyên gia dinh dưỡng - Ths Lưu Liên Hương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam: Trà sữa là một món đồ uống có nguồn gốc từ Đài Loan từ những năm 1980. Thành phần của trà sữa cơ bản có trà, sữa và trân châu, đường. Đây là nguyên liệu quan trọng nhất, tạo nên hương vị đặc trưng của trà sữa. Trong đó các loại trà cơ bản thường được sử dụng trong trà sữa bao gồm trà đen, trà xanh, trà trắng và trà ô long. Còn sữa, trừ những thương hiệu nổi tiếng sử dụng các loại sữa tươi, sữa đặc thì đa số các thương hiệu nhỏ đều sử dụng kem béo (không phải sữa). Với trân châu, thành phần chủ yếu của hạt trân châu là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80%), đường cô đặc, hương liệu thực phẩm và chỉ có dưới 1% thành phần của trân châu là chất xơ và protein. Một ly trà sữa trân châu có thể sẽ chứa tới 50g đường (cung cấp 200kcal). 

Ảnh minh họa: InternetTuy nhiên, ngày nay, thành phần của trà sữa không chỉ có trân châu mà còn được bổ sung thêm nhiều loại đồ đi kèm (thường được gọi là topping), ví dụ như pudding trứng, kem phô mai, thạch… Các loại topping cũng sẽ có nguy cơ mất ATVSTP vì để tạo ra các loại topping này, sẽ cần sử dụng nhiều hương liệu và phụ gia thực phẩm. Ngoài ra, nếu uống các loại trà sữa có hương vị hoa quả thì các cửa hàng còn cho thêm các loại siro trái cây.

“Nhiều người vì yêu thích món trà sữa nhưng sợ nguồn gốc không đảm bảo nên mua nguyên liệu về tự chế biến. Sữa kết hợp với trà nếu không đúng cách sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà. Các protein casein trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch có trong trà. Ngoài ra, còn có nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu các thành phần, nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, bà Liên Hương cho hay.

Chọn trà sữa có xuất xứ rõ ràng

Ths Lưu Liên Hương cho biết, trà sữa là 1 thực phẩm dùng nhiều chất phụ gia: Chống tạo bọt, tạo mùi, tạo vị, chống vón, tạo màu, làm ngọt… vì vậy có các nguy cơ nếu người sản xuất không tuân thủ quy định về ATVSTP, cụ thể là phụ gia thực phẩm.

Vì lợi nhuận, không ít tiệm trà sữa trân châu đã không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu. Khi uống sẽ không khác với trà tự nhiên nhưng thực tế nó được chế tạo từ các chất tổng hợp hoá học. Nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn và sử dụng không thường xuyên thì không nguy hại nhiều tới sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu thêm các chất phụ gia vượt ngưỡng hoặc uống quá nhiều sẽ là gánh nặng cho gan, thận. Nếu dùng thường xuyên, thời gian tích tụ lâu dài, sẽ gây thương tổn cho chức năng của gan, thận.

“Một ly trà sữa trân châu có thể cung cấp tới 335kcal. Do chứa nhiều đường và calo, nếu uống quá nhiều trà sữa, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt với lứa tuổi học sinh, đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, khi uống quá nhiều trà sữa có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển”.

Ths Lưu Liên Hương

Trên thực tế, mặc dù có sử dụng trà thật, nhưng nhiều cửa hàng trà sữa lại thường tẩm thêm hương liệu (hương nhài, hương sen) vào trà để trà có thêm hương vị quyến rũ. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thì rất có thể những loại hương liệu này chứa các hóa chất độc hại (hóa chất hương nhài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P - dimethoxy penzin, đều là những chất độc hại gốc hữu cơ).

Do vậy, bà Liên Hương khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua trà sữa của các thương hiệu lớn, có nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Không nên vì ham rẻ, ham giảm giá mà mua trà sữa tự làm hoặc trà sữa vỉa hè, có nguồn gốc không rõ ràng. Hạn chế thêm đường hay các loại topping vào trà sữa. Nếu có điều kiện, nên tự mua trà và sữa ở cơ sở uy tín về nhà tự pha chế để đảm bảo VSATTP.

Giang Hương

 

Bình luận

    Chưa có bình luận