Khó quản lý nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang có nhiều khó khăn: xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới

 

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang có nhiều khó khăn như xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới (như kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) dẫn đến khó quản lý.

Hội An từng bê bối với vụ hàng trăm người ngộ độc do ăn bánh mỳ Phượng hồi cuối năm ngoái. Còn vừa qua, thành phố du lịch Nha Trang đã có du khách bị ngộ độc thức ăn liên quan đến quán cơm gà Trâm Anh. Mới nhất, 20 tấn nội tạng trong kho lạnh ở thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu vi phạm… Thực tế này cho thấy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm hiện cứ lơ lửng, có thể xảy ra với bất kỳ ai, có thể đến từ bất kỳ quán ăn, bếp ăn nào.

“Dân mình tự hại dân mình, đời con đời cháu mình ung thư nhiều quá, do thực phẩm bẩn, do hóa chất nhiều, thuốc trừ sâu thuốc kích thích, giờ đi ra chợ thì mua đâu phải ai cũng biết cái gì tốt, cái gì xấu đâu, cái gì ngon và không ngon, cái gì an toàn và không an toàn” - Bà Nguyễn Thị Mão, ở quận Bắc Từ Liêm Hà Nội bức xúc.

Ngộ độc tập thể ở Kiên Giang, hơn 50 học sinh tiểu học phải nhập viện cấp cứu.Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thống kê, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 3 người tử vong.

Khác với nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trước đây thường xảy ra ở các khu công nghiệp, có các suất ăn bình dân, rẻ tiền, giờ đây, các vụ ngộ độc với tần suất dày, quy mô lớn lại xảy ra ở những thương hiệu thực phẩm có tiếng. Thực trạng này đòi hỏi cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm từ các cơ quan quản lý.

Ai trong chúng ta cũng muốn được sống trong một môi trường an toàn, được sử dụng thực phẩm sạch. Ở đó, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kiểm tra đồng bộ, hiệu quả và minh bạch. Ở đó, mỗi người dân được trang bị về an toàn thực phẩm, có thông tin để biết cách phân biệt thực phẩm không an toàn.

Tuy nhiên trong bối cảnh có nhiều biến động về an ninh lương thực; nhu cầu và phương thức mua sắm có những thay đổi thì càng đòi hỏi những yêu cầu cao hơn từ phía đơn vị quản lý, cơ sở sản xuất chế biến và người dân. “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” vì thế được chọn là chủ đề của Tháng hành động An toàn vệ sinh thực phẩm từ 15/4 - 15/5 do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát động.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang có nhiều khó khăn: xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới (như kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) dẫn đến khó quản lý. Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm…

Vì thế, một số hoạt động được tập trung trong Tháng hành động An toàn vệ sinh thực phẩm như:

Tăng cường truyền thông cho người dân, cho doanh nghiệp về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay. “Bán hàng thực phẩm online hiện nay có những bất cập gì, có những nguy cơ gì. Nhiều mặt hàng online vẫn chưa kiểm soát được, hàng giả, hàng nhái rất nhiều nên cảnh báo cho người dân phải rất thận trọng khi mua thực phẩm qua tài khoản online” - ông Nguyễn Hùng Long thông tin.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Dịp này, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm địa phương, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm diễn ra hàng giờ ở quy mô vô cùng lớn. Và nếu như mỗi người không có ý thức tự bảo vệ thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ càng nóng./.

Phạm Trang/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận