Sáng 11/4, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024. Việc người dân vẫn sử dụng động thực vật có chất độc tự nhiên làm thực phẩm, đã gây ra một nửa số vụ ngộ độc trong năm ngoái, nên Đắk Lắk sẽ ưu tiên đẩy mạnh truyền thông nhằm ngăn chặn nguy cơ ngộ độc.
Năm 2023 tỉnh Đắk Lắk xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, 86 người mắc, trong đó có 77 người nhập viện, tăng 5 vụ và tăng 68 người mắc so với năm 2022. 50% số vụ ngộ độc thực phẩm do người dân sử dụng động vật và thực vật có sẵn độc tố tự nhiên.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 trên địa bàn toàn tỉnh với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Cùng với việc đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, trong Tháng hành động năm nay, Đắk Lắk sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp. Thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bà Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk cho biết, Tháng hành động là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông về tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
“Theo chủ đề bảo đảm an ninh an toàn thực phẩm, trên cơ sở vừa kiểm tra các nội dung mà các đơn vị địa phương tham mưu triển khai thực hiện, vừa đẩy mạnh các hoạt động truyền thông các văn bản vi phạm pháp luật rồi công tác kiểm tra giám sát nhằm bảo đảm được tình hình an toàn thực phẩm nói chung, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm trong Tháng hành động và xuyên suốt năm 2024”, bà Lê Thị Châu cho hay.
Nam Trang/VOV-Tây Nguyên